Thứ tư,  03/07/2024

Oanh liệt Hoàng Đình Kinh

– Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, trên quê hương Xứ Lạng thân yêu của chúng ta đã nổ ra cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh đánh phỉ và chống Pháp xâm lược, bảo vệ quê hương đất nước. Cuộc khởi nghĩa đã lập nhiều chiến công oanh liệt, góp phần tiêu diệt bọn thổ phỉ “Giặc Cờ”- Tàn quân của phong trào Thái Bình Thiên Quốc (Trung Quốc) tràn sang cướp bóc dân ta và giáng cho quân Pháp xâm lược những đòn thất bại nặng nề, góp phần làm chậm bước tiến khi chúng đánh lên Lạng Sơn và các tỉnh Biên giới phía Bắc nước ta.

Cuộc khởi nghĩa đã có tiếng vang to lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào chống Pháp của nhân dân ta. Dãy núi đá trùng điệp kéo dài từ các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, qua Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn (Lạng Sơn) sang đến huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), nơi nghĩa quân làm căn cứ hoạt động đã được cả người Pháp và nhân dân ta gọi là “dãy núi Cai Kinh” – tên người thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa.

Ngay từ khi cuộc khởi nghĩa còn đang diễn ra và sau khi đã kết thúc, việc tìm hiểu lai lịch, tiểu sử, quê quán, dân tộc… của người thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh (còn gọi Cai Kinh, Huyện Kinh) và công trạng của nghĩa quân do ông lãnh đạo đã được cả phía Pháp, Đại Nam và nhà Thanh (Trung Quốc) rất quan tâm. Tuy vậy, những thông tin về ông và cuộc khởi nghĩa đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trước đến những năm gần đây vẫn còn những điều chưa rõ ràng và có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người, nhất là thế hệ trẻ hôm nay ít hiểu biết về cuộc khởi nghĩa, hoặc hiểu một cách mơ hồ, nhầm lẫn, sai lệch.

Núi Huyện Kinh, thôn Đằng Cảu, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng

Nhiều bài học quý báu, kinh nghiệm phong phú, tác dụng to lớn của cuộc khởi nghĩa cũng như nhiều di tích, hiện vật gắn với cuộc khởi nghĩa… chưa được bảo tồn, khai thác, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Xuất phát từ thực tế đó, được sự đồng ý của UBND tỉnh, đề tài nghiên cứu khoa học “Ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của Nhân dân ta” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật tỉnh chủ trì thực hiện đã tiến hành từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2021 đã góp phần làm sáng tỏ nhiều nội dung của cuộc khởi nghĩa và người thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh.

  Quê hương, gia đình, thân tộc, tiểu sử Hoàng Đình Kinh

Những thông tin trên các sách, báo, tạp chí đã xuất bản từ dưới thời Pháp thuộc cho đến những năm gần đây, phần nói về quê hương, gia đình, thân tộc của Hoàng Đình có nhiều ý kiến khác nhau.

Trong tác phẩm “Vùng Cai Kinh – Con người và non nước” (Le Cai Kinh homme et con-trée), Hà Nội, 1934 của Paul Munier (Pháp) viết: “Họ Hoàng (Hoàng Đình Kinh) vốn gốc ở làng Hoà Lạc, tổng Thuốc Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang”.

Tác giả Nhật Nham – Trịnh Như Tấu trong sách chuyên khảo Bắc Giang địa chí (1937) và tạp chí Tri Tân số 16 ra ngày 16/9/1941, có bài Tại sao lại gọi là núi Cai Kinh (thuộc Bắc Giang), viết: “Cai Kinh là nghĩa phụ (cha nuôi) của Đề Thám”; “Cai Kinh tức Cai Thương” và cho rằng “Dưới triều Tự Đức, hai anh em Vũ Văn Kinh và Vũ Văn Cương từ Thanh Hóa đã di cư đến làng Thuốc Sơn, châu Hữu Lũng (Bắc Giang), rồi ít lâu nổi tiếng hùng trưởng, chiếm cứ một phương… Sau Vũ Văn Kinh làm Cai tổng, nên gọi là Cai Kinh… Kế đến em Cai Kinh làm Cai tổng tức là Cai Cương. Cai Cương cũng rất hào hùng, không kém gì anh”.

