Thứ bảy,  21/09/2024

Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới: Đa dạng hình thức tuyên truyền

(LSO) – Những năm qua, cùng với việc xây dựng các chính sách, chương trình, dự án về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG), các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, góp phần vào công tác truyền thông tại cơ sở.

Bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG) là một vấn đề mang tính toàn cầu, xảy ra ở mọi xã hội, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy: 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nguyên nhân căn bản của BLTCSG là sự bất bình đẳng về quyền lực, về tiếng nói và sự kiểm soát nguồn lực giữa nam giới và phụ nữ, mặc dù các yếu tố khác như: lạm dụng chất gây nghiện và sức ép kinh tế cũng góp phần làm gia tăng tình trạng bạo lực giới.

Tại tỉnh Lạng Sơn, theo số liệu tổng hợp từ Sở VHTT&DL năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 205 vụ bạo lực gia đình tại 184 hộ. Hình thức bạo lực chủ yếu là bạo lực về thân thể (140 vụ), 28 vụ bạo lực tinh thần, 2 vụ bạo lực tình dục, 35 vụ bạo lực về kinh tế. Đối tượng gây ra bạo lực có 194 nam, 11 nữ.

Một tiểu phẩm tuyên truyền về vấn đề gia đình ép con gái kết hôn với người nước ngoài mong cơ hội đổi đời tại Hội thi “Kiến thức về bình đẳng giới và hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài” (tháng 11/2019)

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức đồng bộ các giải pháp tuyên truyền nhằm triển khai các văn bản, quy định liên quan đến phòng, chống BLTCSG tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đồng thời hằng năm ban hành kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sở, ngành, địa phương, đoàn thể tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về phòng chống BLTCSG.

Đáng chú ý, năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Vụ BĐG, Bộ LĐTB&XH tổ chức hội thi “Kiến thức về bình đẳng giới và hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài” vào tháng 11/2019 thu hút 60 người thuộc 10 đội thi của thành phố Lạng Sơn và huyện Đình Lập tham gia. Hội thi đã mang đến nhiều kiến thức liên quan đến phòng chống BLTCSG, các vấn đề về BĐG, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài. Không chỉ là những kiến thức tuyên truyền khô khan, mà thông qua các tiểu phẩm sân khấu hóa, các vấn đề trong thực tế đời sống đã được đưa vào để tuyên truyền, tạo sức hấp dẫn và tăng hiệu quả tuyên truyền.

Là thí sinh của Đội thi phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, bà Nguyễn Thị Đoài, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khối 7+10 phường Đông Kinh cho biết: Tham gia hội thi đội đã nỗ lực chuyển tải lên sâu khấu tiểu phẩm “Vợ ơi, anh đã hiểu rồi”, nói về việc dù con gái hay con trai thì các gia đình cũng nên coi trọng và nuôi dạy cho tốt, để các con được đối xử bình đẳng, được học tập và phát triển như nhau.

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ BĐG, Bộ LĐTB&XH cho biết: Hội thi tổ chức lần đầu tại tỉnh Lạng Sơn nên chưa có nhiều đội tham gia nhưng đã rất thành công khi gửi gắm được rất nhiều thông điệp ý nghĩa. Trong đó đã phổ biến được các chính sách, pháp luật về BĐG, phòng chống bạo lực gia đình đến  đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là một diễn đàn chia sẻ kiến thức hiểu biết về chính sách, pháp luật về BĐG, phòng chống BLTCSG đến đông đảo nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cá nhân, cộng đồng về lĩnh vực này.

Cùng với thành công của hội thi sân khấu hóa, thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể đã vận dụng linh hoạt hoạt động tuyên truyền về công tác BĐG được lồng ghép thực hiện trong các mô hình hoạt động nhân đạo, mô hình tự quản nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân tại khu dân cư, đã tạo sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ. Điển hình như các mô hình: “Nồi cháo tình thương”, “Cơm yêu thương”, “Hòm quỹ nhân đạo”, “Đội tình nguyện viên xung kích chữ thập đỏ”, “Ngân hàng máu sống”,… thực hiện nếp sống văn minh; tham gia sinh hoạt tại thôn, khối phố, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn bản được 1.082 cuộc với 70.395 lượt người dự.

Các đơn vị sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các hoạt động CLB phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở xã, phường, thị trấn. Ông Đinh Quang Chí, Trưởng Phòng Trẻ em và BĐG, Sở LĐTB&XH cho biết: Hiện nay, các mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của BLTCSG, địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh tại cơ sở được duy trì sinh hoạt, tăng cường công tác tuyên truyền của các CLB về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và hệ thống các văn bản liên quan đến BĐG, phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình… tới người dân trên địa bàn. Thông qua hiệu quả của tuyên truyền, truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức về giới, vấn đề BĐG, bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng BLTCSG xảy ra.

Với những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, đến ngày 10/12/2019, toàn tỉnh đã giảm số vụ BLTCSG xuống còn 115 vụ, tại 112 gia đình, giảm 90 vụ so với năm 2018.

THANH HUYỀN