Thứ hai,  01/07/2024

Mòn mỏi chờ tái định cư

– Sau khi giao đất để thực hiện Dự án Bến xe phía Nam, thành phố Lạng Sơn, hơn 10 năm nay, hơn chục hộ dân thôn Nà Soong, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc vẫn phải đi ở nhờ, ở thuê, hoặc ở tạm trong những ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp, từng ngày mong mỏi để được cấp đất tái định cư, ổn định cuộc sống.

Nhà ông Hà Mạnh Cường, thôn Nà Soong, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc đã xuống cấp nhưng chưa dám sửa chữa

Dự án Bến xe phía Nam được triển khai từ đầu năm 2013 với diện tích thu hồi đất trên 46.000 m2, trong đó gồm diện tích đất bến xe và đất tái định cư tại chỗ. Từ năm 2017, Bến xe phía Nam đã đi vào hoạt động. Đến nay, UBND huyện Cao Lộc đã giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư được 3,9 ha, đạt 83% tổng diện tích dự án; chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho 56 hộ gia đình ảnh hưởng với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng, trong đó có 14 hộ đủ điều kiện cấp đất tái định cư theo quy định, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp đất do dự án còn nhiều vướng mắc.

Cuộc sống người dân “treo” theo dự án

Ở tuổi 81, ông Hoàng Văn Điệp, thôn Nà Soong, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc vẫn từng ngày trông ngóng “lô đất số 1” của khu tái định cư nằm trong Dự án Bến xe phía Nam mà ông đã bốc thăm được. Năm 2013, gia đình ông đồng thuận bàn giao hơn 2.000m2 đất ruộng, vườn cho Nhà nước thu hồi để làm Dự án Bến xe phía Nam. Ông nhận tiền bồi thường và bốc thăm được 1 lô đất tái định cư. Đến nay, hơn 10 năm chờ đợi, gia đình ông vẫn chưa được cấp đất.

Ông Điệp tâm sự: May mắn bốc được “lô đất số 1” ngay gần cổng bến xe, tiện cho con cháu kinh doanh, buôn bán, thế nhưng chờ mãi, đến giờ dự án vẫn “nằm im”. Cả nhà chúng tôi vẫn ở trong ngôi nhà cũ xây dựng được gần 20 năm. Giờ tuổi cao sức yếu, mong mỏi lớn nhất của tôi là được Nhà nước cấp đất để con cháu tôi xây dựng nhà ở mới, ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn phát triển kinh tế.

Cùng thôn với ông Điệp, đảng viên Hà Mạnh Cường đã gương mẫu đi đầu giao hơn 500m2 đất ở để thực hiện dự án. Ông Cường cho biết: Từ năm 2012, khi được tuyên truyền về thu hồi đất xây dựng Bến xe phía nam, gia đình tôi đã đồng thuận bàn giao toàn bộ đất, nhà ở trên đất với phương án đền bù 145 triệu đồng và một lô đất tái định cư. Hơn 10 năm qua, gia đình tôi cứ trông ngóng không biết lúc nào được cấp đất, 4 nhân khẩu vẫn chen chúc sống trong ngôi nhà vỏn vẹn hơn 30m2 thuộc phần diện tích đất trong dự án. Do đó tôi rất mong các cấp sớm giải quyết để chúng tôi ổn định cuộc sống.

Không chỉ hai trường hợp trên, toàn thôn Nà Soong có 14 hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án Bến xe phía Nam đủ điều kiện được cấp đất tái định cư, nhưng đến nay vẫn chờ đợi mỏi mòn. Nhà cửa xây dựng lâu năm xuống cấp, dột nát, nhưng cũng không dám xây sửa vì không biết Nhà nước sẽ thu hồi lúc nào?. Trong đó, có nhiều nhà xuống cấp, dột nát, không ở được, gia đình phải đi thuê nhà ở hoặc dọn sang nhà người thân ở nhờ… Niềm vui của các gia đình khi có việc hỉ cũng không trọn vẹn vì “nhà cửa chưa đâu vào đâu”. Do chờ đợi quá lâu, người dân đã nhiều lần ý kiến, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét, có ý kiến tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh về việc chậm cấp tái định cư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Được biết, ngoài 56 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã đồng ý bàn giao đất, nhận tiền bồi thường nhưng đến nay vẫn còn 8 hộ dân chưa đồng thuận do không đồng ý phương án bồi thường và bố trí tái định cư. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, việc 8 hộ dân không đồng thuận giao đất chưa phải là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ dự án. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy hoạch Bến xe phía Nam cần phải điều chỉnh lại để tránh chồng lấn ranh giới phạm vi dự án với Quy hoạch Trục trung tâm Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Đến nay, các đơn vị liên quan vẫn chưa thống nhất được phương án, quy trình triển khai. Kết quả, hơn 1 thập kỷ qua, dự án vẫn “treo” và các hộ dân bị ảnh hưởng vẫn sống mòn trong dự án đó.