Năm 1965, Đặng Huy Vận và Nguyễn Đăng Duy có bài: “Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của nghĩa quân Hoàng Đình Kinh (1883 – 1888)”, trong đó viết: “Theo các cụ bô lão ở Hữu Lũng thì bố ông Cai Kinh là Hoàng Đình Khoa, thuộc dân tộc Tày (Khu tự trị Dân tộc Choang, Trung Quốc) di cư sang nước ta từ thời nhà Nguyễn. Lúc mới sang, Hoàng Đình Khoa ở huyện Bằng Mạc, tỉnh Lạng Sơn, rồi rời về chân đèo Lừa (huyện Hữu Lũng) …Ông sinh được 3 người con: người thứ nhất là Hoàng Thị Gan, thứ hai là Hoàng Đình Cử, tức là Hoàng Đình Kinh, người thứ 3 là Hoàng Kiệt, sau đổi là Hoàng Đình Cương… Hoàng Đình Khoa làm Cai tổng Thuốc Sơn, phụ trách 36 trang trại, nên Nhân dân cũng gọi là ông Cai Quản. Hoàng Đình Kinh khi nhỏ được học chữ Hán, khi bố mất, ông được làm Cai tổng, nên có tên gọi là Cai Kinh. Về sau, vì có công đánh dẹp thổ phỉ, ông được triều đình thăng tri huyện Hữu Lũng… em ông được thay làm Cai tổng. Từ đó nhân dân gọi ông là Huyện Kinh và em ông là Cai Hai” …

Ngày 25/4/2013, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lạng Sơn phối hợp với họ Hoàng xã Hòa Lạc (hậu duệ Hoàng Đình Kinh) đã tổ chức hội thảo khoa học “Các tư liệu, bài viết về thân thế, sự nghiệp Hoàng Đình Kinh chống Pháp, phỉ bảo vệ quê hương cuối thế kỷ XIX”. Hội thảo có khoảng 700 người tham dự, với trên 20 bài phát biểu, tham luận của các đại biểu, giáo sư, tiến sỹ, các nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương đã góp phần làm sáng tỏ hơn về thân thế sự nghiệp của Hoàng Đình Kinh. Tuy nhiên, một số bài tham luận, phần nói về lai lịch, tiểu sử Hoàng Đình Kinh, vẫn được tổng hợp theo thông tin từ các bài viết của Nhật Nham – Trịnh Như Tấu (1941) và Đặng Huy Vận – Nguyễn Đăng Duy (1965). Có tham luận còn đưa ra những thông tin có tính suy diễn, thiếu căn cứ.

Để tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa và người thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh, nhóm nghiên cứu đã dày công sưu tầm, tập hợp, khai thác thông tin từ các nguồn tài liệu sách báo, tư liệu lưu trữ, kết hợp với điền dã, điều tra thực tế tại các địa phương, đơn vị, gia tộc họ Hoàng thân tộc Hoàng Đình Kinh và các cá nhân có liên quan trên địa bàn trong, ngoài tỉnh và các cơ quan chuyên môn ở trung ương. Nhóm đã tiến hành trao đổi, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trung ương và địa phương, tổ chức hội thảo nhằm tìm hiểu một cách khách quan, trung thực, toàn diện, sâu sắc về cuộc khởi nghĩa và người thủ lĩnh. Qua đó đã rút ra một số kết luận như sau:

Hoàng Đình Kinh, có nguyên quán là làng Nông Lục, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn, nguồn gốc dân tộc Tày. Cụ tổ của Hoàng Đình Kinh có tên thụy (tên đặt sau khi chết để cúng) là Đức Nhân, đã di cư từ làng Nông Lục, xã Hưng Vũ, (Bắc Sơn) về xã Hòa Lạc (huyện Hữu Lũng) sinh cơ lập nghiệp từ thời nhà Nguyễn.

