Thứ sáu,  20/09/2024

Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em: Nơi trẻ em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng

– Quyền được tham gia của trẻ em là một trong 4 nhóm quyền trẻ em được quy định tại Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. Tại Lạng Sơn, nhiều câu lạc bộ (CLB) “Quyền tham gia của trẻ em” (QTGCTE) đã được thành lập, qua đó, tạo môi trường giúp trẻ em các lứa tuổi trao đổi, chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, giúp các em rèn luyện phẩm chất, kỹ năng sống để trở thành người có ích cho xã hội. Đến nay, CLB đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Đầu năm 2019, CLB QTGCTE mang tên “Hội đồng trẻ em” ở Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn được thành lập. Đến nay, CLB đã có 33 thành viên là đại diện của 33 lớp học trong trường. CLB được tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng. Những buổi sinh hoạt không có phép tính trên bảng, không có sách vở nặng kiến thức trên bàn đã tạo không khí vô cùng sôi nổi. Em Hoàng Thùy Dung, lớp 9A5, Chủ tịch Hội đồng trẻ em Trường THCS Vĩnh Trại cho biết: Tham gia CLB, em đã được trang bị thêm nhiều kỹ năng sống, kỹ năng cần thiết để phòng tránh các tệ nạn xã hội và tự bảo vệ mình. CLB cũng giúp em trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động, đây sẽ là hành trang vững chắc, đồng hành cùng em trong những chặng đường tiếp theo.

Buổi sinh hoạt của CLB Quyền tham gia của trẻ em của học sinh Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn

Trên đây chỉ là một trong hơn 500 CLB quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016, mô hình CLB QTGCTE lần đầu tiên được triển khai trong các trường học. Sau hơn 5 năm, đến nay, 100%  các trường học trên địa bàn tỉnh có CLB QTGCTE. Ngoài CLB QTGCTE tại các trường học, các CLB ở cộng đồng cũng được thành lập tại 5 huyện, trong đó điển hình như thành phố Lạng Sơn với 20 CLB QTGCTE tại 8/8 xã, phường; huyện Chi Lăng có 21 CLB tại 20/20 xã, thị trấn (trong đó thị trấn Đồng Mỏ có 2 CLB).

Các CLB có sự tham gia của hơn 3.000 thành viên nòng cốt, đại diện cho gần 80.000 trẻ em tham gia. CLB QTGCTE được tổ chức sinh hoạt thường xuyên, định kỳ trung bình 1 lần/tháng. Trong tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, các CLB chuyển sang gặp mặt bằng hình thức online. Trong mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên nòng cốt đưa ra những vấn đề, nội dung mà nhóm thành viên của mình quan tâm như: “Làm thế nào để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội?”, “Các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước”, “Kỹ năng phòng tránh xâm hại, bình đẳng giới”, “Kỹ năng mềm”… sau đó các thành viên sẽ thảo luận và đưa ra ý kiến của mình.

Bên cạnh những buổi sinh hoạt riêng của CLB, các nhà trường chủ động thúc đẩy         QTGCTE qua các hoạt động học, giảng dạy, các buổi sinh hoạt lớp, hoạt động thư viện của trường, qua hòm thư “Điều em muốn nói”, các hoạt động ngoại khóa như: “Chúng em với an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường”, “Tuyên truyền an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; QTGCTE của trẻ em cũng được các cấp, ngành liên quan quan tâm, trong năm 2019 và năm 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã phối hợp với UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức các diễn đàn trẻ em với các chủ đề như: “Trẻ em với các vấn đề của trẻ em”, “Chung tay bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”… Từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020, toàn tỉnh tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp được 62 cuộc với gần 68.000 trẻ em tham gia, tổ chức 872 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện QTGCTE với trên 44.000 lượt trẻ em tham gia

Bà Đặng Thị Lan, Phó Trưởng Phòng Bảo trợ Xã hội – Trẻ em, Sở LĐTB&XH cho biết: Tính đến tháng 6/2021, số trẻ em toàn tỉnh là 197.801 trẻ. Để CLB hoạt động hiệu quả và kết nối đến nhiều đối tượng trẻ em, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với Sở GD&ĐT và Tỉnh đoàn triển khai thành lập CLB tại các trường tiểu học, THCS, các xã, phường, thị trấn. Các CLB về cơ bản đã mang lại những hiệu quả thiết thực, trở thành “ngôi nhà chung” giúp trẻ em được tham gia những vấn đề liên quan đến bản thân mình.

Chị Nguyễn Thị Yên, phụ huynh học sinh lớp 3A1, Trường Tiểu học THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Khi cho con tham gia CLB, tôi nhận thấy con đã mạnh dạn chia sẻ, dám nói lên tâm tư của mình, thông qua CLB giúp con có chính kiến và biết bảo vệ chính kiến của mình. Nhà trường và thầy cô cũng chủ động trao đổi trực tiếp, kết nối với phụ huynh để cùng nhau giải quyết vấn đề mà con em gặp phải.

Có thể thấy: thông qua CLB, trẻ em có thêm những kiến thức cơ bản nhất về quyền, bổn phận của mình, để từ đó bày tỏ quan điểm riêng, tâm tư, nguyện vọng… Tin rằng trong thời gian tới, CLB này sẽ tiếp tục được nhân rộng và trở thành “sân chơi” để trẻ em thực hiện nhóm quyền của mình.

DƯƠNG KIM