Thứ sáu,  20/09/2024

Chung tay chăm lo cho trẻ em

– Trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em (BVTE) được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chăm lo với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, qua đó góp phần giúp trẻ em (TE) ngày càng được chăm lo tốt hơn.

   Nỗ lực chăm lo, bảo vệ

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 196,4 nghìn trẻ; số TE có hoàn cảnh đặc biệt là 2.464 trẻ, trong đó, 1.377 TE đã và đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội (BTXH); 462 TE được thăm hỏi, trợ giúp thường xuyên; số TE đang sống trong gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo là trên 43,9 nghìn trẻ.

Ông Lô Tiến Vinh, Trưởng phòng BTXH – TE, Sở LĐTB&XH cho biết: Thời gian qua, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách về giáo dục, y tế, tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, diễn đàn… xây dựng môi trường thân thiện, an toàn cho TE phát triển. Nhân các ngày lễ, tết, từ nguồn Quỹ Bảo trợ TE tỉnh, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cơ sở BTXH.

Các em thiếu nhi bày tỏ mong muốn của mình với các đồng chí lãnh đạo tại Diễn đàn Trẻ em cấp tỉnh năm 2020

Theo đó, năm 2020, nguồn kinh phí của trung ương và của tỉnh đã dành trên 4,94 tỷ đồng để chăm lo cho TE. Từ nguồn kinh phí này đã triển khai các chương trình, dự án cho TE trên địa bàn toàn tỉnh như: lắp đặt 4 bộ thiết bị vui chơi ngoài trời cho trẻ tại 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hữu Lũng và Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh; trao trên 100 suất học bổng cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo hiếu học, trẻ em là con thương binh, con liệt sĩ học khá, giỏi, mỗi suất 11 triệu đồng và các phần quà tặng khác tổng kinh phí 200 triệu đồng; triển khai mô hình Dự án phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trên địa bàn huyện Lộc Bình và Văn Lãng…

Cùng với đó, công tác giáo dục, các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho TE được triển khai hiệu quả như: cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 78.913 TE dưới 6 tuổi trên toàn tỉnh; tổ chức khám sàng lọc cho trên 500 trẻ khuyết tật, trên 5.507 trẻ bị nghi ngờ bệnh tim bẩm sinh; các hoạt động rèn kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế trong các nhà trường tập trung giáo dục an toàn, kỹ năng thoát hiểm, phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh và cuốn cẩm nang giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình, bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại TE trong các cơ sở giáo dục …, qua đó, góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho TE.

   Phát huy quyền của trẻ em qua các diễn đàn, câu lạc bộ

Thực hiện quyền tham gia của TE vào các vấn đề TE trên địa bàn tỉnh, năm 2020, các huyện, thành phố đã tổ chức Diễn đàn TE, tạo sân chơi cho các em được giao lưu, chia sẻ những mong muốn, ước mơ của mình. Tại cấp tỉnh, ngành chức năng đã tham mưu cho tỉnh tổ chức Diễn đàn TE cấp tỉnh, đêm hội trăng rằm… thu hút gần 500 đại biểu TE tham dự. Ngoài ra, các cấp, ngành, đoàn thể, đơn vị huyện, thành phố tổ chức được trên 80 cuộc thi quy mô cấp cơ sở trở lên và nhiều hoạt động giao lưu giữa các câu lạc bộ, diễn đàn TE…

Lãnh đạo Phòng BTXH-TE, Sở LĐTB&XH cùng đọc những ước mơ với các em tại Diễn đàn Trẻ em cấp tỉnh năm 2020

Em Vũ Phương Anh, lớp 8A1, Trường THCS thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Tham gia diễn đàn TE của tỉnh, huyện, em và các bạn được thảo luận các vấn đề rất thực tế và sát với đời sống học đường của chúng em như: bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại TE, sử dụng mạng xã hội, bày tỏ ước mơ của chúng em… Em thấy đây là một sân chơi hấp dẫn, bổ ích và lý thú để TE thực hiện quyền tham gia của mình và có cơ hội được nói lên quan điểm, đề xuất các sáng kiến của mình với các cấp, ngành.

Hiện nay, toàn tỉnh có 107/200 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa làm điểm vui chơi cho TE, hầu hết các hoạt động vui chơi giải trí của TE gắn với các hoạt động của cấp xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý, một số huyện đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của TE. Điển hình như huyện Chi Lăng trong năm 2020 đã thành lập được 13 câu lạc bộ Quyền TE tại 12 xã, thị trấn (riêng thị trấn Đồng Mỏ có 2 câu lạc bộ) và tổ chức hoạt động diễn đàn TE tại 11 xã, thị trấn, thu hút trên 3.000 TE tham dự.

