Thứ sáu,  20/09/2024

Đặc sắc làn điệu Páo dung của người Dao ở Vĩnh Tiến

LSO- Vĩnh Tiến là xã vùng III của huyện Tràng Định, nằm cách trung tâm thị trấn Thất Khê gần 30 km, với trên 95 % dân số là dân tộc Dao. Người Dao nơi đây vẫn còn lưu giữ được rất nhiều nét văn hóa độc đáo, từ tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán đến các làn điệu dân ca truyền thống. Trong đó, nổi bật là làn điệu Páo dung.

Trải qua thời gian dài với nhiều thăng trầm, đến nay những làn điệu Páo dung của người Dao xã Vĩnh Tiến vẫn được giữ gìn và phát triển bởi các thế hệ, trong xã không thiếu những giọng ca “gạo cội” mà tuổi hát gần bằng tuổi đời. Nghệ nhân Triệu Thị Sinh, 83 tuổi, ở thôn Phiêng Sâu, xã Vĩnh Tiến là một người như thế, bà cho biết: Theo tiếng nói của dân tộc Dao, Páo dung có nghĩa là ca hát, hát Páo dung là phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày. Giai điệu Páo dung của các nhóm (người Dao) có sự khác nhau tương đối nên giữa các nhóm rất khó đối đáp với nhau.

Tại Lạng Sơn có 4 nhóm Dao chính: Thanh Y, Lù Gang, Lù Đạng và Dao Đỏ. Riêng người Dao ở Vĩnh Tiến, 100% đều thuộc nhóm Dao Đỏ. Cách hát của người Dao Đỏ nơi đây cũng khác  so với lối hát của những nhóm Dao khác, giai điệu Páo dung của người Dao Đỏ xã Vĩnh Tiến du dương, trầm bổng, nhịp phách rõ ràng, khác với lối hát của người Dao Lù Gang ở Công Sơn, Mẫu Sơn trầm buồn; của Dao Thanh Y Bắc Sơn âm điệu kéo dài, nhịp phách không rõ ràng.

Nghệ nhân hát Páo dung người Dao xã Vĩnh Tiến, huyện Tràng Định truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ

Bà Triệu Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiến cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Dao gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, đặc biệt là làn điệu Páo dung được xã hết sức chú trọng. Hằng năm, xã thường xuyên tổ chức hát Páo dung ở mỗi thôn, xã, liên xã; đồng thời khuyến khích đưa các tiết mục hát Páo dung vào biểu diễn trong những dịp kỷ niệm, lễ hội, ngày hội của thôn, xã và mỗi gia đình…

Hiện nay, mặc dù tại 9 thôn của xã Vĩnh Tiến đều có người biết hát Páo dung, nhưng số người biết hát ngày càng ít, chủ yếu là người lớn tuổi (từ 50 – 80 tuổi). Bởi ca từ của các bài Páo dung học rất khó, mỗi bài hát thường ít lời nhiều ý, đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc. Vì thế, nhiều bạn trẻ khi học hát Páo dung, chỉ biết hát chứ không thể dịch lời. Mặt khác, do sự phát triển nhanh của xã hội, dân ca của người Dao ở Vĩnh Tiến nói riêng, ở Tràng Định và tỉnh Lạng Sơn nói chung đang có nguy cơ bị mai một.

Từ thực tế đó, dẫn đến nhu cầu cấp thiết hiện nay, đó là việc mở lớp dạy hát dân ca cho bản người Dao.Vì vậy, mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND xã Vĩnh Tiến mở lớp truyền dạy, bảo tồn và phát triển các làn điệu Páo dung đúng với truyền thống và theo nguyện vọng của người dân. Lớp truyền dạy có 46 học viên, thuộc nhiều lứa tuổi từ 13 đến 50 tuổi là cán bộ và nhân dân ở  xã Khánh Long và Vĩnh Tiến.

Trong số những người được truyền dạy hát Páo dung có những người trẻ tuổi. Em Hoàng Thị Phương Lan, học sinh lớp 9, Trường THCS Vĩnh Tiến cho biết: Em yêu thích hát Páo dung từ rất lâu rồi. Mới đây, em được học hát Páo dung tại lớp học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhờ thế đến nay, em có thể hiểu và hát được nhiều điệu hát, cách biểu diễn cũng rất tự tin.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và tạo thêm nhiều không gian văn hóa nuôi dưỡng, phát triển niềm đam mê Páo dung, UBND xã Vĩnh Tiến đã có kế hoạch thành lập câu lạc bộ bảo tồn văn hóa của xã, khuyến khích người dân duy trì những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, trong đó có hát Páo dung. Hy vọng, với những việc làm thiết thực của cấp ủy, chính quyền cơ sở và sự quan tâm sát sao của các ngành chức năng, làn điệu Páo dung sẽ ngày một phát triển.

Tuy khác nhau về giai điệu và nhịp phách nhưng cách hát của các nhóm Dao đều có điểm chung, đó là chia thành 3 loại hình: Páo dung sinh hoạt (hát giao duyên, hát ru, hát đồng dao, hát răn dạy); Páo dung lễ nghi, tín ngưỡng – phong tục (hát trong đám cưới, hát trong lễ cấp sắc, hát trong đám tang, vào nhà mới…); Páo dung lao động sản xuất, nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo. Giá trị văn hóa lớn của hát Páo dung chính là định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
TUYẾT MAI