Về nơi Hoàng Đình Kinh sinh ra, lớn lên và dựng cờ khởi nghĩa, khi nhóm nghiên cứu đến khu vực xóm Ná, làng Thượng, xã Hòa Lạc huyện Hữu Lũng trước đây (nay thuộc thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng) để tìm hiểu, mọi người được tận mắt chứng kiến các dấu tích khu nền nhà xưa của Hoàng Đình Kinh, “Ao ông Huyện” và “Thành Cai Kinh”, những di tích gắn liền với cuộc đời hoạt động của Hoàng Đình Kinh và nghĩa quân năm xưa. Nhóm nghiên cứu đã đến thăm và viếng khu mộ Tổ họ Hoàng ở đây. Qua đó cho thấy xóm Ná, làng Thượng, xã Hòa Lạc (Hữu Lũng), nay thuộc thị trấn Chi Lăng (huyện Chi Lăng) chính là nơi Hoàng Đình Kinh đã sinh ra, lớn lên và dựng cờ khởi nghĩa, tập hợp nhân dân quanh vùng đánh phỉ, chống Pháp xâm lược.

Về những người trong gia đình Hoàng Đình Kinh, căn cứ nguồn thông tin từ những người trong dòng họ thân tộc Hoàng Đình Kinh cho biết: Cụ Tổ Đức Nhân và cụ bà Từ Huệ sinh được 3 người con trai là: Đình Linh, Phúc Xuyên và Phúc Thánh (tên thụy). Người con thứ nhất là Đình Linh, sinh được 1 con gái đầu lòng và 2 con trai là Hoàng Đình Kinh và Hoàng Đình Hai. Những người họ Hoàng ở thôn Việt Thắng, xã Hòa Lạc hiện nay là hậu duệ của cụ Phúc Xuyên và Phúc Thánh, những người em ruột của cụ Đình Linh (chi trưởng), người đã sinh ra Hoàng Đình Kinh.

Theo bài viết của Đặng Huy Vận – Nguyễn Đăng Duy thì bố Hoàng Đình Kinh là Hoàng Đình Khoa, mẹ là Trần Thị Nhiễu và Hoàng Đình Kinh có người chị gái tên là Hoàng Thị Gan. Qua sưu tầm, tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đã được bà Nguyễn Thị Quảng, 74 tuổi, ở xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), là hậu duệ đời thứ tư của người chị gái Hoàng Đình Kinh cho biết, bà được nghe bố và những người trong dòng họ kể lại, chị gái ruột của Hoàng Đình Kinh có tên là Hoàng Thị Loan (không phải Hoàng Thị Gan), lấy chồng họ Mè ở xã Chi Lăng, châu Ôn (nay là huyện Chi Lăng). Bà Loan sinh được 3 người con gái là Mè Thị Nhân, Mè Thị Hỏn (bà nội của Nguyễn Thị Quảng), Mè Thị Mai và một người con trai út, bị mù bẩm sinh, không đặt tên riêng, thường gọi là “thằng Cu”. Khi Pháp chiếm được Chi Lăng, chồng bà Loan bị bắt đi lính, đóng ở đồn Than Muội, làm đến chức cai, nên thường gọi theo tên con trai là “Cai Cu”. Ông Cai Cu thấy giặc Pháp đàn áp dã man những người Việt, đã vận động một số binh lính tìm cách chống lại chúng, nên đã bị quân Pháp giết hại cả hai vợ chồng. Hiện nay các cháu chắt ngoại của ông Cai Cu và bà Loan (trong đó có bà Quảng) sinh sống tại huyện Chi Lăng và cháu chắt nội (con cháu người con trai Mè Văn Cu) sinh sống tại Ngả Hai, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Bà Nguyễn Thị Quảng cho biết: Cụ Hoàng Thị Loan còn có người em gái tên là Hoàng Thị Liên (thất truyền).

Dấu tích nền nhà Hoàng Đình Kinh

Hoàng Đình Kinh có người em trai là Hoàng Đình Hai. Khi Hoàng Đình Kinh làm Cai tổng Thuốc Sơn, được triều đình thăng làm quan tri huyện Hữu Lũng, thì Hoàng Đình Hai được thay ông giữ chức Cai tổng Thuốc Sơn và là Phó tướng của nghĩa quân Hoàng Đình Kinh.