   Lời kết

Điều 11 Luật TE quy định: “Tháng hành động Vì TE được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho TE”. Tháng hành động Vì TE năm 2021 có chủ đề: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền TE, bảo vệ TE trong thiên tai, dịch bệnh”. Để công tác chăm lo cho TE trong thời gian tới tiếp tục đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đẩy mạnh các hoạt động vận động cán bộ, công chức, viên chức, nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ Bảo trợ TE của tỉnh, của huyện để có nguồn lực hỗ trợ TE, nhất là TE có hoàn cảnh khó khăn đang ở vùng dịch và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

THANH HUYỀN


Mong muốn dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho trẻ em

– Trẻ em (TE) là chủ nhân tương lai của đất nước, chính vì vậy thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể đã nỗ lực quan tâm tạo điều kiện và dành nguồn lực chăm lo cho trẻ để TE ngày càng được phát triển toàn diện.

Chị Đinh Thị Anh Thư, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh: “Đa dạng hóa các hoạt động chăm lo cho TE”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 400 liên đội với hơn 2.800 chi đội, trên 60.200 đội viên. Nhằm chăm lo thiết thực cho TE, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn kết nối, xã hội hóa các nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho các em. Từ năm 2020 đến nay, các cấp bộ đoàn, hội đồng đội tỉnh, các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị tài trợ đã tặng hơn 10.300 suất quà, học bổng cho TE trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội đồng Đội tỉnh hỗ trợ trên 500 triệu đồng xây dựng 9 nhà Khăn quàng đỏ, bổ sung trên 12.000 đầu sách vào thư viện măng non của các liên đội. Đồng thời, tổ chức hoạt động vui tết trung thu, tết thiếu nhi cho TE; sửa chữa và bàn giao hơn 230 điểm sân chơi, bãi tập cho thanh thiếu nhi, trị giá trên 4,5 tỷ đồng.

Cùng với đó, chúng tôi cũng đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, kỹ năng sống cho thiếu niên, nhi đồng, thông qua các phong trào, cuộc vận động trong các liên đội. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành tổ chức các diễn đàn cho TE. Thông qua các hoạt động, chúng tôi mong muốn TE nói chung, nhất là TE có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa vươn lên trong học tập, tiến bước lên Đoàn, trở thành công dân tốt có ích cho xã hội.

Bà Bùi Thị Quỳnh Anh, Trưởng Phòng LĐTB&XH thành phố Lạng Sơn: “Cố gắng tham mưu để tạo ra nhiều sân chơi hơn nữa cho TE”.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 164 TE có hoàn cảnh đặc biệt; 262 TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2020, Quỹ Bảo trợ TE thành phố đã kịp thời thăm, hỗ trợ, động viên 181 TE có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình TE gặp khó khăn đột xuất với tổng kinh phí  43 triệu đồng.

Cùng với chăm lo cho TE, thành phố hiện duy trì và phát triển 20 câu lạc bộ quyền TE; phát huy hiệu quả hệ thống thư viện từ thành phố đến cơ sở, trường học; một số điểm vui chơi cho TE như: Công viên Chi Lăng, các khuôn viên lưu niệm, khu di tích lịch sử danh lam thắng cảnh trên địa bàn, trung tâm thanh thiếu niên… từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho TE.

Để có thêm nguồn lực chăm lo cho TE, chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường huy động các tổ chức, gia đình và cá nhân trên địa bàn quan tâm đầu tư, ủng hộ Quỹ Bảo trợ TE của phường, thành phố để cùng chung tay chăm lo cho TE trên địa bàn nói chung, TE nghèo, TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng, đặc biệt là hỗ trợ kịp thời cho TE gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Bà Vi Thị Tươm, Phó Giám đốc Trung tâm Hy vọng Lộc Bình, huyện Lộc Bình: “Mong muốn chăm sóc cho các cháu ngày càng tốt hơn”.

Trung tâm đang nuôi dưỡng 33 cháu từ 6 đến 16 tuổi. Đến với mái nhà chung này, mỗi cháu có một hoàn cảnh khác nhau nhưng phần lớn đều thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, người thân. Chính vì thế, các cháu đều quan tâm, yêu thương lẫn nhau, có tinh thần học hỏi và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, nhiều cháu đạt thành tích khá, giỏi trong học tập và đỗ đại học.

Năm 2020, chúng tôi tiếp nhận khoảng 50 triệu đồng và trên 1 tấn gạo từ các cấp, ngành và các nhà hảo tâm. Trung bình mỗi cháu được hỗ trợ 24.000 đồng/ngày, chỉ đủ tiền ăn và một phần nhỏ cho chi phí sinh hoạt. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cấp, ngành và các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ trung tâm để chúng tôi có thêm kinh phí chăm lo cho các cháu ngày càng tốt hơn.

NHÓM PV