Thứ năm,  18/07/2024

Ứng dụng công nghệ thông tin Góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

– Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành giáo dục tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý và giảng dạy, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả các hoạt động, công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh.


Giờ ôn tập (có sử dụng video minh họa trên tivi) của cô và trò Trường THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Trước đây khi hạ tầng CNTT phục vụ công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, hệ thống mạng internet còn hạn chế, việc triển khai các văn bản, chỉ đạo điều hành của ngành thông qua bưu điện, in ấn; công tác lưu trữ của nhà trường thông qua sổ sách bằng giấy… Cùng đó, việc dạy và học của giáo viên và học sinh chủ yếu được thực hiện theo phương pháp truyền thống là dạy trực tiếp thông qua sách giáo khoa và hình ảnh minh họa bằng tranh, ảnh…. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm học 2019 – 2020, trong bối cảnh chuyển đổi việc dạy và học từ trực tiếp sang dạy và học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc ứng dụng khoa học công nghệ với sự hỗ trợ của các nền tảng số vào các hoạt động giáo dục để cải thiện phương pháp, hình thức và công cụ giảng dạy, học tập đã được phát triển mạnh mẽ trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng đầu tư hạ tầng trang thiết bị CNTT

Mặc dù là một trường ở vùng khó khăn, song từ nhiều năm qua Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia đã được ngành giáo dục quan tâm đầu tư các trang thiết bị hạ tầng CNTT để phục vụ công tác quản lý và dạy học. Thầy Lý Anh Thơ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, cả 8 phòng học của nhà trường đều được kết nối internet, có tivi phục vụ công tác dạy và học. Nhà trường cũng có 1 phòng vi tính với 18 máy tính kết nối mạng. Nhờ thiết bị CNTT được đầu tư, lắp đặt nên công tác dạy và học của giáo viên, học sinh thuận lợi hơn so với các năm trước.

Tương tự, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Công Sơn, huyện Cao Lộc hiện có 1 điểm trường chính và 1 điểm trường lẻ với 10 lớp học. Nhờ được đầu tư của ngành, đến nay trường có 1 phòng vi tính với 19 máy vi tính được kết nối internet và có 7 phòng học được trang bị tivi phục vụ công tác giảng dạy. Cô Ngô Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với các trang thiết bị được cung cấp không chỉ giúp nhà trường triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác giáo dục mà còn giúp giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách xây dựng các bài giảng điện tử và xây dựng tiết dạy sinh động, hiệu quả bằng trình chiếu trên màn hình… qua đó tạo hứng thú cho học sinh chủ động tiếp cận kiến thức.

Theo tìm hiểu, trong những năm gần đây, việc ứng dụng CNTT được ngành GD&ĐT tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới công tác quản lý, phương pháp giảng dạy, học tập góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục. Một trong những nỗ lực đáng chú ý của ngành là việc cải thiện mạng lưới kết nối internet trong các trường học. Theo báo cáo của ngành giáo dục tỉnh, hiện 100% trường đang sử dụng phần mềm quản lý nhà trường của VNPT và Viettel. Trong đó, có 651/670 trường học đã kết nối internet cáp quang tốc độ cao. Về số lượng máy tính, toàn ngành có 3.931 máy tính để phục vụ quản lý, công tác hành chính nhà trường, công tác chuyên môn của giáo viên; 564 phòng máy tính với 7.885 máy tính phục vụ học tập của học sinh; 2.753 bộ thiết bị trình chiếu được sử dụng dạy học trong nhà trường; 155 bảng thông minh đang được sử dụng.


Học sinh Trường THPT Việt Bắc tham gia giờ học kết nối “xuyên biên giới”

Đổi mới trong công tác quản lý, điều hành

Hạ tầng CNTT được đầu tư, trang bị giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh có thể ứng dụng phục vụ tốt cho công tác quản lý, giảng dạy, học tập. Cụ thể, nếu như trước đây, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách giấy là chính thì giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng việc ứng dụng CNTT. Cụ thể như triển khai và bước đầu khai thác phần mềm cơ sở dữ liệu giáo dục IOC EDU; triển khai phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đến tất cả các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử trong nhà trường; trang bị chữ ký số cho hầu hết cán bộ, giáo viên trong toàn ngành; duy trì việc dạy và học trực tuyến và giờ học kết nối có hiệu quả; duy trì phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đối với mầm non, tiểu học, THCS và THPT trong toàn tỉnh; duy trì và khai thác hiệu quả hệ thống phòng họp trực tuyến; triển khai cơ sở dữ liệu ngành giáo dục theo đúng tiến độ và yêu cầu của Bộ GD&ĐT; phối hợp với Viễn thông Lạng Sơn, Viettel Lạng Sơn để đồng bộ dữ liệu của phần mềm quản lý nhà trường (SMAS, vnEDU) với cơ sở dữ liệu ngành, khắc phục các hạn chế của phần mềm quản lý nhà trường.

