Thứ sáu,  20/09/2024

Nỗ lực xây dựng thương hiệu “Thành phố Hoa Đào”

(LSO) – Với mong muốn xây dựng, khẳng định thương hiệu “Thành phố Hoa Đào” (TPHĐ), thời gian qua, UBND thành phố Lạng Sơn (TPLS) đã có những biện pháp cụ thể để phát triển, quảng bá thương hiệu.

   Đa dạng hình thức quảng bá

Trước hết, thành phố chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh hoa đào. Tại các trục đường chính của thành phố như: Trần Đăng Ninh, Lê Lợi, Hùng Vương…, mỗi chúng ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh bông hoa đào trên đèn led, pa nô, áp phích. Đặc biệt, để tạo ấn tượng với du khách, tại các công trình lớn đều gắn với biểu tượng hoa đào. Ví như, ở Cổng chào của Phố đi bộ Kỳ Lừa được thiết kế từ biểu tượng hoa đào. Trong phố đi bộ có cây hoa đào được gắn đèn led rực rỡ. Gần đây nhất, ngày 22/1/2021 vừa qua, thành phố đã hoàn thiện hạng mục công trình nút giao phía Bắc cầu Kỳ Cùng với đảo vòng xuyến có trang trí biểu tượng hình bông hoa đào 5 cánh, mỗi cánh dài 9,6 m, tổng diện tích cả bông hoa đào khoảng 300 m2, với khoảng 50.000 đèn nháy nhỏ trang trí, phát sáng, lung linh khi trời tối. Bông hoa đào ở trung tâm thành phố trở thành hình ảnh nhận diện, điểm nhấn cho bộ mặt đô thị.

Học sinh Trường THCS Quảng Lạc, xã Quảng Lạc, TPLS ngoại khóa tìm hiểu về vườn đào tại xã

Cùng đó, thành phố đã đẩy mạnh quảng bá hình ảnh hoa đào thông qua các cuộc thi, tờ gấp du lịch, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Năm 2018, UBND thành phố đã tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về “TPLS – TPHĐ”, thu hút 38 tác phẩm dự thi. Từ năm 2019, trung bình mỗi năm, UBND thành phố in 10.000 tờ rơi có gắn dòng chữ “TPLS – TPHĐ” giới thiệu về du lịch thành phố phát cho du khách thông qua các điểm di tích, hệ thống các nhà hàng, khách sạn. Đồng thời, đăng tải trên 200 tin, bài, ảnh về hoa đào trên trang thông tin điện tử và trang “TPLS – TPHĐ” với gần 10.000 người theo dõi trên facebook. Thành phố đã xây dựng các sản phẩm lưu niệm lấy ý tưởng từ hoa đào như: bông hoa đào để bàn để làm quà tặng, phục vụ công tác đối ngoại. Qua đó, hình ảnh về hoa đào Xứ Lạng, dấu ấn về TPHĐ dần đi sâu vào tiềm thức của người dân và du khách.

Chị Hoàng Vân Anh, du khách đến từ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội cho biết: Khi chưa đến Lạng Sơn, tôi tìm hiểu thông tin trên mạng được biết TPLS xây dựng thương hiệu TPHĐ. Khi đến rồi, tôi rất ấn tượng với hình ảnh cây hoa đào được trang trí tại các đường phố, không gian trong Phố đi bộ Kỳ Lừa, bông hoa đào ở nút giao trung tâm thành phố. Những hình ảnh ấy tạo ấn tượng trong tâm trí tôi về một TPHĐ đẹp và nên thơ.

   Hỗ trợ sản xuất, nhân rộng vùng trồng đào

Không chỉ chú trọng quảng bá hình ảnh, để khẳng định thương hiệu hoa đào, chính quyền, Nhân dân thành phố tích cực trồng đào, phát triển mô hình kinh tế từ cây hoa đào. Diện tích trồng đào tăng theo từng năm, hiện nay, toàn TPLS có hơn 80 ha cây đào, tăng 30 ha so với năm 2018, tập trung nhiều tại các xã: Quảng Lạc, Hoàng Đồng, Mai Pha. Để nhân rộng phong trào trồng đào, trong 3 lần tổ chức trồng cây đầu xuân từ năm 2018 đến năm 2020, UBND thành phố đã trồng mới được 900 cây đào tại Khu di tích Thành Nhà Mạc, núi Tô Thị, dọc tuyến quốc lộ 1A thuộc xã Mai Pha, đồng thời, tuyên truyền các cơ quan, đơn vị, trường học trồng cây hoa đào trong khuôn viên. Từ năm 2017 đến nay, thành phố cũng là địa bàn được tỉnh chọn để tổ chức Lễ hội hoa Đào Xứ Lạng, nhờ đó góp phần quảng bá TPHĐ đến đông đảo du khách.

Mặt khác, UBND thành phố triển khai chính sách cụ thể hỗ trợ sản xuất vùng trồng đào tại các xã: Quảng Lạc, Hoàng Đồng về cây giống, khoa học kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu tập thể… Từ năm 2015 đến nay, UBND thành phố đã hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho các mô hình, hợp tác xã trồng đào tại Quảng Lạc, Hoàng Đồng. Qua đó nâng cao chất lượng các mô hình, tạo việc làm ổn định cho người nông dân, thu nhập bình quân của mỗi nhà vườn khoảng 100 triệu đồng/năm.

Quảng Lạc hiện là xã có diện tích trồng đào lớn nhất trên địa bàn thành phố với hơn 40,7 ha. Ông Phạm Đình Duy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của thành phố, mô hình trồng cây hoa đào của xã ngày càng phát triển, cải thiện đời sống của Nhân dân. Từ năm 2018, xã đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bản Cao với 15 thành viên, trên 10.000 gốc đào các loại. Để khuyến khích người dân phát triển vùng trồng đào, chúng tôi đã 4 lần tổ chức Hội chợ hoa đào, để trao đổi kinh nghiệm trồng đào, tạo cơ hội cho du khách tham quan, mua sắm, góp phần xây dựng thương hiệu TPHĐ.

Xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, có thể nói trong những năm qua, TPLS đã nỗ lực thực hiện chiến lược, giải pháp để khẳng định thương hiệu TPHĐ, bước đầu đã tạo được ấn tượng với du khách.

Tin rằng với nỗ lực của chính quyền và Nhân dân TPLS, thương hiệu TPLS – TPHĐ sẽ ngày càng được khẳng định và vươn xa trong tương lai.

TUYẾT MAI - DƯƠNG DUYÊN