Về các bà vợ và con của Hoàng Đình Kinh: Trong các tư liệu sưu tầm tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội) tại khối tài liệu Nha Kinh lược Bắc Kỳ, có bản “tấu trình” của quan Tuần phủ Lạng Bình Vi Văn Lý, đề ngày 15 tháng 5 năm Đồng Khánh thứ ba (1888) viết: “Theo lời bẩm báo của viên phủ Trường Khánh là Lê Trọng Khải, thì vào canh ba đêm 11 tháng 5 Mậu Tý (1888), có dũng quân đánh vào sào huyệt, chém bắt được bọn đầu sỏ và bắt sống vợ con Đình Kinh chờ áp giải… Sai Ma Đình Tại giải vợ Đình Kinh lên tỉnh, bẩm báo… Khi đó có hai thiếp của Đình Kinh là đệ tứ và đệ ngũ chạy thoát… đã truy tìm nhưng chưa bắt được. Còn hai vợ của hắn là Nhất, Nhị hiện bị thương nặng, không thể dẫn giải đi được, cùng 5 con trai và 2 con gái, tổng cộng 7 đứa đều bị bắn chết. Chỉ còn lại thiếp thứ ba bị giải về bẩm báo chờ xét xử…”.

Tư liệu này cho chúng ta biết: Hoàng Đình Kinh có 5 người vợ và 7 người con (5 trai, 2 gái). Đêm 11 tháng 5 Mậu Tý (1888), lực lượng làm phản đã đột nhập vào đốt phá bản doanh Hoàng Đình Kinh. Nhà cửa bị đốt cháy, nhiều người bị giết hại, trong đó 7 người con của Hoàng Đình Kinh đều đã bị giết chết.

  Sự nghiệp đánh phỉ và chống Pháp của Hoàng Đình Kinh

Hoàng Đình Kinh sinh ra, lớn lên vào nửa cuối thế kỷ XIX, thời kỳ mà đất nước ta bị nạn thổ phỉ các loại nổi lên quấy phá và thực dân Pháp đẩy mạnh việc xâm chiếm đất nước, gây nhiều đau khổ cho nhân dân và làm cho quan quân triều Nguyễn cũng phải chống đối rất vất vả.

Tài liệu lịch sử cho biết: Từ năm Tân Hợi (1851) trở đi thì càng ngày càng nhiều nạn giặc giã, phỉ các loại. Phần vì bị bọn quan lại áp bức bóc lột, nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên chống lại triều đình, thất bại rồi thổ phỉ hóa; phần vì bên Tàu có phong trào Thái Bình Thiên Quốc bị nhà Thanh truy đuổi, tàn quân đã tràn sang nước ta thành bọn giặc Cờ Vàng, Cờ Trắng, Cờ Đen cướp bóc dân lành. Vùng Hữu Lũng, Chi Lăng, quê hương Hoàng Đình Kinh có bọn phỉ Lục A Sung, phỉ Lý Dương Tài đến cướp phá. Hơn nữa, thực dân Pháp sau khi đánh chiếm Nam Kỳ đã đẩy mạnh việc đánh chiếm Bắc Kỳ. Trước nỗi khổ của Nhân dân do giặc phỉ và nạn ngoại xâm, Hoàng Đình Kinh đã đứng lên tập hợp trai tráng trong vùng, dựng cờ khởi nghĩa đánh phỉ, chống Pháp. Trong tác phẩm “284 anh hùng, hào kiệt của Việt Nam” tác giả Vũ Thanh Sơn viết: “Ngày 25/4/1882, quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai, mấy ngày sau Hoàng Đình Kinh phát động cuộc khởi nghĩa ở dãy núi Đồng Nai, châu Hữu Lũng”.

