Thứ sáu,  30/08/2024

Chương trình khuyến công: Hỗ trợ nâng giá trị sản phẩm thế mạnh

– Những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã triển khai nhiều chương trình khuyến công nhằm hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm là thế mạnh của địa phương đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.


Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 và các thành viên Ban Giám khảo

xem xét, bình chọn các sản phẩm

Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2017, trải qua gần 6 năm phát triển, đến nay, cơ sở sản xuất bún ngô Thuận Anh, thôn Bình Chương 1, xã Đình Lập, huyện Đình Lập đã trở thành một trong những cơ sở sản xuất tiêu biểu của tỉnh, xây dựng được thương hiệu và uy tín với khách hàng. Để đạt được thành công đó phải kể đến việc cơ sở đã chủ động đầu tư, ứng dụng dây chuyền máy móc hiện đại vào sản xuất.

Chị Bế Thị Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất bún ngô Thuận Anh cho biết: Trước đây, tôi làm bún ngô bằng phương pháp thủ công nên năng suất thấp. Với mong muốn mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năm 2019, tôi đã làm hồ sơ để đăng ký tham gia chương trình khuyến công địa phương (KCĐP). Với tổng kinh phí đầu tư 228 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn KCĐP hỗ trợ 90 triệu đồng, cơ sở đã lắp đặt hoàn thiện máy móc, thiết bị cho dây chuyền sản xuất bún ngô như: máy xát, máy nghiền, máy vo gạo, đùn bún, máy đóng gói… Nhờ đó, trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất được từ 4 đến 5 tấn bún ngô/ngày, tăng gấp 2 lần so với năm 2017. Hiện sản phẩm bún ngô Thuận Anh đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn và lên kệ hàng của các siêu thị tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Tương tự, năm 2022, cơ sở sản xuất khô heo mác mật, thôn Bình Thượng, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn cũng được hỗ trợ 120 triệu đồng từ nguồn vốn KCĐP để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất. Anh Dương Hữu Điện, chủ cơ sở cho biết: Được hỗ trợ từ kinh phí khuyến công, cùng với số vốn đối ứng 243 triệu đồng, tôi đã đầu tư dây chuyền máy móc, đảm bảo các quy định trong chế biến thực phẩm như: máy tách thịt công nghiệp, máy sấy nông sản, máy sấy màng, máy dập túi… Việc đầu tư dây chuyền sản xuất đã giúp cơ sở tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường, đồng thời góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh. Cụ thể, năm 2022, doanh thu của cơ sở đạt trên 1,7 tỷ đồng, tăng trên 500 triệu đồng so với năm 2021.

Cùng với 2 cơ sở trên, giai đoạn 2019 – 2022, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ 7 cơ sở sản xuất các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương, với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, tiếp cận những công nghệ mới, tạo ra sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh cao trên thị trường, đáp ứng được các điều kiện để đưa vào bày bán tại các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Năm 2023, trung tâm đang triển khai 2 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất miến dong (huyện Chi Lăng) và chế biến hồng sấy dẻo (huyện Văn Lãng), với tổng nguồn vốn hỗ trợ gần 280 triệu đồng.


Người lao động tại cơ sở sản xuất Khô heo mác mật, thôn Bình Thượng, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn thực hiện công đoạn đóng gói sản phẩm

Bên cạnh việc hỗ trợ các cơ sở đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất, trong 5 năm qua, trung tâm còn hỗ trợ trên 100 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm thế mạnh của địa phương đưa sản phẩm đi  trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho các cơ sở kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, để tạo bước đệm vững chắc cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường và khẳng định được thương hiệu, uy tín với người tiêu dùng, từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện 3 cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và đã lựa chọn được 28 sản phẩm đủ điều kiện để công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Trong số đó, một số sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia như: hạt macca sấy nứt vỏ của Công ty Cổ phần Macca & Sachi Lạng Sơn (thành phố Lạng Sơn); trà Ô Long của Công ty Cổ phần Chè Thái Bình (huyện Đình   Lập);  bún ngô của cơ sở sản xuất bún ngô Thuận Anh (huyện Đình Lập)…

Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Thời gian qua, để phát huy hiệu quả nguồn vốn, trung tâm đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tại các huyện, thành phố thực hiện công tác tư vấn, hướng dẫn các cơ sở đăng ký hồ sơ, thủ tục hỗ trợ kinh phí KCĐP và tiến hành khảo sát, lựa chọn các cơ sở có tiềm năng phát triển để đầu tư. Qua đó, giúp nhiều cơ sở nâng cấp dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở cải tiến, đổi mới công nghệ, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Đồng thời, trung tâm tiếp tục tham mưu Sở Công Thương xây dựng thêm nhiều nội dụng hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đưa sản phẩm đến  với người tiêu dùng.

Có thể thấy, chương trình khuyến công là “đòn bẩy” để giúp các cơ sở thay đổi cách thức sản xuất truyền thống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm đồng đều về chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho người lao động địa phương, góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

KIM CHI