Thứ sáu,  20/09/2024

Cần bổ sung các giải pháp, định hướng bảo vệ công trình quốc phòng, đất quốc phòng

(LSO) – Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025, tôi thấy dự thảo báo cáo đã phản ánh khá sâu sắc, toàn diện về các lĩnh vực của đời sống xã hội, mang đậm nét bản sắc đặc thù của địa phương. Tuy nhiên  dự thảo báo cáo cần nhấn mạnh, làm rõ và đậm nét hơn nữa về những vấn đề được dư luận quan tâm.

Từ trước đến nay, Trung ương luôn xác định, địa bàn trọng điểm là biển đảo, biên giới nên dự thảo báo cáo chính trị  cần bổ sung nhận định “Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm” để từ đó hoạch định những chính sách, biện pháp phù hợp trong công tác đảm bảo an ninh – quốc phòng.

Trung tướng Dương Công Sửu. Ảnh: NGỌC HIẾU

Trong quân sự, muốn đảm bảo thắng lợi cần phải mạnh cả “thế” và “lực”. Trong đó, “lực” là số lượng, chất lượng của các lực lượng tham gia; “thế” là tổng thể các hoàn cảnh, điều kiện cùng với xu thế vận động những khả năng phát triển của bên tham chiến để phát huy sức mạnh quân đội. Trong chiến tranh, “thế” bao gồm những yếu  tố cơ bản như: địa hình, trận địa, điểm đứng, khí hậu, thủy văn, địa bàn tác chiến… Có “thế” thì “lực” nhỏ thành “lực” mạnh tạo nên sức mạnh để đánh thắng kẻ thù.

Theo thống kê của Quân khu I, năm 2005, diện tích đất quốc phòng của Quân khu I chiếm 1,6% tổng diện tích đất tự nhiên của 6 tỉnh; còn diện tích đất quốc phòng của Lạng Sơn chỉ chiếm 0,14% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh. Trong khi đó, theo thời gian và tốc độ đô thị hóa thì diện tích đất quốc phòng ngày càng giảm, vì thế việc gìn giữ, bảo vệ càng trở nên quan trọng.

Dự thảo báo cáo cần đề cập rõ nội dung, những năm tới, tỉnh ta cần quan tâm bảo vệ, giữ gìn các địa hình, địa bàn trọng yếu, quản lý tốt diện tích đất quốc phòng hiện có, các khu vực điểm cao khống chế, địa hình, các khu vực trọng điểm có giá trị về quốc phòng. Cụ thể: trang số 39 của dự thảo báo cáo cần bổ sung nhận định “bảo vệ công trình quốc phòng, đất quốc phòng, khu vực địa hình có giá trị quốc phòng”. Theo đó, các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội cần được thông qua các ngành chức năng, nhất là quân sự để lấy ý kiến, đánh giá tác động về an ninh – quốc phòng trước khi triển khai.

Ngoài ra, dự thảo báo cáo chính trị cần tập trung làm rõ hơn về: công tác cán bộ, quy hoạch, phòng chống tham nhũng, thu hút đầu tư. Trang 24 có nêu “thiếu đất cho đầu tư phát triển” thì nên bổ sung ở phần phương hướng về phương pháp điều chỉnh cho phù hợp. Làm rõ nguyên nhân “các dự án chậm tiến độ”, có tình trạng cung lớn hơn cầu hay không? Nội dung các tiêu chí của “đô thị văn minh”, những dự án đã thực hiện hoặc được phê duyệt đã phù hợp chưa, cần điều chỉnh như thế nào cho phù hợp…

DƯƠNG CÔNG SỬU