Thứ sáu,  20/09/2024

Đảm bảo an toàn lao động tại các doanh nghiệp: Nỗ lực của tổ chức công đoàn

(LSO) – Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho công nhân, lao động (CNLĐ). Vì vậy, thời gian qua, các cấp công đoàn đã quan tâm thực hiện tốt công tác này với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo sức khỏe cho CNLĐ.

Toàn tỉnh hiện có 42.600 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, trong đó có hơn 5.160 đoàn viên, CNLĐ sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp. Bà Bế Thị Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATVSLĐ, cùng với việc chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng của CNLĐ, LĐLĐ tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp công đoàn làm tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ, nhất là ở khu vực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong đó có nhiều biện pháp thiết thực như: tuyên truyền, tập huấn, phối hợp thanh kiểm tra, phát động phong trào thi đua “xanh – sạch – đẹp, đảm bảo ATVSLĐ” và tổ chức biểu dương khen thưởng CNLĐ có thành tích, phát động Tháng hành động về ATVSLĐ.

Nhân viên Công ty Cổ phần chợ Lạng Sơn kiểm tra thiết bị chữa cháy tại khu vực chợ Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn)

Theo đó, công tác đảm bảo ATVSLĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được LĐLĐ tỉnh đưa vào kế hoạch triển khai công tác hằng năm. Trên cơ sở đó, LĐLĐ tỉnh, các huyện, thành phố, công đoàn ngành đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định của pháp luật về ATVSLĐ cho chủ doanh nghiệp và CNLĐ. Từ năm 2018 đến nay, các cấp công đoàn đã tổ chức được 17 lớp tập huấn nghiệp vụ công đoàn, trong đó có nội dung về ATVSLĐ cho hơn 1.800 lượt cán bộ tham gia; in và cấp phát 25.500 tờ rơi về Bộ luật Lao động và Luật ATVSLĐ.

Nhờ đó, cán bộ các công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo hộ lao động, tích cực tham mưu, phối hợp giám sát triển khai thực hiện. Ông Mã Văn Khiển, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Thành Long (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Hằng năm, Ban Chấp hành CĐCS chủ động xây dựng kế hoạch, đưa nội dung bảo hộ lao động vào thỏa ước lao động tập thể. Căn cứ vào đó, CĐCS phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ đảm bảo ATVSLĐ như: cấp phát quần áo bảo hộ cho công nhân (2 bộ mùa đông, 2 bộ mùa hè); tập huấn về ATVSLĐ cho đội ngũ ATVS viên; bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị, cải thiện môi trường làm việc…

Đi đôi với tuyên truyền, giám sát của cán bộ CĐCS ở các đơn vị, các cấp công đoàn còn thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thanh, kiểm tra các doanh nghiệp về tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ. Từ năm 2018 đến đầu tháng 5/2019, LĐLĐ tỉnh đã tham gia đoàn thanh, kiểm tra tại 18 doanh nghiệp. Trong quá trình thanh kiểm tra, cán bộ LĐLĐ tỉnh đã nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị khắc phục các hạn chế, thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động.

Cùng với đó, các cấp công đoàn đã tổ chức phát động phong trào thi đua “Xanh – sạch – đẹp, đảm bảo ATVSLĐ” và tổ chức bình xét, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc. Mặt khác, Tháng hành động về ATVSLĐ (tháng 5 hằng năm) là dịp để tổ chức công đoàn tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc. Tại lễ phát động Tháng công nhân, tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 và 2019, toàn tỉnh có 179 CNLĐ được UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, kinh doanh và hoạt động phong trào.

Qua đó, người sử dụng lao động và CNLĐ ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATVSLĐ và dành thời gian nhiều hơn cho công tác này. Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật (huyện Cao Lộc) cho biết: Đảm bảo ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty. Do đó, bình quân mỗi năm chúng tôi dành khoảng 400 triệu đồng cho công tác này với từng nội dung cụ thể như: trang bị quần áo bảo hộ lao động cho cán bộ, CNLĐ theo từng vị trí làm việc; kiểm tra nhà xưởng, máy, thiết bị để kịp thời phát hiện và khắc phục tồn tại; huấn luyện ATLĐ cho CNLĐ; cải thiện môi trường làm việc…

Thực tế trên cho thấy, cùng với các ngành chức năng, tổ chức công đoàn các cấp đã và đang triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm đảm bảo ATVSLĐ, xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh giúp cho người lao động yên tâm làm việc, lao động sản xuất hiệu quả, góp phần hạn chế tai nạn lao động, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

MINH NGỌC