Thứ sáu,  20/09/2024

Thư viện tỉnh góp phần phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng

LSO- Để mở rộng, thu hút độc giả, những năm qua, Thư viện tỉnh luôn nỗ lực thực hiện nhiều mô hình, chương trình thiết thực và có ý nghĩa nhằm cung cấp thông tin, tri thức, văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, qua đó góp phần phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bà Phạm Minh Hạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Hiện nay, cơ sở dữ liệu (sách, địa chí, báo và tạp chí) của thư viện đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Gần 70.000 bản sách bao gồm  các lĩnh vực, thể loại phong phú được đơn vị huy động, tuyển chọn và bổ sung hằng năm là kho tri thức khá đồ sộ giúp bạn đọc lựa chọn, tiếp nhận thông tin, kiến thức nhằm nâng cao vốn hiểu biết cho mình.

Năm 2017, Thư viện tỉnh đã mở rộng luân chuyển sách đến 11 thư viện huyện, thành phố, 28 điểm bưu điện văn hóa xã và 5 trường tiểu học trên thành phố Lạng Sơn với 40.400 lượt sách báo phục vụ lưu động.  Ngoài ra,  thư viện còn luân chuyển sách tới Trại tạm giam thuộc Công an tỉnh với mỗi lượt luân chuyển khoảng 400 bản sách, hằng năm phục vụ gần 1.000 độc giả. Thư viện còn vận động, kêu gọi sự hỗ trợ, quyên góp, ủng hộ sách từ các cá nhân, tập thể xây dựng 5 thư viện xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh với tổng số 15.684 bản sách.

Cán bộ thủ thư hướng dẫn các em mượn và đọc sách tại phòng đọc thiếu nhi, Thư viện tỉnh

Bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong việc luân chuyển sách, Thư viện tỉnh luân phiên tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu sách tới bạn đọc như “Ngày hội sách và văn hóa đọc”, duy trì các triển lãm, trưng bày nhân các sự kiện chính trị – xã hội của tỉnh, của đất nước … Nhiều nhà trường đã phối hợp với Thư viện tỉnh mở các buổi ngoại khóa cho các em học sinh, thu hút sự tham gia nhiệt tình của các em và sự ủng hộ của các bậc phụ huynh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Thư viện đã đón hàng trăm học sinh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn tới tham quan, học tập ngoại khóa.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, Thư viện tỉnh đã tích cực đổi mới, sáng tạo trong công tác phục vụ. Đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động của thư viện đã phục vụ chuyên nghiệp hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cấp, đổi thẻ và mượn sách được thực hiện bài bản hơn. Không những thế, hằng tuần thư viện đều chú trọng cập nhật sách, báo mới, nhờ đó, các đầu sách, bản sách của thư viện ngày càng phong phú, đa dạng thu hút nhiều độc giả. Trong 3 năm qua, thư viện đã bổ sung được trên 19.400 bản sách và cấp mới trên 2.300 thẻ bạn đọc.

Bên cạnh đó, thư viện cũng thường xuyên quan tâm xây dựng, hoàn thiện các phòng đọc, phòng mượn, nổi bật là phòng đọc thiếu nhi thân thiện được đầu tư, nâng cấp với hình thức bày trí đẹp mắt, khoa học và nhiều không gian nhỏ phục vụ độc giả như: góc đọc, góc viết, góc sáng tạo… Vì thế, dịp hè năm nay, phòng đọc này đã thu hút nhiều độc giả tới đọc sách hơn. Em Nguyễn Thanh Ân, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: “Em rất thích đến thư viện để đọc sách, vì ở đây, em được tự do lựa chọn những cuốn sách mà em yêu thích, ngoài ra, em còn được tham gia nhiều trò chơi hấp dẫn và được gặp gỡ nhiều bạn bè mới”.

Để rút ngắn khoảng cách thụ hưởng văn hóa đọc giữa thành thị và nông thôn, vào tháng 4 năm nay, Thư viện tỉnh đã  tiếp nhận xe thư viện lưu động với 4.000 bản sách, 6 máy tính cùng các thiết bị nối mạng, 1 bộ máy chiếu,… phục vụ nhu cầu đọc sách, tiếp cận thông tin của nhân dân, học sinh tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Không thụ động chờ đợi bạn đọc đến với mình, bằng các hình thức quảng bá, tuyên truyền, đổi mới phương thức hoạt động, phát huy nguồn thông tin tư liệu hiện có, mở rộng các dịch vụ, Thư viện tỉnh đang thay đổi, làm mới cách tiếp cận công chúng. Đó cũng là  hướng đi tất yếu để tạo thói quen đọc sách trong cộng đồng, nhằm xây dựng xã hội tri thức.

LA TUYẾT MAI