Thứ sáu,  20/09/2024

Khu di tích lịch sử Chi Lăng: Vướng mắc xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt

(LSO) – Xây dựng hồ sơ công nhận Khu di tích lịch sử Chi Lăng trở thành Khu di tích quốc gia đặc biệt là một việc làm hết sức quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn một số vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ.

Khu di tích lịch sử Chi Lăng là một quần thể gồm 52 điểm di tích trải dài 15 km dọc theo thung lũng sông Thương, chủ yếu thuộc 2 xã: Chi Lăng và Quang Lang (huyện Chi Lăng).

Trước tác động của lịch sử, con người và môi trường tự nhiên, khu di tích đã có những biến đổi và mai một, rất cần sự quan tâm, bảo vệ đặc biệt. Chính vì vậy, ngày 5/7/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1228  về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập hồ sơ khoa học khu di tích lịch sử Chi Lăng trình xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành việc lập hồ sơ cấp Quốc gia đặc biệt cho Khu di tích lịch sử Chi Lăng. Trong quá trình kiểm tra, rà soát, tổng hợp lại toàn bộ hệ thống các thông tin, tư liệu, hình ảnh cũng như qua quá trình khảo sát, điền dã, nghiên cứu, sưu tầm tại một số điểm nằm trong khu di tích vẫn còn gặp một số vướng mắc nhất định như: các nhân vật, sự kiện lịch sử, thông tin, tư liệu, hình ảnh liên quan đến khu di tích có nhiều điểm chưa đồng bộ giữa sử liệu chính thống và các câu chuyện dân gian, truyền thuyết do bị thất truyền, gián đoạn.

Đoàn khảo sát của Viện Bảo tồn di tích khảo sát, nắm bắt tình hình, thực trạng tại di tích Ải Chi Lăng

Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin (VH-TT) huyện Chi Lăng cho biết: Theo cuốn tiểu thuyết lịch sử “Kỳ tích Chi Lăng” của nhà văn Nguyễn Trường Thanh (viết năm 1981), Khu di tích lịch sử Chi Lăng có tổng số 52 di tích, là nơi diễn ra trận chiến, căn cứ của nghĩa quân, là kho chứa vũ khí, lương thực, là làng bản nơi cấp dưỡng nuôi quân đánh giặc… Thế nhưng qua khảo sát thực tế, huyện chỉ xác định được 46/52 di tích, còn 6 di tích đã mất dấu tích, không thể xác định được.

Cùng với đó, qua tìm hiểu các tư liệu lịch sử, phần lớn các di tích nằm trong quần thể di tích lịch sử Chi Lăng chỉ liên quan đến một trận đánh đơn thuần (phản công hoặc phục kích) nên các dấu tích của trận địa hết sức đơn giản và hầu như không có một công trình quân sự kiên cố nào lưu lại như dấu tích của các chiến trường khác. Thêm vào đó, yếu tố khách quan do sự ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, chiến tranh… cũng tác động không nhỏ làm cho môi trường cảnh quan di tích bị mai một nghiêm trọng.

Đơn cử như: cụm di tích Đấu Đong Quân (xã Chi Lăng), theo sử liệu, Khu di tích lịch sử Chi Lăng có 4 Đấu Đong Quân được đắp bằng đất, hình chữ nhật rộng 9 m, cao từ 1 – 1,5 m so với mặt ruộng. Tuy nhiên, do quá trình làm đường, cải tạo đất canh tác, đến nay, 3/4 Đấu Đong Quân đã bị phá hủy hoàn toàn, không còn dấu tích. Hay như di tích Ải Chi Lăng có độ cao nguyên bản từ 15 – 20 m so với mặt ruộng, do tác động của thiên nhiên, con người, đến nay chỗ cao nhất cũng chỉ còn 10 m.

Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức, chưa huy động được cộng đồng tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Ý thức bảo vệ di sản của một bộ phận người dân chưa cao. Do đó, tình trạng lấn chiếm phạm vi bảo vệ di tích dưới nhiều hình thức vẫn xảy ra, đe dọa tính nguyên gốc của các di tích.

Ví như cụm di tích: Quảng trường Đồng Đĩnh, Thành Bầu, Làng Đồn, Ba Đàn (thuộc xã Chi Lăng) đến nay đã trở thành nơi định cư của hàng trăm hộ dân, họ đã sinh sống trong khu vực di tích từ lâu và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều này gây khó khăn cho việc xác định ranh giới và khoanh vùng bảo vệ di tích.

Trong đợt khảo sát, nắm tình hình thực trạng các điểm di tích trong quần thể di tích lịch sử Chi Lăng vào đầu tháng 7/2019, bà Huỳnh Phương Lan, chuyên viên Viện Bảo tồn di tích, Bộ VHTTDL cho biết: Nếu căn cứ vào sử liệu, truyền thuyết thì phần lớn các khu di tích lịch sử đều có rất nhiều điểm di tích. Việc nghiên cứu, lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt và cả công tác quản lý, bảo vệ sau này của số lượng lớn các di tích đó rất tốn kém thời gian, công sức, nhân lực, vật lực. Kinh nghiệm lập hồ sơ di tích ở các khu du lịch quốc gia đặc biệt ở các địa phương khác là chỉ tập trung lựa chọn một số điểm tiêu biểu và có tiềm năng khai thác phục vụ phát triển văn hóa, du lịch trong tương lai.

Trước những khó khăn đó, đến trung tuần tháng 7/2019, việc lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt đối với khu di tích lịch sử Chi Lăng mới hoàn thành được 70% khối lượng công việc. Trong khi thời gian hoàn thiện hồ sơ theo kế hoạch đề ra là trước ngày 25/7/2019.

Trước yêu cầu gấp rút về thời gian, đồng thời nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Với số lượng di tích lớn, khó khăn trong công tác khoanh vùng bảo vệ, sở tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, tập trung vào những điểm di tích đã xác định được và có tiềm năng phát triển du lịch. Đồng thời, tích cực phối hợp với UBND huyện Chi Lăng đẩy nhanh quy trình, thủ tục lập dự thảo hồ sơ khoa học di tích, đảm bảo đúng thời gian quy định để tiến hành các quy trình, thủ tục tiếp theo như: tổ chức tọa đàm khoa học xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trung ương, địa phương tiếp thu ý kiến để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ…

NGỌC HIẾU - TUYẾT MAI