Thứ sáu,  20/09/2024

Cần thêm những công trình phù hợp với người khuyết tật

(LSO) – Trong những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách, hoạt động thiết thực để chăm lo cho người khuyết tật (NKT). Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều công trình công cộng có thiết kế phù hợp để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng.

Trong quá trình tác nghiệp tại nhiều địa phương, chúng tôi từng chứng kiến một số trường hợp NKT và người nhà của họ phải mất khá nhiều thời gian mới lên được những bậc thang của trụ sở xã, điểm giao dịch ngân hàng, hay các bến xe, ga tàu… Chị Hoàng Thị Thúy, trú tại xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc – một NKT hệ vận động chia sẻ: Chúng tôi rất ngại đến những nơi công cộng vì không có thiết kế đường dốc lên xuống cho xe lăn. Mỗi lần đi đâu đều phải có người đi cùng để bế hoặc cõng lên các bậc cầu thang, tôi thấy rất bất tiện.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 11/2020, toàn tỉnh có trên 11.000 NKT. Trong số đó, nhiều người đã vượt khó, vươn lên làm giàu và tạo công ăn việc làm cho những người khác. Song cũng vì khó khăn khi tiếp cận, sử dụng các công trình công cộng, giao thông mà họ còn gặp nhiều hạn chế trong công việc, chưa phát huy được hết khả năng của mình.

Công trình trụ sở UBND xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc chưa có các cấu kiện như đường dốc, biển chỉ dẫn dành cho người khuyết tật

Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ Quyền trẻ em (BVNKT&BVQTE) tỉnh cho biết: Thực tế đã chứng minh nhiều NKT làm kinh tế, làm khoa học, làm công tác xã hội … rất tốt. Nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều công trình được thiết kế phù hợp để NKT tiếp cận và sử dụng, đã phần nào hạn chế sự tham gia của họ vào sự phát triển chung của xã hội…

Để chăm lo, trợ giúp cho NKT, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch theo từng năm. Đơn cử là Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 17/2/2020 về thực hiện đề án trợ giúp NKT năm 2020 trên địa bàn tỉnh; một trong những mục tiêu của kế hoạch trên là đến hết năm 2020, 30% số công trình công cộng (đường giao thông; nhà ga, bến tàu, bến xe; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…) đảm bảo điều kiện để NKT có thể tiếp cận.

Thực hiện mục tiêu trên, Sở Xây dựng đã xây dựng Kế hoạch số 25/KH-SXD ngày 2/3/2020 về việc trợ giúp NKT tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để NKT tiếp cận, sử dụng các công trình công cộng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Xây dựng, phần lớn công trình công cộng trên địa bàn tỉnh được xây dựng trước khi có các quy định, quy chuẩn về thiết kế để NKT tiếp cận và sử dụng. Việc làm bổ sung sau gặp khó khăn do ảnh hưởng đến công trình ban đầu, các đơn vị chưa có kinh phí, hoặc do thiếu mặt bằng…

Do vậy, đến nay, tỷ lệ công trình có các thiết kế dành cho người NKT còn rất thấp. Theo khảo sát thực hiện hồi tháng 10/2020 của Hội BTNKT&BVQTE tỉnh tại 62 công trình của các sở, ban, ngành tỉnh; cơ quan Nhà nước tại thành phố Lạng Sơn và 2 huyện: Hữu Lũng, Cao Lộc chỉ có 15 công trình có đường xe lăn hoặc các cấu kiện trợ giúp NKT, chiếm tỷ lệ 24,2%. Và tại các huyện khác, tỷ lệ công trình có các thiết kế dành cho NKT còn thấp hơn rất nhiều.

Ông Triệu Hoàng Trung, Phó trưởng Phòng Quản lý Xây dựng, Sở Xây dựng cho biết: Nhận thấy rõ sự bất cập, hạn chế trong việc giúp NKT tiếp cận tiện ích tại các công trình công cộng, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Sở Xây dựng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể liên quan đảm bảo thiết kế, thi công công trình; đề xuất sở tham mưu cho tỉnh tăng kinh phí đầu tư cho chương trình trợ giúp NKT; tăng cường năng lực, kỹ năng trợ giúp pháp lý đặc thù cho người thực hiện công tác trợ giúp cho NKT… Để qua đó NKT tiếp cận được với các công trình công cộng, dần xóa bỏ những rào cản, để họ hòa nhập cộng đồng, tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế – xã hội.

ĐẶNG DŨNG