Thứ sáu,  20/09/2024

Văn Quan: Vang vọng làn điệu lượn slương

(LSO) – Mùa xuân đến, vạn vật cùng hoan ca, hòa sắc tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Đây cũng là lúc khắp các bản làng người Tày ở Văn Quan lại náo nức cùng tiếng kèn, sáo, tiếng đàn then với giai điệu những bài dân ca đặc sắc. Tiêu biểu trong những giai điệu dân ca đó, có làn điệu lượn slương ngọt ngào, tha thiết mà không nơi nào sánh bằng. Những điệu lượn slương được cất lên đã hòa chung vào bản ca xuân của đất trời.

Lượn slương (nghĩa là lượn thương) là bộc bạch niềm thương nhớ của một tình cảm đã sâu nặng. Cách diễn đạt của lượn slương mang đậm sắc màu độc thoại… Khác với lượn cọi là loại lượn sử dụng vần lưng để kéo dài khổ thơ, lượn slương chỉ dùng loại thất ngôn tứ tuyệt vào cuộc lượn. Sau những bài mời của chủ bản, vào cuộc lượn, chỉ có một đôi trai gái hát đối đáp với nhau, các bài hát đa phần là ứng khẩu chứ không có thầy dẫn như các loại lượn khác. Lượn slương gồm ba phần: lượn đi đường (phần chứa đựng nhiều nhất tình cảm được diễn tả), lượn sử (lượn về các truyện cổ dân gian) và lượn chúc mừng (không phải là hát giao duyên, chỉ là lời cảm tạ của người lượn đối với gia chủ). Ngôn ngữ của lượn slương rất tinh tế, nhẹ nhàng, sâu lắng, khi cất lên thành giai điệu thì lời ca bay bổng, cuốn hút. Đặc trưng của lượn slương là hát chủ yếu ở trong nhà và thường được tổ chức vào hội lồng tồng mùa xuân hoặc những dịp nông nhàn.

Tiết mục hát lượn slương của đoàn nghệ sỹ, diễn viên huyện Văn Quan biểu diễn tại Liên hoan Dân ca tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất năm 2020

Hiện nay do nhiều yếu tố tác động, thế hệ trẻ ít quan tâm đến thể loại dân ca cổ truyền này, khiến điệu lượn slương có nguy cơ mai một. Vì vậy, thời gian qua,  cấp uỷ, chính quyền, ngành chức năng huyện Văn Quan đã có nhiều hoạt động thiết thực để gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá của làn điệu lượn slương như: hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ (CLB) dân ca; khuyến khích, động viên các nghệ nhân, người cao tuổi phát huy làn điệu này qua các hội diễn, sự kiện của địa phương…

Là một trong những nguời thể hiện làn điệu lượn slương thành công ở Văn Quan, Nghệ nhân Ưu tú Vy Thị Liên cho biết: Từ nhỏ, những làn điệu lượn slương đã trở thành niềm đam mê đối với tôi. Tôi đã tự tìm tòi, học hỏi từ các cụ về cách hát, luyến láy, lấy hơi làm sao cho truyền cảm, đúng điệu. Để duy trì làn điệu lượn slương, từ năm 2015, tôi đã truyền dạy lượn slương cho hơn 100 học viên trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, do yêu cầu về chất giọng cũng như cách luyến láy nên dù có nhiều học trò được Nghệ nhân ưu tú Vy Thị Liên truyền dạy có thể biết hát nhưng rất ít người luyến láy đúng và hát hay. Hiện nay, trong số những học trò của nghệ nhân, chỉ có một số người hát tương đối tốt làn điệu này như: Hoàng Thị Nga, thị trấn Văn Quan; Hoàng Thị Hiên, xã Bình Phúc; Hoàng Thị Sợi, Hoàng Thị Dung, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan.

Bà Lương Thùy Nha, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Văn Quan cho biết: “Lượn slương là một thành tố quan trọng trong tổng thể âm nhạc dân gian người Tày ở Văn Quan. Ngôn ngữ của lượn slương mang tính biểu cảm, giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây. Lượn slương hiện vẫn được Nhân dân gìn giữ và thường xuyên duy trì trong các lễ hội đầu xuân… Thời gian tới, ngành chức năng huyện tiếp tục tuyên truyền cho bà con xây dựng các CLB để phát triển, gìn giữ, đặc biệt định hướng bảo tồn các làn điệu dân ca, trong đó có làn điệu lượn slương gắn với du lịch và phát triển kinh tế – xã hội”.

Một mùa xuân nữa lại tới, khắp nơi cây cối đâm chồi, nảy lộc, Nhân dân các dân tộc Xứ Lạng nô nức đi trảy hội và chào xuân mới bằng những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc. Với cộng đồng người Tày ở Văn Quan thì bản sắc đó được thể hiện đậm nét nhất qua những làn điệu dân ca, trong đó có hát lượn slương: “Mùa xuân tháng giêng đi trảy hội/ Khi trên đồi các loài hoa mơ, mận nở rộ/ dưới nhân gian khung cảnh tuyệt đẹp/người già, trẻ nhỏ cùng nhau tới hội xuân”.

“Hát lượn là một hình thức hát giao duyên của người Tày, gồm ba loại: Lượn cọi, lượn slương và lượn then. Trong các thể loại lượn, lượn slương là một trong những làn điệu dân ca lâu đời, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Hát lượn hiện nay phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên riêng lượn slương thì lại chỉ phân bố chủ yếu ở huyện Văn Quan và được coi là “đặc sản” độc đáo, riêng có của xứ hồi này”.
Nhà nghiên cứu Hoàng Huy Ấm, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh
TUYẾT MAI