Thứ sáu,  20/09/2024

Mưa, lũ gây thiệt hại nặng ở các tỉnh phía bắc

Ngày 20-7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 931/CĐ-TTg yêu cầu UBND các tỉnh khu vực miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ, nhất là hai tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái đang bị nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ này và các bộ, ngành liên quan triển khai ngay phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn; lãnh đạo các tỉnh trực tiếp xuống địa bàn trọng điểm chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ; huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm những người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, bảo đảm không để người dân bị đói; rà soát các khu vực dân cư nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau bão, lũ; khôi phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng…

* Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, chiều 20-7, một vùng áp thấp trên dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực bắc Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Dự báo, ATNĐ di chuyển chậm về phía đông, mỗi giờ đi được 5 km. Đến 13 giờ ngày 21-7, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 19,1 độ vĩ bắc; 117,6 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

* Ngày 20-7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công văn số 349 gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa về ứng phó ATNĐ trên Biển Đông, đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ để hướng dẫn cho chủ tàu, thuyền di chuyển khỏi vùng nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

* Theo dự báo, hôm nay 21-7, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Cảnh báo, mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới.

* Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái đang lên nhanh. Đến 1 giờ ngày 21-7, mực nước tại Yên Bái ở mức 33,3 m (hơn báo động 3 là 1,3 m); tại Phú Thọ 18,5 m (hơn báo động 2 là 0,3 m). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai tại Yên Bái cấp 3. Dự báo, ngày 21-7, lũ trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An dao động ở mức báo động 1 – báo động 2, có nơi hơn báo động 2.

* Do mưa lớn trong ba ngày qua cho nên nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía bắc, nhất là các tỉnh như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Nguy cơ ngập lụt tại vùng trũng và đô thị ở các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình.

* Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, mưa, lũ những ngày qua ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ làm sập, cuốn trôi 98 nhà và ngập 827 nhà dân; 365 nhà phải di dời khẩn cấp. Mưa, lũ làm hơn 80 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập, gần 4.000 gia cầm bị chết, 2.868 ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, sạt lở đất.

* Theo Tổng cục Thủy lợi, các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ đang đạt từ 40 đến 60%, các hồ chứa nhỏ đạt từ 50 đến 75% dung tích thiết kế. Riêng tại Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, các hồ chứa đã đạt hơn 90% dung tích thiết kế. Hiện nay, tại Thanh Hóa có 370 hồ, Nghệ An có 431 và Hà Tĩnh có 142 hồ có tràn tự do đã đạt 100% dung tích thiết kế.

* Tại tỉnh Lào Cai, mưa to gây lũ lớn trên các sông, suối làm hư hỏng 53 nhà dân; ngập úng và hư hỏng 333 ha lúa, hoa màu. Lũ cuốn trôi một cầu treo, 35 cột viễn thông bị gãy đổ; nhiều tuyến đường giao thông sạt lở, ngập úng; ước tính khoảng 14 tỷ đồng. Đáng chú ý, lũ ống làm Nhà máy thủy điện Nậm Tha 4 bị ngập, khoảng 300 m đường ống dẫn nước cao áp quay tua-bin phát điện bị vỡ; Nhà máy thủy điện Nậm Tha 5 và 6 bị vỡ vai đập. Cả ba nhà máy đã phải dừng phát điện.

* Tại tỉnh Yên Bái, mưa, lũ làm sáu người chết, 15 người mất tích và bảy người bị thương. Mưa, lũ cũng làm 931 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng; 585 hộ phải di dời khẩn cấp; nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở gây chia cắt giao thông. Nước tràn vào TP Yên Bái gây ngập nhiều tuyến đường, nhà dân. UBND tỉnh tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở, huy động lực lượng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, kiểm tra và hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại.

* Mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 đã làm sạt lở một số điểm trên tuyến quốc lộ 4B, đoạn qua địa phận huyện Đình Lập (Lạng Sơn), gây tắc nghẽn giao thông cục bộ.

* Tại huyện Tân Sơn (Phú Thọ), mưa lớn làm sáu nhà dân, 35,4 ha lúa, hoa màu bị ngập. Mưa lớn cũng làm sạt lở 150 m3 đất đá ở nhiều tuyến đường; nước lũ ở các suối, cầu tràn dâng cao, chảy xiết khiến hệ thống giao thông một số đường liên thôn, liên xã bị chia cắt.