Ngay từ những ngày đầu, tham gia cuộc khởi nghĩa do Hoàng Đình Kinh phát động đã có mặt những hào kiệt trong vùng mà ta có thể biết tên như: vùng Hữu Lũng, Chi Lăng quê hương Hoàng Đình Kinh, có Đề Côn (quê Thuốc Sơn), Thừa Khoát (quê Đằng Yên), Hoàng Văn Thảnh (quê Đằng Sơn), Nông Bản Xuân, Cai Hào (quê Châu Ôn – Chi Lăng); Hoàng Quế Thọ (quê Bình Gia), Hoàng Thái Nhân, Hoàng Thái Nam (quê Bắc Sơn), Vi Văn Lý (quê Lộc Bình),…; Ở vùng Yên Thế, Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) có: Bá Phức, Đề Dương (Hoàng Hoa Thám), Hoàng Văn Cạnh, Hoàng Bá San, Hoàng Điền Ân, Nguyễn Văn An, Đề Bảo, Dương Văn Sử, Hoàng Văn Thu, Nguyễn Văn Hóa, Đề Hậu,… (Những người này sau về với nghĩa quân Yên Thế đều là các tướng lĩnh cự phách cả).

  Xây dựng căn cứ ở xã Hòa Lạc

Sau khi dựng cờ tụ nghĩa, Hoàng Đình Kinh tập trung xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu tiêu diệt bọn phỉ các loại bảo vệ Nhân dân, đồng thời rèn luyện quân sĩ sẵn sàng chiến đấu chống quân Pháp xâm lược. Thời kỳ đầu, đại bản doanh nghĩa quân đóng ngay tại quê hương Hoàng Đình Kinh. Bộ chỉ huy đóng tại xóm Ná, làng Thượng, xã Hòa Lạc. Tại đây, nghĩa quân đã xây dựng thành trì, chiến đấu với bọn Thanh phỉ từ Trung Quốc tràn sang. Nhiều trận đánh đã diễn ra tại vùng Chi Lăng, nơi có phủ Trường Khánh và đồn Than Muội, kẻ địch thường lợi dụng chiếm đóng, hoạt động. Đến tháng 11 năm Nhân Ngọ (12/1882), Hoàng Đình Kinh được triều đình thăng làm quan Tri huyện Hữu Lũng, huyện lỵ lúc đó đóng tại xã Hữu Hạ (nay thuộc huyện Yên Thế), sau chuyển về xã Đào Quán (nay thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), Hoàng Đình Kinh với cương vị quan tri huyện đã tổ chức đánh phỉ rất quyết liệt, lập nhiều công trạng. Nhiều khi ông còn tổ chức đón đánh địch ngay trước đồn nha của mình.

Ngày 15-3-1884, quân Pháp tổ chức lực lượng gồm 5.000 quân lính, do thiếu tướng Nê-gri-ê (Négrier) chỉ huy đánh lên phủ Lạng Thương, Kép và tiến đánh Lạng Sơn. Nghĩa quân Hoàng Đình Kinh, phối hợp với quân nhà Thanh và lực lượng của Cai Biều – Tổng Bưởi (Lạng Giang), chiến đấu quyết liệt, gây cho địch nhiều thiệt hại, buộc chúng phải bỏ dở kế hoạch đánh chiếm lên Lạng Sơn.

Thời kỳ này, Bộ chỉ huy nghĩa quân chuyển ra trú tại hang Vỉ Ruồi, quân lính tập kết tại hang Lân Điêng, thuộc thôn Cây Hồng, cách vị trí xóm Ná khoảng 1 km theo đường chim bay. Tại đây, nghĩa quân đã phối hợp với quân nhà Thanh và các lực lượng kháng chiến khác của người Việt chiến đấu chống Pháp trong suốt thời gian từ đầu năm 1884 đến giữa năm 1885 lập nhiều chiến công. Tham gia các trận đánh nổi tiếng như: trận cầu Quan Âm – sông Hóa (24/6/1884), trận đồn Bắc Lệ (29/6/1884), trận đồn Kép, phủ Lạng Giang (tháng 10/1884), trận Ải Nam Quan, thị xã Lạng Sơn và truy kích địch đến tận Bắc Ninh (cuối tháng 3/1885)…

Quân pháp đã nhiều lần tổ chức tấn công căn cứ Hòa Lạc, nhưng chúng không sao có thể tiến quân vào vùng này được. Hang Vỉ Ruồi, hang Lân Điêng, xóm Ná… mãi mãi là vùng đất thánh bất khả xâm phạm của nghĩa quân Hoàng Đình Kinh và là vùng đất bí hiểm mà quân Pháp không sao có thể hiểu nổi.

