Thứ sáu,  20/09/2024

Cần tăng cường quản lý việc nuôi súc vật

LSO-Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc thương tâm do chó cắn, tấn công gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí có nạn nhân đã tử vong. Đối với Lạng Sơn, tình trạng người dân bị chó cắn cũng thường xuyên xảy ra. Thực tế này đòi hỏi cần quản lý chặt chẽ hơn nữa việc nuôi thú trong các gia đình.


Chó thả rông không rọ mõm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Nhớ lại sự việc đau lòng của đứa trẻ 7 tuổi (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, Hưng Yên) bị đàn chó thả rông của chủ nhà trọ tấn công tử vong cách đây chừng nửa tháng, mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng. Ngay tiếp sau đó, lại có thêm 2 cha con (ở xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) tử vong vì mắc bệnh dại do bị chó cắn… Ngoài ra, trên địa bàn cả nước còn rất nhiều trường hợp  khác bị chó tấn công gây thương tích.

Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay có 1.016 người bị chó cắn đi tiêm phòng vắc xin dại và 40 người tiêm kháng huyết thanh dại. Đây chỉ là số liệu được thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về số người bị chó cắn đi tiêm phòng vắc xin, còn con số thực tế khó có thể thống kê, vì nhiều người bị chó cắn nhưng không đi tiêm phòng.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các khu vực dân cư, công cộng, tình trạng chó thả rông, không rọ mõm hoặc không có người dắt còn phổ biến. Chính từ sự bất cẩn này đã gây ra nhiều trường hợp bị chó tấn công dẫn đến hậu quả thương tâm, đau lòng.

Cuối tháng 3/2019, ông Hà Văn Mậu, thôn Lũng Mần, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng bị chó nhà hàng xóm cắn. Ngay sau đó, ông đã đến Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng để tiêm phòng. Nhớ lại câu chuyện này, ông vẫn chưa hết bàng hoàng: Vào buổi tối, tôi sang nhà hàng xóm chơi, thấy con chó nằm ngoài sân không sủa thế nhưng khi bước đến gần thì bị nó cắn vào chân mà không kịp phản ứng. Rất may là con chó chỉ cắn vào chân một nhát xong bỏ chạy chứ không tấn công tiếp.

Thực tế cho thấy, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương hơn. Bởi trẻ em thích đùa nghịch với vật nuôi, dễ bị tấn công và thường bị thương ở các vị trí nguy hiểm như đầu, cổ và mặt. Nguy hiểm là vậy, nhưng công tác quản lý, đăng ký vật nuôi trong gia đình hiện nay chưa chặt chẽ. Hiện có nhiều quy định về chăn nuôi chó, mèo như quy định trong Luật Chăn nuôi, một số nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đó, khi muốn nuôi động vật như chó, mèo, người dân phải đăng ký với trưởng thôn để lập danh sách, trình UBND cấp xã, phường cấp sổ quản lý. Vật nuôi thường xuyên xích, nuôi nhốt trong nhà, không được thả rông. Khi dắt chó đi dạo nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm; phải được tiêm phòng hằng năm…

Quy định là vậy, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, số lượng chó mèo đăng ký quản lý và tiêm phòng còn bị người dân bỏ ngỏ hoặc số ít người đăng ký chủ yếu là ở khu vực thị trấn, thành phố…

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện nay có khoảng 135.000 con chó, mèo. Hằng năm, vào trung tuần tháng 4, Chi cục Thú y triển khai thực hiện tiêm phòng toàn tỉnh. Thế nhưng tỷ lệ số chó, mèo được tiêm chỉ chiếm khoảng từ 30 – 35%, do chủ vật nuôi không đăng ký tiêm.

Việc sở hữu những chú chó, mèo hay những vật nuôi khác hiện nay rất dễ dàng và hầu như không qua đăng ký hay khai báo. Công tác phòng bệnh cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Do đó, để tránh những hệ lụy đáng tiếc, thiết nghĩ, các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, siết chặt quản lý việc nuôi súc vật trong các gia đình.

ĐĂNG THÙY