Thứ sáu,  20/09/2024

Bảo tồn văn bia cổ: Cần giải pháp dài hơi

(LSO) – Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đang lưu giữ tại kho tư liệu 62 bản dập văn bia, trong đó, tại thành phố Lạng Sơn có hơn 40 văn bia. Các văn bia đều chứa đựng nhiều giá trị về mặt tư liệu, giúp cho chúng ta nhận thức lịch sử Lạng Sơn một cách rõ nét hơn. Nhưng thực trạng đáng buồn, hiện nay các văn bia cổ này do chưa được quan tâm bảo vệ nên hầu hết đang bị thời gian “bào mòn”.

Có thể chia văn bia Lạng Sơn thành hai loại: bia hình khối và bia ma nhai. Bia ma nhai chiếm 70% tổng số bia trên thành phố bởi địa hình Lạng Sơn có nhiều núi và hang động Castơ. Các văn bia này đều do các nhà trí thức Nho học như Thân Đức Tài, Vi Đức Thắng, Ngô Thì Sĩ, Lê Hữu Dung, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Vị… soạn thảo. Mỗi văn bia là một tư liệu thơ văn nổi tiếng, ca ngợi non sông đất nước, ca ngợi lòng quả cảm, sự bao dung của người dân biên thùy trong lao động sản xuất.

Ông Đặng Thế Anh, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn – người dành nhiều năm nghiên cứu về hệ thống văn bia Lạng Sơn cho biết: “Văn bia là những thư tịch cổ, có niên đại rõ ràng, có giá trị như những tác phẩm văn học, nghệ thuật. Ngoài ra, văn bia còn chứa đựng một hệ thống thông tin về nhiều mặt rất đáng quý như: lịch sử, kinh tế, xã hội,…thời đại thuộc về quá khứ, được phát huy cho tới ngày nay”.

Đoàn công tác Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội khảo sát văn bia tại Khu di tích Nhị Thanh

Giá trị là vậy nhưng có một thực tế là hiện nay, quá nửa số văn bia trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đang bị hư hại. Tại khu di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, theo ghi nhận của chúng tôi, có 26 tấm bia ma nhai, khắc trực tiếp lên đá, trong đó chỉ còn 10 tấm nguyên vẹn. Việc bảo tồn hệ thống các văn bia này hiện nay vẫn chưa được quan tâm. Hầu hết các chữ trên bia đều đã bị rêu phủ mờ rất khó đọc, có những bia do ở vị trí trên cao bị bụi phủ mờ khó khăn cho người đọc và cán bộ mỗi khi vệ sinh. Bà Lương Thị Sinh, cán bộ phụ trách quản lý khu danh thắng Nhị – Tam Thanh chia sẻ: “Hằng năm, chúng tôi tiến hành lau bề mặt bia hai lần, dùng nước lau kính để xử lý những lớp rêu bám trên các văn bia nhưng chỉ được một thời gian lại xuất hiện trở lại. Năm 2018, thực hiện chương trình tôn tạo các di tích trên địa bàn thành phố, chúng tôi đã lắp đèn ở một số văn bia tạo ánh sáng dễ nhìn cho khách tham quan”.

Bia đá cầu Kỳ Lừa cũng chung số phận “phơi nắng phơi mưa” suốt nhiều năm nay khiến cho hư hỏng nặng, một phần bia phía trên bị vỡ. Bia đá được xây dựng, khánh thành từ năm Bảo Thái thứ năm (1724), gồm 4 mặt ghi việc làm cầu và những người có công đức, hưng công xây cầu, đặt ở vị trí gần cầu. Năm 2007, khi chợ Giếng Vuông được hoàn thành, thành phố cắm địa điểm mới cho bia đá ở cạnh vị trí cũ. Khi chúng tôi đến tìm hiểu và chụp ảnh, anh Hoàng Văn H. – tiểu thương chợ Giếng Vuông, bán hàng ngay cạnh nơi đặt tấm bia chia sẻ tâm tư: “Trước đây, tôi thấy nhiều người đến chụp ảnh, xem xét nhưng xong rồi lại đi, không thấy thay đổi gì. Tôi mong các cấp, các ngành làm cái mái che cho tấm bia chứ để như vậy thì hỏng hết”.

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Những năm qua, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các văn bia. Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và tham mưu cho sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh có kế hoạch bảo vệ, tôn tạo tốt hơn các văn bia hiện còn ở thành phố Lạng Sơn”.

Trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng với những việc làm cụ thể như: bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ về bảo quản văn bia, xây dựng mái che cho các văn bia ở ngoài trời, đưa những văn bia có giá trị cao về bảo tàng để lưu giữ và bảo vệ,… Chỉ có như vậy thì hệ thống tư liệu văn bia mới được bảo vệ nguyên vẹn và phát huy được giá trị, góp phần quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa địa phương.

Văn bia là hiện tượng văn hóa được nảy sinh từ đời sống xã hội của con người và là một trong những hình thức thông tin thời kỳ cổ đại và trung cổ. Văn bia xuất hiện từ khá sớm, truyền thống sáng tạo văn bia bắt đầu từ Trung Quốc, sau đó được lan truyền sang các nước như: Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản (những nước sử dụng chữ tượng hình, khối vuông). Về cơ bản, văn bia dùng để ghi lại những sự kiện lớn diễn ra trong lịch sử, sự kiện văn hóa, chính trị… Văn bia là một tác phẩm thành văn được ghi trên đá, do tính chất quan trọng và có ảnh hưởng lớn mang tính lịch sử nên thường được chăm chút nhiều về mặt mỹ thuật.

 

HOÀNG HIẾU