Thứ sáu,  20/09/2024

Ngành y tế Lạng Sơn: Xây dựng đội ngũ thầy thuốc “sáng về y đức, giỏi về y thuật”

(LSO) – Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã có bước tiến quan trọng góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Có được kết quả đó là do ngành đã chú trọng phát triển đội ngũ thầy thuốc “sáng về y đức, giỏi về y thuật”.

Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Nói đến y đức là nói tới yếu tố con người. Nâng cao y đức thì cần tới 2 yếu tố: tài năng và cái tâm của người thầy thuốc. Xác định tầm quan trọng đặc biệt của y đức đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong những năm qua, ngành y tế tỉnh đã có nhiều biện pháp tăng cường y đức cho đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế ở tất cả các tuyến. Các phong trào thi đua của ngành đều gắn liền với việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế trong công việc; từ thái độ ứng xử, chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, đó là nhiệm vụ xuyên suốt.

Hiện nay, toàn ngành y tế có trên 3.500 cán bộ, trong đó có gần 800 bác sỹ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được ngành quan tâm, trung bình hằng năm, ngành đã có từ 40 đến 60 cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học, hơn 60 cán bộ đào tạo đại học. Vì vậy, chất lượng khám chữa bệnh ngày một nâng cao. Trong năm 2018, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh đã triển khai được 6 kỹ thuật cao; 90,9% trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện tối thiểu 70% danh mục kỹ thuật; toàn ngành đã có 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 52 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở được triển khai.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tràng Định chăm sóc bệnh nhân tại Khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện

Bên cạnh việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, việc thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh được các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện. Ông Phan Thanh Huy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh  cho biết: BVĐK hiện có hơn 700 cán bộ, công chức, người lao động, những năm qua, vấn đề nâng cao y đức luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện đặc biệt coi trọng. Hằng năm, bệnh viện đều tổ chức nhiều lớp tập huấn về tâm lý y học, kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử, mở hòm thư góp ý, tổ chức họp bệnh nhân để nghe bệnh nhân góp ý hoàn thiện quá trình điều trị, chấn chỉnh kịp thời các hành vi, biểu hiện xấu của các cán bộ. Ban giám đốc bệnh viện luôn quán triệt xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ vi phạm 12 điều y đức và chuẩn quy tắc ứng xử do Bộ Y tế ban hành. Đội ngũ y, bác sỹ của bệnh viện đã làm chủ được nhiều kỹ thuật điều trị phức tạp, ca bệnh nặng, hiểm nghèo mang lại niềm vui cho nhiều gia đình. Năm 2018, đơn vị đã phát triển thêm 16 kỹ thuật mới phục vụ công tác chuyên môn; tỷ lệ chẩn đoán và điều trị hợp lý luôn đạt trên 90%; điểm chất lượng bệnh viện năm 2018 theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế đạt 3,54 điểm (tăng 0,27 điểm so với năm 2017).

Điều nhận thấy rõ nhất của việc nâng cao y đức chính là sự hài lòng của bệnh nhân khi phải đến  bệnh viện. Họ được đối xử, quan tâm tận tình chu đáo. Ông Vy Văn Thắng, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc điều trị tại Khoa Nội I, BVĐK tỉnh cho biết: Tôi nhập viện do bị tai biến mạch máu não; tại đây tôi được các y, bác sỹ quan tâm và chăm sóc tận tình. Đặc biệt, tôi còn được các bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống, cách chăm sóc sức khỏe tại nhà nên tôi thấy hài lòng.

Thầy thuốc là nghề có tính đặc thù, có tính nhân văn sâu sắc; được đào tạo, thử thách, rèn luyện khắc nghiệt, môi trường làm việc căng thẳng, tính rủi ro nghề nghiệp cao. Thực tế, nhiều bệnh nhân do bệnh tình quá nặng, mặc dù các bác sỹ đã cố hết sức nhưng cũng không cứu chữa được. Một số trường hợp người nhà bệnh nhân không hiểu, lại có thái độ lỗ mãng, quy cho bác sỹ là tắc trách trong công việc… Do đó, cùng với việc nâng cao y đức của ngành y tế thì mỗi người bệnh, người nhà của bệnh nhân cũng cần có sự hiểu biết và ứng xử có văn hóa đối với các bác sỹ, nhân viên y tế.

TRIỆU THÀNH