Thứ sáu,  20/09/2024

Hiến mô, tạng cứu người: Cần nâng cao nhận thức – xóa bỏ định kiến

(LSO) – Nhu cầu ghép mô, tạng hiện nay ở nước ta là rất lớn. Mỗi năm có hàng nghìn người bệnh cần nguồn tạng ghép. Do thiếu nguồn mô, tạng nên nhiều người đã qua đời trong thời gian chờ đợi. Nguồn tạng hiến kham hiếm là do nhận thức của người dân còn hạn chế. Tại Lạng Sơn, chủ yếu là dân tộc thiểu số sinh sống, do vậy vẫn còn nhiều rào cản về định kiến, tâm linh trong việc hiến mô, tạng.

   Sự sống được hồi sinh

Em Hà Ngọc Chi (11 tuổi – xin được giấu địa chỉ cụ thể) tại Lạng Sơn, bị mắc bệnh cơ tim giãn từ nhỏ, anh trai của Chi đã mất vì căn bệnh này. Hoàn cảnh gia đình không khá giả nên số tiền ghép tim là quá lớn đối với gia đình nhưng Chi lại cần được ghép tim sớm thì mới giữ được tính mạng. Dù khó khăn, vất vả nhưng bố mẹ Chi đã vay được hơn 700 triệu đồng cộng với số tiền 300 triệu đồng do Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh kêu gọi ủng hộ Chi để chi trả ca ghép tim. Ngày 1/10/2019, một người đàn ông (37 tuổi) bị tai nạn giao thông đã bị chết não, gia đình người đàn ông này đã quyết định hiến toàn bộ nội tạng cho Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Qua rà soát, các chỉ số của người đàn ông này trùng khớp với Chi. Ca ghép tim được tiến hành và thành công, trái tim đã đập lại trong lồng ngực của Chi. Sau 20 ngày phẫu thuật, Chi đã hồi phục sức khỏe và được ra viện. Đến nay, sau hơn nửa năm được phẫu thuật ghép tim, em đã có sức khỏe tốt, tiếp tục được đến trường với bạn bè.

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền hiến mô, tạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn

Còn trường hợp chị Trần Thị Hậu (xin giấu địa chỉ cụ thể), tại Lạng Sơn cũng rất may mắn được nhận ghép thận từ gia đình anh Trịnh Đình Vàng (sinh năm 1986), quê ở Quốc Oai, Hà Nội. Năm 2016, anh Vàng bị ngã từ tầng 2 xuống đất và bị chết não. Lúc đó, bà Cấn Thị Ngần (mẹ anh Vàng) đã quyết định hiến nội tạng, giác mạc cho Bệnh viện Quân y 103. Ngay sau khi ký vào giấy quyết định, Bệnh viên Quân y 103 đã tiến hành phẫu thuật lấy tim, 2 quả thận của anh Vàng và nhanh chóng cứu sống được 3 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, trong đó có chị Trần Thị Hậu.

Trên đây chỉ là 2 trường hợp may mắn nằm trong số hàng chục nghìn bệnh nhân của cả nước cần thay thế mô, tạng.

   Hiến mô, tạng còn nhiều rào cản

Trong 3 năm trở lại đây, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và ý nghĩa của việc hiến mô, tạng, giác mạc hoặc hiến xác cho y học. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền lồng ghép được trên 20 đợt, thu hút trên 1.000 lượt người tham gia. Tuy nhiên, việc đăng ký hiến mô, tạng vẫn còn gặp nhiều rào cản, định kiến tâm linh.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội CTĐ tỉnh, tại Lạng Sơn hiện nay mới có khoảng 100 người tham gia đăng ký hiến mô, tạng và được Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cấp thẻ.

Bà Nông Bích Thuận, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Đối với Lạng Sơn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức về hiến tặng mô, tạng còn nhiều hạn chế. Do nhận thức, quan niệm tâm linh “chết phải toàn thây”, một số lại do mặc cảm và sợ tai tiếng (sợ tai tiếng bán nội tạng người thân) nên nhiều người không có ý định hiến mô, tạng sau khi họ hoặc người thân của họ qua đời. Trong quý 3/2020, Hội CTĐ tỉnh sẽ ký kết phối hợp hoạt động với Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, hai bên sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nâng cao nhận thức hiến mô, tạng trong cộng đồng.

Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, hành vi của người dân về ý nghĩa nhân văn cao cả của việc hiến mô, tạng, tiến tới chủ động tham gia hiến mô, tạng.

Hiện nay, cả nước có 20 trung tâm ghép mô, tạng. Theo thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có hơn 6.000 người đăng ký hiến mô, tạng, nâng tổng số người hiến mô, tạng lên trên 36.000 người. Trung bình mỗi năm cả nước có trên 1.000 người cần được ghép mô, tạng để có thêm cơ hội sống. Từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến tháng 6/2020, tại Việt Nam đã có gần 5.000 ca ghép tạng. Trong đó, ghép thận hơn 4.000 ca, còn lại là các ca ghép gan, tủy, tim, phổi và các loại mô, tạng khác.

ĐĂNG THÙY