  Xây dựng căn cứ khu Đằng Yên, Đằng Sơn

Sau trận Ải Nam Quan và thị xã Lạng Sơn (tháng 3-1885), quân Pháp bị thất bại nặng nề. Chính phủ Pháp của thủ tướng Giuyn-phe-ry sụp đổ. Ngày 4/4/1885, Pháp và nhà Thanh ký kết đình chiến. Tháng 5/1885, quân Thanh được lệnh rút hết về nước. Ngày 9/6/1885 tại Thiên Tân (Trung Quốc) Hiệp ước Pháp – Thanh được ký kết, có 10 điều, theo đó nhà Thanh thừa nhận và chấp nhận việc Pháp thống trị Việt Nam; không được đưa quân đội sang Việt Nam; không được cản trở công cuộc bình định của Pháp ở Việt Nam…

Với Hiệp ước Thiên Tân này, cuộc chiến tranh Trung – Pháp chấm dứt. Quân Thanh phải rút toàn bộ quân đội về nước. Vì vậy nghĩa quân Hoàng Đình Kinh cũng mất hẳn chỗ dựa là quân Thanh để chống Pháp. Trong bối cảnh đó, nội bộ nghĩa quân có sự phân hóa. Một số tướng lĩnh, chỉ huy như Đề Thám, Bá Phức, Thống Luận… quyết định chuyển về Yên Thế tiếp tục chống Pháp. Có người quay giáo đầu hàng giặc. Hoàng Đình Kinh cùng những người trung thành phải tổ chức lại lực lượng, xây dựng căn cứ mới để tiếp tục chống Pháp.

Cuối năm 1885, Hoàng Đình Kinh chuyển đại bản doanh nghĩa quân vào khu vực các xã Đằng Yên, Đằng Sơn (nay là xã Yên Thịnh, Yên Vượng, Yên Sơn) huyện Hữu Lũng. Đây là thung lũng nằm lọt giữa lòng dãy núi đá vôi, có những cánh đồng bằng phẳng, màu mỡ rộng hàng trăm héc ta, xung quanh là núi đá vôi sừng sững bao bọc. Đó là một căn cứ lý tưởng cho nghĩa quân hoạt động.

Hoàng Đình Kinh xây dựng Đại bản doanh đóng tại thôn Đằng Cảu, xã Đằng Yên (nay là xã Yên Thịnh). Phía sau là quả núi cao nằm trong dãy núi đá vôi bao quanh. Phía trước cách chân núi khoảng hơn trăm mét là con suối sâu, bờ cao, quanh năm nước chảy, như một con hào thiên tạo bảo vệ đại bản doanh. Dưới chân núi là hệ thống hang động có đến 5 – 6 hang đá gần nhau, nhiều ngõ ngách, có thể làm hệ thống kho tàng chứa đựng vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm… đáp ứng nhu cầu cần thiết của nghĩa quân. Lưng chừng núi cách mặt đất khoảng gần 100 m là một hờm đá khá rộng, có mái che, đủ để ở, làm việc và sinh hoạt. Hoàng Đình Kinh thường trú tại hờm đá này. Đến nay người dân nơi đây vẫn gọi là “Khuyên Huyện Kinh”. Từ đây có thể quan sát bao quát cả một vùng rộng lớn, nhìn xa tới vài km.

Cũng trong khu căn cứ này còn có “Khuyên Cai Hai” em trai Hoàng Đình Kinh, Phó tướng của nghĩa quân. Nơi đây có “Hút Cai Hai” – quanh năm cung cấp nước sinh hoạt cho quân lính, có đồn Phố Toóng án ngữ cửa ngõ khu căn cứ.

Từ căn cứ Đằng Yên, Đằng Sơn, nghĩa quân thường tung quân lính ra bên ngoài đánh địch. Nhiều trận đánh lớn nổi tiếng như: trận đánh đồn Làng Chiễng, đồn Than Muội châu Ôn (tháng 5/1886), trận phục kích quân Pháp ở suối Dọc, trận đánh trên dòng sông Rong gần đồn Khôn Lâu, trận phục kích ở đèo Chắn Ong (xã Đằng Sơn)… Quân Pháp đã nhiều lần tổ chức tấn công vào căn cứ Đằng Yên, Đằng Sơn nhưng chúng đều thất bại thảm hại.

