Thứ sáu,  20/09/2024

Hướng về cội nguồn

– “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Người Việt luôn luôn nhớ rằng: chúng ta cùng một tổ tiên, cùng chung một cội nguồn. Vào ngày Quốc lễ này, vạn ngả đường đều hướng về một đường đất Tổ. Muôn trái tim Việt luôn hướng về một ngày Quốc giỗ Hùng Vương. Nét đẹp văn hóa đó đã lan tỏa, thấm sâu vào người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) đã trở thành ngày hội lớn ở khắp mọi miền đất nước, ngày hội tinh thần trong lòng mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ đâu, theo bất cứ tôn giáo nào. Hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, mỗi người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng luôn tự nhủ và mong ước làm sao để xứng đáng với Tổ tiên, với công lao của các Vua Hùng. Ngày này, cả nước hướng về vùng đất tổ, người người trẩy hội Đền Hùng. Tổ tiên người Việt luôn muốn nhắc nhở con cháu: ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương vua ra vua, cha ra cha, con ra con thì gia đình sẽ yên ổn, xã hội được an cư lạc nghiệp phồn vinh, phát triển. Ðó là minh chứng thể hiện tình cảm “hướng cội, nhớ nguồn” của con Lạc cháu Hồng trên khắp năm châu bốn biển ngày càng tha thiết, sâu đậm. Trở về nguồn cội không chỉ là ý thức tâm linh sâu xa mà còn là niềm thương nỗi nhớ da diết. Vì ai cũng thấm thía rằng: dòng chảy hiện tại êm đềm là do mạch nguồn của quá khứ khai thông.

Con Lạc cháu Hồng dâng hương trong ngày Giỗ Tổ (năm 2016).  Ảnh: HÀ PHƯƠNG ( Báo Phú Thọ)

Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng xuất phát từ đạo lý, từ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lễ hội Đền Hùng đã trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam. Năm 1943, Mặt trận Việt Minh đã treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên gác chuông để tuyên truyền cách mạng kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đổ Nhật – Pháp để cứu nước trước đông đảo quần chúng về dự lễ hội. Ngày 2/9/1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nên giỗ Tổ Hùng Vương 1946, sau khi Chính phủ mới được thành lập – là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do Nhân dân vùng quanh Đền Hùng đảm nhiệm. Năm 1954, đoàn quân Nam tiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước đã về tuyên thệ tại Đền Hùng. Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa Xuân 1975, sau 30 năm gian khổ hy sinh, Nhân dân ta đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang sơn thống nhất, quy về một mối vẹn toàn. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên – một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ “đồng bào” là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.

Năm 1963, Bộ Văn hóa đã xếp hạng Đền Hùng là di tích lịch sử quốc gia. Thời gian đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn khi thăm Đền Hùng đã căn dặn: “Là người Việt Nam, ai mà không nhớ đến tổ tiên. Đồng bào khắp mọi miền rất thiết tha về thăm đất Tổ Hùng Vương… Chúng ta phải xây dựng Đền Hùng để từ Đền Hùng nhìn khắp cả nước và cả nước nhìn về Đền Hùng”. Tháng 8/1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm đất tổ cũng nhấn mạnh rằng: “Đây là khu di tích lịch sử quý báu nhất của nước ta và dân tộc Việt Nam ta”.

Có thể nói, lịch sử như một dòng chảy liên tục, trải qua mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng, mà tìm vào những dòng lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu bốn biển từng đến thăm viếng Đền Hùng, chúng ta thật sự xúc động khi được biết Đền Hùng và các di tích trên Nghĩa Lĩnh đã làm cho cả thế giới phải cúi đầu vị nể ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta. Nhiều dòng lưu bút thừa nhận. “Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam. Đền Hùng là một di tích vô giá của Nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam – một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm”.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm sẽ trở thành “ngày di sản văn hóa Việt Nam”. Trong ngày ấy, mọi người dân Việt sẽ hướng về Đất Tổ, tưởng nhớ đến các Vua Hùng cùng các thế hệ những người có công đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; mọi người chăm lo sửa sang từ góc bàn thờ tổ tiên trong nhà đến những di tích lịch sử văn hóa, thăm các bảo tàng, hưởng thụ các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống. Giỗ Tổ Hùng Vương – từ rất lâu đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc, đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất cội nguồn. Ðồng thời, khơi dậy tình cảm thiêng liêng từ những trái tim mang dòng máu Lạc Hồng để tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Trọng người hiền tài, quý tình thân ái đồng bào, biết “cầu đồng tồn dị”, nhân lên sức mạnh của gần 100 triệu dân con Lạc cháu Hồng và hàng triệu Việt kiều thành sức mạnh “dời non lấp biển”, vì đất nước mạnh giàu, vì tiền đồ tươi sáng của dân tộc.

Chúng ta nguyện luôn hướng về cội nguồn với sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc, lòng tự hào và niềm hãnh diện về tổ tiên, nòi giống của mình, từ đó ra sức kế thừa, đóng góp công sức, trí tuệ, cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống Lạc Hồng.

MAI VĂN HOA