Thứ năm,  19/09/2024

Độc đáo tục nhặt đá cầu may sáng mùng một tết của người Tày Lộc Bình

(LSO) – Đối với người Tày huyện Lộc Bình, đời sống đã ít nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và phong tục đón Tết Nguyên đán của đồng bào nơi đây vẫn được bảo tồn, gìn giữ. Trong đó, tục nhặt đá cầu may sáng mùng một tết vẫn được bao thế hệ người Tày nơi đây lưu giữ đến ngày nay.

Không ai biết tục nhặt đá sáng mùng một Tết của đồng bào dân tộc Tày ở Lộc Bình có từ bao giờ, người Tày nơi đây chỉ biết đó là tục lệ từ thời ông bà tổ tiên truyền lại và đến nay nó vẫn được duy trì.

Năm nào cũng vậy, sáng mùng một tết các gia đình người Tày ở các xã: Yên Khoái, Hữu Khánh, Tú Đoạn, Đồng Bục, Bằng Khánh, Xuân Lễ…của huyện Lộc Bình lại ra bờ suối, sông nhặt những hòn đá cuội về đặt trước cửa chuồng vật nuôi với mong muốn sang năm mới các con vật của mình sẽ được khỏe mạnh, sinh sôi nhiều hơn năm cũ.

Thường thì các gia đình đã phân công thành viên đi nhặt đá trong bữa cơm chiều 30 tết. Người lãnh nhiệm vụ chính là những người đàn ông khỏe mạnh trong nhà.

Anh Lý văn Cường, thôn Bản Lầy, xã Xuân Lễ nhặt đá cầu may

Bước sang tuổi 28 tuổi, năm nay là năm thứ 13 anh Lý văn Cường ở thôn Bản Lầy, xã Xuân Lễ được các thành viên trong gia đình giao trọng trách sáng mùng 1 tết đi nhặt đá mang may mắn về cho gia đình.

Sáng mùng 1 tết, khi trời còn chưa tỏ mặt người, anh Cường lẳng lặng cầm theo cái làn nhựa cùng với ba nén hương thắp sẵn từ nhà, đi thẳng đến đoạn bờ suối Khuổi Lầy mà tối qua trước khi đi ngủ anh đã ướm trước.

Khi đến bờ suối, anh quan sát xung quanh và tìm chỗ nào chưa có người nhặt đá trước đó thì mới cắm hương xuống và bắt đầu cầu khẩn những câu tốt lành, xin với thần linh để nhặt về những hòn đá cuội tượng trưng cho các con vật nuôi trong nhà.

Làm lễ trước thần linh xong, anh Cường bắt đầu nhặt thật nhiều những hòn đá cuội có hình thù sao cho giống với những con vật nuôi trong nhà nhất. Theo anh Cường, người Tày quan niệm nhặt những hòn đá càng gần chỗ mà mình đã thắp hương làm lễ thì lời cầu xin của mình càng linh nghiệm.

Sau khi nhặt những “con vật” bằng đá cho vào túi và cảm thấy đủ, anh Cường đi một mạch về nhà. Nếu trên đường về nhìn thấy người khác anh sẽ tránh sang đường vòng bởi người Tày cho rằng nếu chào hỏi hay trả lời người khác thì sẽ mất thiêng. Về đến nhà, anh Cường sẽ đi lần lượt từng chuồng con vật nuôi và đặt nhẹ nhàng những hòn đá đó xuống cửa chuồng một cách ngăn nắp.

Sau đó, trong 3 ngày tết gia đình anh sẽ thắp nhang cho nhưng hòn đá đó với mong muốn cầu xin thần linh phù hộ để sang năm mới những con vật nuôi của gia đình mình được khỏe mạnh và sinh sôi nhiều hơn năm cũ.

Ông Hoàng Văn Hinh, 82 tuổi, ở thôn Cốc Nhãn, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình cho biết: “Tục đi nhặt đá tượng trưng cho các con vật nuôi có từ xa xưa, khi tôi lớn lên đã thấy bố tôi làm vậy mỗi dịp năm mới. Đến lượt tôi cũng đi nhặt đá và giờ tôi truyền lại phong tục đẹp này cho con cái và các cháu mình. Tôi cũng nhắc nhở chúng phải giữ gìn những phong tục, tập quán tốt đẹp mà cha ông để lại”.

Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết: Tục nhặt đá sáng mùng một tết của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Lộc Bình về đặt trước cửa chuồng vật nuôi là một tục lệ đẹp, thể hiện ước nguyện của những người làm nông nghiệp với mong muốn các con vật của mình bước sang năm mới luôn tránh được bệnh tật, khỏe mạnh và sinh sôi nảy nở.

Mùa xuân lại về trên những bản làng của người Tày huyện Lộc Bình, trên những nẻo đường rộn rã tiếng cười nói, tiếng gọi bạn đi chơi tết của các chàng trai, cô gái. Các bà, các mẹ xúng xính trong những bộ váy áo mới xuống hội làng hòa mình vào các trò chơi dân gian đặc sắc như kéo co, đánh đu, hay các làn điệu hát sli, lượn mượt mà, trữ tình mùa xuân. Đó cũng là niềm tin, ước vọng cho cuộc sống tươi đẹp, niềm tự hào về những phong tục độc đáo, đậm đà, bản sắc của dân tộc mà họ gìn giữ bao đời nay.

VĂN HƯƠNG