Thứ sáu,  20/09/2024

Chùa Nái – di tích Quốc gia cần được phục dựng

(LSO) – Được xếp hạng di tích Quốc gia từ năm 1962 nhưng đến nay, Chùa Nái (nằm trên đồi Nái thuộc thôn Làng Vặc, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng) chỉ còn là một phế tích. Để gìn giữ, phát huy giá trị của di tích này, thiết nghĩ các cấp, ngành có sự quan tâm đầu tư, phục dựng lại, đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân và du khách.

Nằm trên một mỏm đồi thấp thuộc thôn Làng Vặc, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Chùa Nái do Nhân dân lập nên từ lâu đời (không xác định được thời gian) để thờ hai chị em Hoàng Thị Kiều Liên và Hoàng Thị Kiều Hoa (sinh vào đầu thế kỷ XIV) – con gái của thủ lĩnh Hoàng Đại Huề và cũng là hai nữ dân binh nổi tiếng trong chiến trận Chi Lăng. Chuyện về hai nữ dân binh này được ghi chép rất rõ trong cuốn Kỳ tích Chi Lăng của nhà văn Nguyễn Trường Thanh: “Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, hai chị em Liên, Hoa đã rủ các bạn cùng tuổi theo cha, chú vào rừng học võ và trở thành những nữ dân binh tài giỏi, mưu trí… Họ là tai mắt tinh tường của cả đội. Sống với dân làng, bản, chết với dân làng, bản…”.

Chùa Nái được dựng tạm ở một trạm điện cũ của Trung đoàn Tăng thiết giáp 407 trên đỉnh đồi Nái

Theo tài liệu lịch sử, trước đây, ngôi chùa có quy mô thờ tự khá lớn. Sau do nhiều yếu tố tự nhiên, chiến tranh nên chùa bị đổ, được Nhân dân dựng lại trên đồi Nái. Năm 1979, Chùa Nái bị bom phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại phần chân móng. Năm 1996, Nhân dân địa phương đã tận dụng Trạm phát điện của Trung đoàn Tăng thiết giáp 407 thuộc Quân khu I để bài trí thờ tạm cho đến nay. Gian thờ là nhà cấp IV, được xây bằng gạch, diện tích 10,5 m2, mái lợp prô xi măng, sân chùa được láng xi măng bằng phẳng có diện tích 14,4 m2. Hệ thống thờ tự gồm 1 ban thờ nhỏ, giật cấp, trên là 5 bát hương thờ bằng sứ.

Ông Phí Văn Tiến, Phó Bí thư Thường trực, Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Chi Lăng cho biết: Tuy chùa chỉ còn là một phế tích ở trên đồi cao, nằm trong rừng cây rậm rạp nhưng Nhân dân trong vùng, nhất là những người cao tuổi vẫn thường xuyên đến thắp hương, hành lễ tại chùa vào ngày rằm, mồng một hằng tháng và đặc biệt là mồng 6 tháng Giêng hằng năm. Với sức sống tâm linh mãnh liệt đó, cấp ủy, chính quyền và cử tri thị trấn Chi Lăng đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền huyện xem xét đầu tư, xây dựng lại Chùa Nái.

Theo kiến nghị của bà con, tháng 9/2019, UBND huyện đã phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh và đại diện Chùa Phúc Lâm – Hoa Lâm Viên (Hà Nội) tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng di tích Chùa Nái. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh để xin ý kiến cho phép đầu tư, phục dựng lại Chùa Nái. Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Chùa Nái là di tích Quốc gia trong quần thể Khu di tích lịch sử Chi Lăng. Chùa được xây dựng từ lâu đời, gắn với nhiều chiến công hiển hách của quân và dân ta, hiện là địa điểm sinh hoạt tâm linh của người dân bản địa. Sau khi phối hợp khảo sát, sở đã có văn bản trình UBND tỉnh cho phép đầu tư, phục dựng lại chùa. Do ngôi chùa nằm trong khu vực đất quốc phòng nên UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Quân khu I bàn giao một số điểm đất quốc phòng cho địa phương quản lý. Khi các thủ tục này hoàn thiện, sở sẽ thẩm định, hướng dẫn Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chi Lăng trình UBND tỉnh cấp phép đầu tư xây dựng chùa.

Với thực tế như hiện nay, thiết nghĩ thời gian tới, các cấp, ngành liên quan quan tâm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng lại Chùa Nái cho xứng tầm di tích lịch sử cấp Quốc gia. Điều này là hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân và tạo thêm điểm đến trong hành trình khám phá giá trị Khu di tích lịch sử Chi Lăng và du lịch Xứ Lạng.

NGỌC HIẾU