Thứ sáu,  20/09/2024

Cao Lộc: Gìn giữ bản sắc văn hóa trong trường học

LSO- Mặc trang phục dân tộc, hát dân ca, múa sư tử mèo dân tộc Tày, Nùng… là một trong những nội dung giáo dục quan trọng ở các trường học trên địa bàn huyện Cao Lộc. Qua đó, giúp học sinh vừa tiếp thu những tiến bộ xã hội, vừa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc ở huyện vùng cao biên giới.

Chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới với nhiều công việc bề bộn nhưng các thầy, cô Trường Tiểu học xã Hòa Cư không quên nhắc nhở phụ huynh kiểm tra lại trang phục truyền thống dân tộc cho học sinh để mặc đúng vào dịp khai giảng. Những bộ trang phục đó là do nhà trường đặt may làm đồng phục với sự tư vấn của các bậc phụ huynh sao cho vừa đảm bảo tiện lợi cho các em trong học tập, sinh hoạt ở trường, lớp, vừa gìn giữ bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.

Cô Bạch Thị Lưỡng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hòa Cư cho biết: Với đặc thù của một xã vùng cao, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, hằng năm, nhà trường đã phối hợp đặt may trang phục dân tộc làm đồng phục để giáo dục các em về bản sắc văn hóa của dân tộc. Cùng với đó, tháng nào nhà trường cũng mời các nghệ nhân đến truyền thụ văn hóa, hướng dẫn thầy cô và học sinh học hát sli, lượn, gảy đàn tính, múa sư tử, chơi trò chơi dân gian…

Học sinh Trường Tiểu học xã Hòa Cư học hát then, đàn tính

Cùng dự một lớp học hát then của nhà trường, chúng tôi cảm nhận được sức lan tỏa của văn hóa truyền thống qua sự say mê của thầy và trò. Em Hứa Thúy Nga, học sinh lớp 5A1 cho biết: Là người dân tộc Tày, nhưng trước kia em không biết nhiều về trang phục truyền thống và các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Được các nghệ nhân truyền đạt, em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các nghi lễ, phong tục truyền thống, được trực tiếp trải nghiệm các điệu múa, lời hát, chơi những trò chơi dân gian. Em tự hào và vui vì những nét văn hóa đó đang được lưu giữ, phát triển.

Cùng với Trường Tiểu học xã Hòa Cư, rất nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Cao Lộc đã đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cao Lộc cho biết: Trong sự phát triển chung của đất nước, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường và tiếp cận nhiều kiến thức văn hóa mới, nhưng lại ít có điều kiện tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, dẫn đến nguy cơ văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số dần mai một. Trước thực trạng trên, đơn vị đã chỉ đạo các trường tăng cường các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của học sinh, phụ huynh và nhân dân trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, các trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: phát động phong trào sưu tầm ảnh về trang phục, nhạc cụ, văn hóa lễ hội để trưng bày trong khuôn viên trường; tích hợp nội dung tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc thiểu số trong các tiết học trên lớp; tổ chức các trò chơi dân gian trong giờ nghỉ. Cao Lộc hiện có 17 trường đã đưa giáo dục văn hóa truyền thống vào giảng dạy với hơn 4.610 học sinh hưởng ứng, tham gia. Tiêu biểu như: Trường Tiểu học xã Hòa Cư, Trường Tiểu học thị trấn Đồng Đăng, Trường THCS xã Gia Cát… Điều đáng nói là sau khi được học ở nhà trường, học sinh đã mạnh dạn tham gia các CLB, biểu diễn ở các ngày lễ của đất nước, địa phương như: mừng Đảng, mừng xuân; ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc của xã; ngày hội đại đoàn kết toàn dân…

Việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường học sinh không những được tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình mà còn biết được văn hóa, tập quán các dân tộc khác, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại cũng như bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa tại địa phương.

TUYẾT MAI