Thứ sáu,  20/09/2024

Củng cố, đổi mới giáo dục nghề nghiệp: Tác động tích cực, hiệu quả đáng mừng

(LSO) – Sau hơn 6 năm triển khai Quyết định 1379/QĐ-TTg ngày 12/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo (GDĐT) và dạy nghề các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 – 2020, công tác dạy nghề của Lạng Sơn đã có bước phát triển mới về chất và mang lại hiệu quả tốt.

   Sắp xếp, củng cố mạng lưới dạy nghề

Thực hiện Chương trình củng cố, đổi mới, phát triển các trường cao đẳng và dạy nghề của tỉnh giai đoạn 2010 – 2020, mạng lưới trường nghề trên địa bàn  tỉnh đã được nâng cấp, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nếu như năm 2014, Trường Trung cấp nghề Việt – Đức được nâng cấp đổi tên thành Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn, thì năm 2017, Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật được giải thể và sáp nhập vào Trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn. Năm 2019, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật giải thể, theo đó, 3 ngành được sáp nhập vào Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn, 10 ngành được sáp nhập vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn và đào tạo theo hướng đa ngành, trong đó có nhiều ngành ngoài sư phạm.

Học sinh thực tập nghề mộc tại Trường Cao đảng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc

Cùng với đó, năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đối với 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – giáo dục thường xuyên (GDTX). Đến nay, toàn tỉnh đã có 21 cơ sở GDNN đang hoạt động và ngày càng có hiệu quả. Trên địa bàn còn có thêm Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc và 4 cơ sở GDNN tư thục. Các trường và cơ sở này đã và đang “chung vai” với các cơ sở công lập hình thành mạng lưới dạy nghề của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và của thị trường lao động.

   Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề

Việc củng cố, sắp xếp mạng lưới, công tác quản lý Nhà nước đối với  lĩnh  vực GDNN trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc đã nâng số lượng đào tạo tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn từ dưới 8.000 học sinh năm 2015 lên trên 13.000 người năm 2019. Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Trong nhiều năm qua, nhà trường đã gắn kết đào tạo với thực tiễn lao động sản xuất, mô hình nhà trường gắn với doanh nghiệp, đào tạo gắn với giới thiệu việc làm… Sự năng động của nhà trường cùng với thực hiện các chính sách cho người học như: miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, chính sách nội trú… đã và đang tạo sức hút mạnh đối với học sinh. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo đã dần tạo nên uy tín và thương hiệu nhà trường đối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Được giao và sử dụng cơ sở vật chất của ngành GD&ĐT và ngành lao động, thương binh, xã hội, thời gian qua, các trung tâm GDNN – GDTX cấp huyện đã thực hiện tốt song song 2 nhiệm vụ: dạy chương trình bổ túc THPT, hướng nghiệp cho học sinh từ cấp THCS đến hết THPT và dạy nghề, bồi dưỡng nghề cho người lao động, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn. Bằng sự năng động trong liên kết đào tạo, các trung tâm đã thực hiện tốt mô hình đào tạo “2 trong 1” mà “đầu vào” là học sinh tốt nghiệp THCS, “đầu ra” là tốt nghiệp THPT và trình độ trung cấp nghề. Bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX Cao Lộc cho biết: Do biết liên kết với các trường nghề có uy tín, từ năm 2016 đến nay, trung tâm luôn bám sát các trường THCS trên địa bàn, tư vấn nghề nghiệp thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại trung tâm. Nhiều năm nay, trung tâm luôn dẫn đầu ngành GD&ĐT về số lượng tuyển sinh, chất lượng giáo dục văn hóa cũng như chất lượng GDNN. Năm học 2019 – 2020, trung tâm liên kết với các trường, dạy nghề trình độ trung cấp cho 295 học viên với 9 ngành nghề khác nhau theo hình thức văn hóa – nghề.

Đổi mới công tác GDNN về thực chất là đổi mới và mở rộng “đầu ra” cho giáo dục phổ thông. Thực tế hoạt động của GDNN trong 6 năm qua đã chứng minh tính đúng đắn trong cuộc “cải cách” mang tầm chiến lược. Nó không những tác động trực tiếp đến việc nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 35% năm 2011 lên 55% năm 2020, mà công tác phân luồng học sinh sau THCS ở tỉnh cũng đạt được những tiến bộ quan trọng.

MINH HỒNG