Thứ sáu,  20/09/2024

Nắng nóng, Lai Châu và Yên Bái liên tiếp cháy rừng

Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng, tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng.

Nắng nóng, Lai Châu và Yên Bái liên tiếp cháy rừng

Cháy rừng ở Lai Châu.

 

Từ chiều 18 đến hết sáng 20-4, trên địa bàn tỉnh Lai Châu liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng, cháy thảm cỏ thảm thực vật tại các xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên; Nậm Manh, Nâm Ban, huyện Nậm Nhùn; Ma Quai, huyện Sìn Hồ và Nùng Nàng, huyện Tam Đường.

Ngay sau sau khi phát hiện có cháy, chính quyền tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các huyện, huy động hơn 1500 lượt người tham gia dập lửa. Các đám cháy cơ bản đều được khống chế và dập tắt sau từ 3 đến 5 giờ, nên lửa không gây thiệt hại nhiều về rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm Lai Châu, hiện cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân dẫn đến các đám cháy, đồng thời thống kê diện tích cụ thể các đám cháy.

Được biết, trước diễn biến thời tiết nắng nóng những ngày qua, tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các địa phương duy trì chế độ trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ; thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống cháy rừng tại các huyện, thành phố; chủ động các phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng để sẵn sàng sử dụng khi có cháy rừng xảy ra.

* Do ảnh hưởng của nắng nóng và gió tây thổi mạnh, tại các bản Sáng Pao xã Xà Hồ, Pá Khoang xã Túc Đán và bản Mông Si xã Bản Mù thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã xảy ra cháy rừng.

Ông Vũ Trọng Huân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu cho biết: Ngay sau khi phát hiện đám cháy, lực chức năng phối hợp với chính quyền địa phương huy động gần 1.000 người tham gia chữa cháy.

Sáng 20- 4, huyện Trạm Tấu đã huy động 100 người là cán bộ và nhân dân của xã Hát Lừu tham gia chữa cháy tại xã Xà Hồ. Lực lượng cứu hộ đã tham gia phát dọn đường băng cản lửa và áp dụng các biện pháp chữa cháy khẩn cấp để giảm tối đa các thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Đến trưa cùng ngày, các đám cháy đã cơ bản được khống chế, không để lây lan trên diện rộng. Diện tích rừng bị cháy chủ yếu là cây bụi và lau lách, không ảnh hưởng đến diện tích rừng trồng và rừng khoanh nuôi tái sinh.

Theo Nhandan