Từ năm học 2021 – 2022, Sở GD&ĐT triển khai tới 670 trường ở các cấp học sử dụng chữ ký số, thực hiện ký số trên 3 loại hồ sơ điện tử bao gồm sổ điểm, sổ học bạ, sổ đăng bộ; khuyến khích các đơn vị sử dụng các loại hồ sơ điện tử khác trong công tác quản lý giáo dục; trang bị hơn 17.500 chứng thư số cho tổ chức, cán bộ quản lý và giáo viên…

Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Hằng năm sở đều tổ chức tập huấn về ứng dụng CNTT vào quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý các đơn vị, trường học; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ về ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành. Các khóa đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức định kỳ nhằm trang bị cho đội ngũ này các kỹ năng, kiến thức cần thiết trong sử dụng thiết bị CNTT. Nhờ đó, thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành được cập nhật nhanh chóng, chính xác.

Theo tìm hiểu, hằng năm ngành giáo dục tỉnh đều tổ chức triển khai việc bồi dưỡng qua mạng cho giáo viên đại trà và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà ngành GD&ĐT tỉnh trên hệ thống phần mềm Elearning bồi dưỡng giáo viên của Viettel (SmartLMS). Riêng năm học 2022 – 2023, toàn ngành đã có 9.308 giáo viên được bồi dưỡng qua mạng bằng hệ thống phần mềm Elearning bồi dưỡng giáo viên của Viettel (SmartLMS), trong đó 482 giáo viên cốt cán được cử đi tập huấn do cơ quan ở trung ương tổ chức, 7.979 giáo viên được tập huấn qua mạng tại tỉnh.

Đổi mới hoạt động giảng dạy

Cùng với công tác quản lý giáo dục, từ ứng dụng CNTT, các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra – đánh giá cũng được ngành tích cực triển khai. Theo tìm hiểu, hằng năm, Sở GD&ĐT đều hướng dẫn các đơn vị tổ chức dạy và học trực tuyến đối với cấp tiểu học, THCS, THPT; tăng cường đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đường truyền internet, phần mềm, học liệu và tập huấn giáo viên, học sinh áp dụng dạy học trực tuyến hiệu quả; tổ chức dự giờ, kiểm tra các đơn vị bằng hình thức trực tuyến (năm học 2022 – 2023, toàn ngành đã thực hiện 233.685 giờ học trực tuyến, trong đó cấp THPT: 35.752 giờ; cấp THCS: 98.058 giờ; cấp tiểu học: 99.875 giờ).

Dự một giờ học với hệ thống phòng học được trang bị thiết bị thông minh của cô và trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, trong một ngày cuối năm học 2022 – 2023 vừa qua, chúng tôi nhận thấy cả cô và trò đều rất hào hứng, sôi nổi; các bài giảng của giáo viên đều sử dụng trình chiếu hình ảnh, video phục vụ trực tiếp cho bài học. Cô Nguyễn Thùy Chi, giáo viên giảng dạy môn Toán của nhà trường cho biết: Với phòng học được kết nối các thiết bị tích hợp phần mềm giảng dạy điện tử, giáo viên chúng tôi có thể chuyển tải kiến thức cho học sinh thuận tiện, bên cạnh đó các bài giảng cũng trở nên sinh động hơn, thu hút sự chú ý, tập trung của học sinh, đồng thời tạo sự hào hứng, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo của các em.

Cùng đó, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức mô hình giờ học kết nối trong các trường trung học nhằm tăng cường trao đổi, kết nối về công tác dạy học tại các nhà trường, tạo điều kiện để giáo viên, học sinh tại các vùng miền khác nhau được giao lưu, học tập trên cơ sở nền tảng ứng dụng CNTT phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện đáp ứng của các nhà trường. Kết quả, năm học 2022 – 2023, toàn ngành đã thực hiện 1.026 giờ học kết nối, trong đó cấp THPT: 565 giờ; cấp THCS: 461 giờ. Trong đó có 37 tiết học kết nối với các tỉnh bạn và 25 tiết học xuyên biên giới với các giáo viên ở nước ngoài.

Trong năm học 2022 – 2023 vừa qua, Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn đã tổ chức một số giờ học kết nối với các trường THPT trên địa bàn tỉnh như: Trường THPT Cao Lộc, THPT Văn Lãng, THPT Lương Văn Tri, THPT Dân tộc nội trú tỉnh… ở nhiều bộ môn khác nhau, để giúp học sinh được học, trao đổi thông tin. Chia sẻ với chúng tôi về giờ học này, em Lương Anh Tuấn, lớp 10A3 (năm học 2022 – 2023) cho biết: Các giờ học kết nối rất thú vị, bởi tham gia giờ học này, chúng em được trao đổi, thảo luận với các bạn ở các trường khác về kiến thức môn học, qua đó khiến cho giờ học trở nên sôi nổi, em và các bạn dễ tiếp thu kiến thức hơn.

Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu hiện nay. Những kết quả tích cực mà ngành GD&ĐT tỉnh đạt được trong thời gian qua là động lực quan trọng để từ đó tiếp tục phấn đấu, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong thời gian tới, để CNTT thật sự phát huy được hiệu quả trong đổi mới công tác quản lý và phương pháp giảng dạy, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng trang bị năng lực, phẩm chất cho học sinh, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm dạy học và đào tạo bồi dưỡng nhân lực phục vụ cho công tác ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng giáo dục.

HOÀNG TÙNG