Thứ sáu,  20/09/2024

Nhựa thông Đình Lập: Trăn trở khâu tiêu thụ

(LSO) – Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu một số loại nông sản. Điều này khiến cho người trồng thông trên địa bàn huyện Đình Lập gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nhựa thông.

   Khai thác cầm chừng, giá giảm mạnh

Trong 6 tháng đầu năm 2019, người dân trên địa bàn huyện Đình Lập thu hoạch được khoảng 1.500 tấn nhựa thông, đạt 21,43% so với kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập cho biết: Sản lượng nhựa thông khai thác giảm là do thời gian qua bà con chỉ khai thác ở mức độ cầm chừng, khai thác để rãnh cạo nhựa không bị khô.

Người dân huyện Đình Lập khai thác nhựa thông

Tình trạng này là do việc tiêu thụ nhựa thông trên địa bàn gặp khó khăn. Những năm trước, người dân chỉ cần khai thác nhựa là tư thương đã đến tận nơi đặt mua. Nhưng mấy tháng vừa qua, bà con khai thác nhựa xong phải tự đi tìm mối để tiêu thụ. Đồng thời với đó, giá nhựa thông trong thời điểm này cũng giảm mạnh. Cụ thể, hiện nay giá nhựa thông ở mức 24 – 25 nghìn đồng/kg, giảm hơn 10 nghìn đồng/kg so với năm 2018.

Tìm hiểu được biết, những năm trước, nhựa không được các tư thương thu mua chủ yếu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu một số loại nông sản, trong đó, nhựa thông không nằm trong danh mục nông sản Trung Quốc cho phép nhập.

Ông Hoàng Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Đình Lập cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng nhựa thông thu hoạch trên địa bàn xã đạt 220 tấn, chỉ bằng 25% so với cùng thời điểm năm ngoái. Tiêu thụ khó, giá thu mua của các tư thương trong nước lại thấp, để có thể bán được với giá cao hơn, nhiều bà con đã phải mang nhựa thông đến khu vực cửa khẩu Bản Chắt để tìm cách xuất sang Trung Quốc.

   Tìm hướng tiêu thụ ổn định

Đình Lập hiện có gần 49 nghìn héc ta, trong đó có khoảng 15 nghìn héc ta thông cho khai thác nhựa; mỗi năm người dân thu hoạch được trên 7.500 tấn, thu nhập từ 210 đến 230 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vài năm trước đã có một số doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết với bà con trồng thông trong việc thu mua nhựa để chế biến, nhưng khi đó, do các tư thương đẩy giá thu mua (cao hơn doanh nghiệp liên kết) nên người dân không thực hiện ký kết. Hiện nay, khi thị trường Trung Quốc siết chặt việc nhập nhựa thông thì việc tiêu thụ gặp khó khăn ngay.

Người dân huyện Đình Lập khai thác nhựa thông

“Trên địa bàn huyện hiện nay đã có doanh nghiệp của Hàn Quốc đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến nhựa thông, do vậy, các hộ trồng thông cần tính toán đến việc liên kết, từ đó việc tiêu thụ sẽ ổn định hơn…” – ông Thọ thông tin thêm.

Phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (ngày 2/7/2019), ông Nguyễn Hoàng Tùng, Bí thư Huyện ủy Đình Lập cho biết: Nhà máy chế biến nhựa thông của Hàn Quốc đã triển khai đầu tư, xây dựng tại địa bàn khá lâu. Tuy vậy, do hệ thống đường giao thông, đặc biệt là cầu Quang Hòa trên tuyến vào trung tâm xã Cường Lợi chưa thi công xong nên doanh nghiệp không thể vận chuyển máy vào để lắp ráp. Do đó, huyện mong các ngành liên quan quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng giao thông, từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thành việc đưa máy móc và lắp ráp và đi vào hoạt động.

Bí thư Huyện ủy Đình Lập khẳng định: Khi nhà máy đi vào hoạt động và người trồng thông thực hiện việc liên kết với nhà máy, đầu ra của nhựa thông sẽ ổn định hơn.

Ngoài nhà máy chế biến nhựa thông của Hàn Quốc đang thực hiện đầu tư xây dựng tại địa bàn huyện Đình Lập, hiện nay, trên địa bàn huyện Lộc Bình cũng đã có nhà máy chế biến nhựa thông. Chính quyền huyện Đình Lập và người trồng thông trên địa bàn huyện có thể tính toán đến việc liên kết để thúc đẩy tiêu thụ nhựa trong thời điểm hiện tại.

TRÍ DŨNG