Ngoài số tướng lĩnh, nghĩa binh tham gia nghĩa quân dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Hoàng Đình Kinh, nghĩa quân còn có một số cánh quân hoạt động ở các vùng, các địa phương dưới sự chỉ huy của những tướng lĩnh tiêu biểu khác như: Cánh quân ở Bảo Lộc (Lạng Giang, Bắc Giang) do Cai Bình chỉ huy; Cánh quân ở huyện Bắc Sơn do Hoàng Thái Nhân và Hoàng Thái Nam chỉ huy; Cánh quân ở huyện Bình Gia do Hoàng Quế Thọ chỉ huy; Cánh quân vùng các huyện Cao Lộc, Thoát Lãng, Tràng Định… Những cánh quân này phối hợp chặt chẽ với trung tâm nghĩa quân do Hoàng Đình Kinh chỉ huy đã giáng cho quân Pháp những đòn thất bại nặng nề.

Sau nhiều năm xây dựng căn cứ và tổ chức chiến đấu, Hoàng Đình Kinh đã gây nhiều tổn thất cho quân Pháp. Chúng đã nhiều lần mở các cuộc tấn công quy mô vào vùng căn cứ hòng tiêu diệt nghĩa quân, nhưng đều không đem lại kết quả. Chúng hèn hạ chuyển sang dùng kế mua chuộc, ly gián, cho người trà trộn vào nghĩa quân nhằm gây rối, chia rẽ nội bộ rồi tiêu diệt cuộc khởi nghĩa. Đêm 2 tháng 9 năm Đinh Hợi (1887), Cai Hai bị bọn làm phản giết hại. Đêm 11 tháng 5 Mậu Tý (1888), lực lượng làm phản đã đột nhập vào đốt phá bản doanh Hoàng Đình Kinh. Nhiều người bị giết hại, nhà cửa bị đốt cháy, vợ con Hoàng Đình Kinh bị bắt và giết, Hoàng Đình Kinh chạy thoát. Ông vừa tránh sự truy đuổi của địch vừa tìm cách gây dựng lại lực lượng kháng Pháp của mình. Tuy nhiên tháng 6/1888, Hoàng Đình Kinh bị địch bắt và hành quyết vào ngày 6/7/1888 theo lệnh của tên Thống sứ Bắc Kỳ.

Thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh hy sinh, nghĩa quân bị tan rã, nhưng cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh đã có tiếng vang to lớn và ảnh hưởng sâu sắc đối với phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Nhận xét tổng quát về hoạt động của nghĩa quân Hoàng Đình Kinh, cuốn Lịch sử quân sự Đông Dương (Pháp) viết: “Cai Kinh, một thủ lĩnh nghĩa quân quan trọng đóng giữ vùng phủ Lạng Thương. Ngay từ buổi đầu của cuộc chinh phục, viên quan này đã rút lui về đóng giữ dãy núi dọc theo đường cái quan về phía Tây giữa Bắc Lệ và Than Muội. Tuy chỉ có một số quân ít ỏi nhưng ông ta đã giữ vững được căn cứ”.

Đánh giá về cuộc khởi nghĩa và vai trò của thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh, Phó GS.TS. Chương Thâu – Viện Sử học Việt Nam đã viết: “Cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Cai Kinh tuy bị thất bại, nhưng đã để lại cho chúng ta tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất của người anh hùng Hoàng Đình Kinh và của biết bao nghĩa binh vô danh – liệt sĩ yêu nước của phong trào chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc khởi nghĩa kéo dài cả chục năm trời đã nêu cao tinh thần đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của toàn dân tộc ta nói chung và của Xứ Lạng nói riêng. Nhân dân ta đầy lòng sùng ái vị anh hùng liệt sĩ Hoàng Đình Kinh và khẳng định công lao to lớn của ông trong sự nghiệp chống Pháp xâm lược, bảo vệ đất nước thân yêu cuối thế kỷ XIX khi giặc Pháp mới đặt chân lên Xứ Lạng”

NGUYỄN QUANG HUYNH