Toàn thôn Nà Soong có 14 hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án Bến xe phía Nam đủ điều kiện được cấp đất tái định cư, nhưng đến nay vẫn chờ đợi mỏi mòn.

Vẫn luẩn quẩn giải quyết hồ sơ thủ tục

Trước thực tế trên, ngày 5/5/2023, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp chuyên đề xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại dự án Bến xe phía Nam, thành phố Lạng Sơn. Theo đó, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc hợp đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành của tỉnh, UBND huyện Cao Lộc nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc. Đồng chí cũng đã giao Công ty Cổ phần Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn (chủ đầu tư dự án) rà soát lại quy hoạch tổng thể mặt bằng Dự án Bến xe phía Nam, trong đó xác định rõ ranh giới diện tích đất bến xe, khu tái định cư… theo hướng không tách thành hai dự án bến xe và tái định cư riêng biệt. Trên cơ sở đó cung cấp cho Sở Xây dựng để nghiên cứu, lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu Trục trung tâm Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho phù hợp. Đồng thời rà soát, thực hiện việc đo đạc, cắm mốc, xác định chính xác phạm vi ranh giới dự án theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bàn giao hồ sơ, mốc giới cho UBND huyện Cao Lộc để thực hiện các thủ tục về giải phóng mặt bằng theo quy định; triển khai thi công hạ tầng khu tái định cư dự án và các thủ tục đấu nối đường giao thông khu tái định cư với Quốc lộ 1 khi đủ điều kiện.

Mặc dù được giao rõ nhiệm vụ là vậy nhưng đến nay khi được hỏi về tiến độ triển khai, câu trả lời của chủ đầu tư vẫn chưa rõ ràng. Ông Lê Hồng Kỳ, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, tình hình triển khai dự án còn một số khó khăn vướng mắc chúng tôi cần phải khắc phục. Mong các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ chúng tôi thực hiện điều chỉnh quy hoạch lối ra, lối vào của khu tái định cư và giải phóng mặt bằng một số hộ dân còn lại chưa đồng thuận.

Về phía cơ quan chức năng, bà Vũ Thu Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay, Công ty Cổ phần Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn chưa cung cấp cho chúng tôi các điều chỉnh về hồ sơ thiết kế, trích đo, trích lục địa chính khu đất thu hồi của dự án, cho nên trung tâm chưa thể tham mưu UBND huyện thực hiện quy trình giải phóng mặt bằng tiếp theo. Trong tháng 6 và tháng 7/2023, trung tâm đã làm việc trực tiếp, gửi công văn cho chủ đầu tư đề nghị cung cấp hồ sơ dự án đã điều chỉnh được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi chủ đầu tư bàn giao đối với phần điều chỉnh dự án này về đường ra, đường vào của bến xe thì chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Chưa giải phóng được mặt bằng đồng nghĩa với việc dự án chưa được triển khai, người dân vẫn chưa được cấp đất để an cư lạc nghiệp. Nhận được kiến nghị của dân qua các cuộc tiếp xúc cử tri, UBND huyện Cao Lộc đã tích cực chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với chủ đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, đến nay Công ty Cổ phần Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn vẫn chưa cung cấp hồ sơ dự án để UBND huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định.

Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Vướng mắc lớn nhất của việc chậm hỗ trợ tái định cư cho người dân hiện nay là do đơn vị chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ điều chỉnh dự án, nên UBND huyện chưa thể thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định. Trong tháng 9/2023, chúng tôi cũng đã báo cáo, đề xuất, kiến nghị các sở, ngành tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh sớm điều chỉnh vị trí đấu nối cổng ra vào bến xe, đấu nối đường giao thông khu tái định cư với Quốc lộ 1A. UBND huyện cũng kiến nghị Công ty Cổ phần Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn xác định lại ranh giới trong phạm vi dự án cần giải phóng mặt bằng, đặc biệt là khu tái định cư dự án.

Hiện nay, các gia đình đã bàn giao đất để triển khai dự án vẫn phải chờ đợi để có nơi ở mới. Sau nhiều lần kiến nghị, phản ánh lên các cấp, ngành chức năng nhưng đến nay nguyện vọng chính đáng của người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thiết nghĩ, khi người dân đồng thuận, ủng hộ các chủ trương, chương trình dự án thì các cơ quan chức năng, đơn vị cần nhanh chóng vào cuộc, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo tiến độ theo lộ trình đề ra, sớm bố trí tái định cư cho người dân ổn định cuộc sống. Qua đó, củng cố niềm tin của người dân vào cấp ủy, chính quyền địa phương, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

MINH NGỌC - MINH KHANG