Thứ sáu,  20/09/2024

Bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các trường học

(LSO) – Trước vụ việc hơn 200 học sinh ở tỉnh Bắc Ninh nhiễm sán lợn (trong thời gian vừa qua) và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế tỉnh đã triển khai những biện pháp quyết liệt để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

     Đẩy mạnh thanh, kiểm tra

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 757 bếp ăn bán trú, nội trú trường học. Để đảm bảo ATVSTP ngành y tế tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng cường thanh, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tập trung vào các trường nội trú, bán trú có bếp ăn tập thể.

Ông Phạm Công Anh, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP, Sở Y tế  cho biết: Thời gian qua, chi cục thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm ở các trường học có bếp ăn bán trú, nội trú. Năm 2018, chúng tôi đã tổ chức thanh kiểm tra 56 bếp ăn tập thể. Trước thực trạng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 15/3/2019, chi cục đã ban hành Kế hoạch số 126/QĐ-ATTP về việc kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và sau đó sẽ mở rộng thanh kiểm tra bếp ăn tập thể ở các huyện.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm tại bếp ăn Trường PTDT nội trú tỉnh

Theo kế hoạch từ ngày 18/3 đến 14/4/2019, Chi cục ATVSTP tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra tại 20 trường mầm non và tiểu học có bếp ăn bán trú trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Tính đến hết ngày 21/3/2019, Thanh tra chi cục đã phối hợp tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát các quy định về điều kiện ATVSTP, test nhanh bát đĩa, công cụ chế biến món ăn ở 11 trường học có bếp ăn tập thể, lấy 44 mẫu thực phẩm gửi Viện Côn trùng và Ký sinh trùng kiểm nghiệm.

     Tăng cường tuyên truyền

Trước thông tin hàng trăm trẻ mầm non ở tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn, ngành giáo dục và đào tạo Lạng Sơn đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường các biện pháp đảm bảo ATVSTP, kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu đến chế biến, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ.

Nhân viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn) chuẩn bị bữa ăn cho trẻ

Bà Hoàng Kim Lưu, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 8/3 (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Cơ thể trẻ em rất dễ bị tổn thương bởi các yếu tố có hại của ngoại cảnh. Vì thế chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo vệ sinh trường lớp, VSATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Nhờ triển khai kịp thời các biện pháp đảm bảo ATVSTP trong các cơ sở giáo dục, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào ở các cơ sở giáo dục. Bà Ngô Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Trong quá trình tổ chức bữa ăn ở trường, chúng tôi luôn cố gắng lựa chọn thực đơn, phối hợp đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm cung cấp cho nhà bếp. Nhờ đó, đến nay, nhà trường vẫn duy trì số lượng trẻ em bán trú, cha mẹ vẫn hoàn toàn tin tưởng vào bữa ăn của nhà trường.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ thì sự cố gắng của các cán bộ ngành giáo dục thôi chưa đủ mà cần có sự quan tâm, vào cuộc của các bậc cha mẹ. Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo: Sức khỏe của trẻ chịu ảnh hưởng bởi kiến thức và hành vi của người chăm sóc trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh và cán bộ, nhân viên các trường học cần lựa chọn thực phẩm kỹ càng, chế biến, bảo quản thực phẩm đúng quy trình cũng như thực hành vệ sinh khi chế biến thực phẩm tại trường học và gia đình để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

MINH NGỌC