Thứ sáu,  20/09/2024

Thành phố Lạng Sơn: Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

(LSO) – Năm 2017, thành phố Lạng Sơn ghi nhận 97 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Rút kinh nghiệm từ đợt dịch đó, các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố xác định phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống SXH nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Thời điểm này là thời gian cao điểm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch, chính vì vậy, công tác phòng, chống càng được tăng cường.

Đã thành thói quen, mỗi buổi sáng, bà Nguyễn Thị Hạnh, đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn đều kiểm tra các dụng cụ chứa nước, đậy nắp cẩn thận và dọn dẹp, vệ sinh nhà sạch sẽ. Bà Hạnh chia sẻ: Năm 2017, gia đình tôi có người bị mắc SXH nên tôi rất quan tâm đến công tác phòng bệnh. Nhờ được cán bộ trạm y tế phường tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã chú ý hơn đến việc vệ sinh môi trường xung quanh, lật úp các dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng, bọ gậy, không cho muỗi có nơi sinh sản và vận động bà con khu phố làm cùng.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phun thuốc diệt muỗi tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn

Không chỉ gia đình bà Hạnh, với việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ y tế các phường, xã trên địa bàn thành phố, ý thức người dân về phòng chống SXH được nâng lên rõ rệt. Y sĩ Nguyễn Hương Giang, cán bộ chuyên trách phòng chống SXH, Trạm Y tế phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Đội ngũ nhân viên y tế và cộng tác viên dân số tại từng khối phố thường xuyên tuyên truyền qua hình thức thăm hộ. Ngoài việc tư vấn chăm sóc sức khỏe, chúng tôi còn đến kiểm tra, giám sát và nhắc nhở hộ dân về tác hại và cách phòng chống bệnh SXH.

Đổi mới, đa dạng hóa hình thức truyền thông, tuyên truyền được Trung tâm Y tế (TTYT) thành phố thực hiện hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Thị Nghiệp, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT thành phố cho biết: Trung tâm đã thay đổi cách tiếp cận và tuyên truyền người dân vệ sinh môi trường quanh nơi sinh sống, loại bỏ các vật dụng đọng nước, không để muỗi phát triển. Trong 7 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã tổ chức 112 cuộc truyền thông lồng ghép tại các buổi họp thôn, khối phố cho trên 5.000 lượt người; cấp phát 765 tờ rơi về cách phòng, chống SXH cho nhân dân tại khu vực công cộng như: bến xe, nhà ga, các trường học. Ngoài tuyên truyền, đơn vị chỉ đạo cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn các gia đình cách phòng chống theo hình thức cầm tay chỉ việc.

Do làm tốt công tác tuyên truyền cùng với sự chủ động của người dân, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố không có trường hợp bị mắc SXH. Mặc dù vậy, các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố không chủ quan, lơ là trong phòng, chống SXH. Theo Trung tâm Y tế thành phố, hiện nay bước vào những tháng cao điểm, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch SXH.Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận trên 105.000 ca SXH, trong đó có 10 trường hợp tử vong.

Chính vì vậy, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân, lãnh đạo TTYT thành phố yêu cầu các trạm y tế xã, phường tăng cường giám sát dịch; chuẩn bị thuốc, hóa chất và phương tiện sẵn sàng phòng, chống khi phát sinh dịch bệnh; tổ chức giám sát chặt chẽ các ổ dịch bệnh cũ của năm 2017 tại khối 6, 8 của phường Hoàng Văn Thụ và khối 4, phường Tam Thanh.

“Để phòng chống bệnh SXH hiệu quả, ngoài nỗ lực của đơn vị y tế, người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình” –  Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT thành phố khuyến cáo.

TRIỆU THÀNH