* Tỉnh Hòa Bình mưa, lũ những ngày qua gây thiệt hại hơn 1.000 ha lúa, hoa màu, nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng; 72 vị trí bị sạt lở ta-luy dương, tám vị trí sạt lở ta-luy âm…

* Trên địa bàn TP Hà Nội, mưa lớn những ngày qua làm 293 ha lúa của các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ bị ngập úng. Các đơn vị thủy lợi đang vận hành 179 trạm bơm với 522 máy bơm tiêu úng nước cho diện tích bị ngập.

* Tại Nam Định, mưa, lũ làm hơn 20 nghìn ha lúa bị ngập, úng; 9 m đê bối ở huyện Vụ Bản bị sạt mái; 30 m mái kè bờ bao ở huyện Ý Yên bị hư hỏng. Hiện nay, các huyện, thành phố đang tiếp tục rà soát, tổng hợp thiệt hại sau bão. Tỉnh đang chỉ đạo vận hành các trạm bơm khẩn trương tiêu, rút nước cho những diện tích bị ngập.

* Tỉnh Ninh Bình còn khoảng 5.000 ha lúa bị ngập, trong đó tập trung tại các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, Nho Quan, Kim Sơn, Hoa Lư. Hiện nay, tỉnh đang vận hành 284 máy bơm và 11 cống tiêu để cứu những diện tích lúa đang ngập, úng.

* Do mưa lớn kéo dài làm khoảng 20 nghìn ha lúa ở Thái Bình bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 3.500 ha phải gieo cấy lại, chủ yếu là diện tích gieo thẳng. Ngành nông nghiệp đang chủ động tiêu úng cho những diện tích bị ngập; tăng cường cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa sau mưa úng.

* Tại xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), 57 hộ dân vẫn đang bị cô lập tuyến đường liên xã đi qua địa bàn và đường liên thôn đang bị ngập nước; nơi ngập sâu nhất lên đến 2 m.

* Mưa kéo dài nhiều ngày qua gây sạt lở nặng trên tuyến tỉnh lộ 674, đoạn qua xã Ya Xiar, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Điểm sạt lở có độ dài khoảng 300 m từ Km 10+500 đến Km 10+800 với gần 40 nghìn m3 đất, đá từ ta-luy dương đã sạt lở che lấp hết đường tỉnh lộ 674.

* Tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), mưa những ngày qua làm gần 250 ha lúa giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã với tỷ lệ ảnh hưởng khoảng 30% diện tích, năng suất có thể bị giảm từ 5 đến 10%. Ngoài ra, mưa làm 35 ha lúa thu đông sớm bị ngập úng.

* Theo UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), huyện đã di dời 45 hộ, 185 nhân khẩu khỏi khu vực nguy hiểm; hỗ trợ nhân dân thu dọn đất, đá sau khi nước rút. Mưa lũ làm hư hỏng 19 căn nhà; cầu tràn bản Bôn bị xói lở, cuốn trôi hai đầu mố cầu, chia cắt giao thông. Đường giao thông từ trung tâm xã Trí Nang đến bản Năng Cát bị sạt 750 m3 tại ba điểm. Tỉnh lộ 530 bị sạt lở, ách tắc tại 11 điểm. Mưa, lũ làm ngập nước, vùi lấp gần 40 ha lúa, 17 ha ngô, lạc, đậu, cuốn trôi 120 con gia cầm, 14 ha ao nuôi thủy sản. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra cho huyện Lang Chánh hơn 10 tỷ đồng. Huyện duy trì các chốt hướng dẫn giao thông tại hơn 10 điểm cầu tràn; huy động nhân lực, phương tiện, nhanh chóng giải phóng giao thông trên tuyến tỉnh lộ 530; nỗ lực khắc phục hậu quả mưa, lũ gây ra.

* Tại tỉnh Sơn La, mưa, lũ làm một người bị thương, 99 ngôi nhà bị ngập nước, 99 ngôi nhà có nguy cơ sạt lở, các tuyến giao thông bị sạt lở với 213 điểm; 234 ha lúa bị ngập; hai cầu treo bị cuốn trôi, nhiều công trình khác của người dân bị ảnh hưởng.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia và một số mô hình dự báo quốc tế, từ ngày 23-7, có khả năng xuất hiện một xoáy thấp gây mưa đặc biệt lớn ở khu vực đông bắc (trọng tâm là Quảng Ninh, Lạng Sơn), sau đó sẽ mở rộng ra toàn bộ Bắc Bộ trong các ngày 24 đến 26-7.

Dự báo, cuối tháng 7, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên xấp xỉ báo động 1. Trong đó, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 3,4 m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,8 m. Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An.

Theo Nhandan