Thứ sáu,  20/09/2024

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Bách: “Kho” tư liệu ảnh quý về Lạng Sơn

(LSO) – Khi nói về nhiếp ảnh Lạng Sơn, dường như ai cũng biết nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Vũ Bách, bởi ông không chỉ là tên tuổi gạo cội của làng nhiếp ảnh Xứ Lạng mà còn là tác giả của hầu hết những bức ảnh tư liệu quý về Lạng Sơn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

NSNA Vũ Bách sinh ngày 10/5/1934, quê ở Trực Ninh (Nam Định) nhưng ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên cương Xứ Lạng. Ông đã có nhiều năm là phóng viên Báo Lạng Sơn; là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn; được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP), Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) từ rất sớm. Với niềm đam mê chụp ảnh và ý thức việc lưu giữ hình ảnh của những năm tháng đã qua, ông đã ghi lại hầu hết những sự kiện chính trị, thời sự quan trọng của tỉnh; cuộc sống lao động và chiến đấu sôi nổi, hào hùng của nhân dân Lạng Sơn thời kỳ chống Mỹ cứu nước một cách chân thực và sống động. Bắt đầu  từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Bách xem những bức ảnh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ

Xem những bức ảnh của ông, trước hết chúng ta thấy nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Hồ Chủ tịch hết sức sôi nổi. Đó là những lá đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu của thanh niên; hình ảnh Tiểu đoàn Bắc Sơn 1, Bắc Sơn 2 tích cực luyện tập, lên đường vào Nam chiến đấu; cảnh tiễn đưa người thân lên đường ra tiền tuyến… Năm 1965, khi cảng Hải Phòng bị phong tỏa bằng thủy lôi, Lạng Sơn trở thành “Cảng nổi” tiếp nhận hàng hóa viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa. Tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn bị ném bom phá hoại, khu vực thị trấn Đồng Mỏ trở thành một trong những “túi bom” của miền Bắc. Là phóng viên chiến trường, NSNA Vũ Bách đã không quản ngại khó khăn gian khổ, thậm chí hiểm nguy đến các vùng bị giặc Mỹ đánh phá để ghi lại hiện thực nóng bỏng, khốc liệt đó. Những bức ảnh: Cặp Mèo (Đồng Mỏ) bị ném bom hủy diệt tan hoang cuối năm 1972; những con đường giao thông trên tuyến quốc lộ 1A ở Chi Lăng bị bom đạn cày xới; những quả bom tấn máy bay Mỹ ném xuống khu vực ga Đồng Mỏ… đã được ông ghi lại rất kịp thời, chân thực. Bên cạnh đó là hình ảnh thanh niên xung phong Lạng Sơn N57 hăng hái, khẩn trương san lấp hố bom; Ty Giao thông, Thủy lợi  mở những cung đường mới ở vùng trọng điểm để đảm bảo giao thông thông suốt; cảnh giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ…

Không chịu khuất phục trước kẻ thù, quân dân Lạng Sơn đã anh dũng chiến đấu, giáng trả quân xâm lược những đòn thích đáng. Ống kính của NSNA Vũ bách đã thể hiện được rất rõ nét tinh thần đó qua những bức ảnh: huấn luyện bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh tại trận địa, dân quân tự vệ bắn máy bay Mỹ, cảnh giới phòng không; phụ nữ Lạng Sơn tay cày tay súng, chiếm lĩnh trận địa đón bắt phi công Mỹ… Không khí thời chiến của Lạng Sơn cũng đã được ông diễn tả rất sinh động qua ống kính. Đó là các phong trào thi đua trong lao động sản xuất và chiến đấu như: phong trào phụ nữ “ba đảm đang”, thanh niên “ba sẵn sàng”,  phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, làm thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp; vì miền Nam ruột thịt… Đặc biệt ông là chủ nhân duy nhất của những bức ảnh quý về phong trào kết nghĩa Bắc – Nam, Lạng Sơn – Đăk Lăk bao gồm các cuộc đến thăm Lạng Sơn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, của đoàn đại biểu chính quyền, thanh niên, phụ nữ Đăk Lăk – tỉnh kết nghĩa với Lạng Sơn từ năm 1961; cuộc sống sinh hoạt, học tập của con em học sinh miền Nam trên đất Lạng Sơn những năm sơ tán, nhân dân Lạng Sơn mít tinh chống Mỹ Diệm ủng hộ đồng bào miền Nam… Qua những bức ảnh tư liệu của ông, chúng ta còn thấy tình cảm thắm thiết, sâu nặng của các nước xã hội chủ nghĩa anh em đối với nhân dân Lạng Sơn thời chống Mỹ. Đó là những bức ảnh lãnh đạo tỉnh đón đoàn Mông Cổ viện trợ kinh tế cho Lạng Sơn tại ga Kỳ Lừa năm 1960; cảnh giải tỏa hàng hóa viện trợ, chuyên gia Trung Quốc giúp đỡ Lạng Sơn xây dựng các công trình thủy lợi…

Ông cũng rất chú tâm ghi lại thành tích chiến đấu, những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu của quân dân Lạng Sơn: xạ thủ Hồ Văn Tài – người lập chiến công đầu bắn rơi máy bay Mỹ ở Lạng Sơn; chiến sĩ Nông Văn Nghi tháo ngòi nổ phá bom giặc Mỹ ném xuống đường sắt gần ga Đồng Mỏ; cờ luân lưu Hồ Chủ tịch, Quân khu Việt Bắc trao cho Lạng Sơn về thành tích bắn rơi máy bay Mỹ… Khép lại cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Lạng Sơn, ông có những bức ảnh nhân dân Lạng Sơn hân hoan mừng đất nước giải phóng trong ngày 30/4/1975 với những dòng người đi trên cầu Kỳ Cùng, múa lân trên phố… Những thời khắc lịch sử đó đã được “tạc” vĩnh viễn vào những bức ảnh tư liệu giàu tính biểu cảm, có nội dung tư tưởng sâu sắc của ông.

NSNA Vũ Bách cho biết: Ảnh thời kỳ này của ông đã được Báo Lạng Sơn và các báo trung ương như: Thông tấn xã Việt Nam, Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tiền phong, Cứu quốc (tiền thân của báo Đại đoàn kết ngày nay)… sử dụng rộng rãi. Một số bức ảnh đã tham gia triển lãm ở khu vực, trong và ngoài nước, được trao giải như bức “Khoan dung” chụp năm 1967 (giải thưởng triển lãm ảnh quốc tế năm 1973 tại Liên Xô cũ), “Sức sống trong vùng hủy diệt” (Giải thưởng triển lãm ảnh quốc tế các nước xã hội chủ nghĩa)… Ở địa phương, ảnh của ông được lưu giữ, trưng bày trong Bảo tàng tỉnh, phòng truyền thống của các ban ngành, in trong các ấn phẩm của tỉnh như: “UBND tỉnh Lạng Sơn qua các thời kỳ 1945 – 2005”, “Lạng Sơn 70 năm thi đua yêu nước 1948 – 2018”…

Năm 1995, ông đã vinh dự được UBND tỉnh trao tặng giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ lần thứ nhất. Tháng 3/2019 vừa qua, ông đã được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vinh danh là nghệ sĩ có trên 40 năm đóng góp cho sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam.

Xem những bức ảnh thời kỳ chống Mỹ cứu nước của ông, ta như lật giở những trang sử vẻ vang của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, như được sống lại cùng những năm tháng hào hùng đã qua của quê hương đất nước.

Chu Quế Ngân (Bảo tàng tỉnh)