Thứ sáu,  20/09/2024

Ươm mầm những ước mơ xanh (Kỳ 1)

Thông qua chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, lực lượng  bộ đội biên phòng (BĐBP) Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa giúp hàng trăm học sinh nghèo vươn lên trong cuộc sống, góp phần, chắp cánh ước mơ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

  Kỳ I: Chắp cánh ước mơ

– Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cụ thể hóa chương trình  “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” thành một nội dung trong thực hiện Mô hình “Công trình dân sinh thắm tình đồn xã”. Qua đó tập trung nguồn lực để hỗ trợ, chắp cánh ước mơ cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

  Thêm điều kiện cho các em được học tập

Lạng Sơn có 21 xã, thị trấn biên giới với hơn 16.000 hộ và gần 70.000 nhân khẩu, gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa… Những năm qua, mặc dù các cấp, ngành quan tâm, chăm lo xây dựng vùng biên giới, song do nhiều nguyên nhân (điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa, tập quán…) nên địa bàn biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế về hạ tầng, tỷ lệ hộ nghèo cao… trong đó việc học tập của trẻ em còn gặp không ít khó khăn. Nhằm giúp học sinh tại khu vực biên giới đủ điều kiện đến trường, những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch 204 ngày 18/1/20216 của Bộ Tư lệnh BĐBP về Chương trình “Nâng bước em đến trường” và Kế hoạch 1670 ngày 27/7/2019 của Cục Chính trị BĐBP về thực hiện Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.

Cán bộ Đồn biên phòng Pò Mã (Tràng Định) trao kinh phí hỗ trợ cho gia đình học sinh theo chương trình “Nâng bước em đến trường”

Thượng tá Ninh Xuân Trọng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, thể hiện rõ trong các nghị quyết, chương trình công tác và kế hoạch cụ thể. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cụ thể hóa hai chương trình đó thành một nội dung trong thực hiện Mô hình “Công trình dân sinh thắm tình đồn xã”. Đồng thời bổ sung vào nội dung phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với đảng ủy các xã, thị trấn biên giới thống nhất đưa chỉ tiêu thực hiện các chương trình thành một trong những nội dung phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hằng năm.

Với phương châm “lấy trẻ em làm trung tâm”, các đồn biên phòng đã chủ động chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các nhà trường rà soát, lựa chọn, hoàn chỉnh thủ tục nhận hỗ trợ học sinh và nhận con nuôi. Từ đó giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho các em được học tập, phấn đấu và trưởng thành, trở thành công dân tốt. Thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường”, cấp ủy, chỉ huy các đồn biên phòng đã phân công cán bộ phụ trách, phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường, cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn thường xuyên nắm bắt tình hình học tập, quản lý, kèm cặp, hướng dẫn các em trong học tập, rèn luyện. Đồng thời có hình thức động viên, khích lệ các em vươn lên trong học tập. Những trẻ em trong Chương trình “Nâng bước em đến trường” được hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng, được tặng quà, động viên nhân dịp lễ tết, kết thúc học kỳ, năm học.

Còn đối với mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, tùy tình hình thực tế địa bàn quản lý, các đồn biên phòng phấn đấu thực hiện chỉ tiêu mỗi đồn nhận nuôi từ 1 đến 3 cháu với mức hỗ trợ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng/ em. Những em được nuôi dưỡng tại đồn biên phòng, được đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất sinh hoạt, đồ dùng học tập, đồng phục học sinh, ăn uống hằng ngày; được đưa đón đi học, hướng dẫn, kèm cặp trong học tập và tham gia các hoạt động chung cùng cán bộ, chiến sĩ ngoài giờ đi học. Còn những em là con nuôi đồn biên phòng nhưng vẫn ở gia đình, đồn đảm bảo mọi điều kiện sinh hoạt, bố trí góc học tập tại nhà, hỗ trợ tiền ăn (1,5 triệu đồng/tháng).

  Ở đâu có học sinh khó, ở đó có “chú biên phòng”

Cùng với bảo vệ chủ quyền biên giới, giữ gìn an ninh trật tự, củng cố mối đoàn kết trong Nhân dân, lực lượng BĐBP đã tích cực sản xuất, tự nguyện trích lương của mình để đóng góp hỗ trợ các học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn mình phụ trách.

Thiếu tá Đỗ Đăng Kiên, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Na Hình (huyện Văn Lãng) cho biết: Từ năm 2016, đồn bắt đầu hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”. Hằng năm, chúng tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã rà soát, lập danh sách các cháu cần được hỗ trợ. Dù còn không ít khó khăn, thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn cố gắng tăng gia sản xuất để có thêm nguồn thu cho đơn vị, từ đó trích ra 50% dành hỗ trợ học sinh. Với mức 6 triệu đồng/cháu/ năm, năm đầu tiên, đồn hỗ trợ 2 cháu, đến 2018 tăng lên 4 cháu và hiện nay là 5 cháu. Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, đồn đã nhận 1 con nuôi tại đơn vị với mức hỗ trợ bình quân 2,5 triệu đồng/tháng.

Không riêng Đồn Biên phòng Na Hình, hiện nay toàn tỉnh có 16/16 cơ quan, đơn vị trực thuộc BĐBP tỉnh triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường” và 13/16 cơ quan, đơn vị thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Thượng tá Đỗ Văn Thoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chi Lăng (huyện Đình Lập) cho biết: Đồn Biên phòng Chi Lăng đang nhận 1 “Con nuôi đồn biên phòng”, 8 học sinh theo chương trình “Nâng bước em đến trường”. Mặc dù công việc bận rộn nhưng cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị luôn sắp xếp thời gian để tăng gia sản xuất, ủng hộ 1 ngày lương/tháng để hỗ trợ các em học sinh với mức 2,2 triệu đồng/tháng dành cho con nuôi của đồn và 4 triệu đồng/tháng cho chương trình “Nâng bước em đến trường”. Ngoài ra chúng tôi còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp với tổng kinh phí dành cho hai chương trình khoảng 70 triệu đồng/năm.

Như vậy, từ những đồng lương, từ nguồn quỹ tăng gia sản xuất do công sức của cán bộ, chiến sĩ đóng góp và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sinh sống ở khu vực biên giới đã có điều kiện để cắp sách đến trường, có điều kiện học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi. Theo số liệu tổng hợp, từ năm 2016 đến hết năm học 2021 – 2022, các đơn vị trong BĐBP tỉnh đã đăng ký, nhận đỡ đầu hơn 100 em học sinh từ cấp tiểu học đến THPT trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh với tổng kinh phí gần 3,7 tỷ đồng. Trong đó hơn 3,1 tỷ đồng là do cán bộ chiến sĩ BĐBP tự nguyện đóng góp; số còn lại là do các cấp, ngành, các nhà hảo tâm tự nguyện giúp đỡ.

Với sự hỗ trợ đó, các em đã có thêm điều kiện và động lực để phấn đấu giành thành tích cao trong học tập. Em Vi Thị Đeo, thôn Nà Ỏ, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình bộc bạch: Gia đình em rất nghèo, bố mẹ mất sớm. May mắn là em được các chú BĐBP giúp đỡ, hỗ trợ để em có thêm điều kiện trang trải cuộc sống. Em rất biết ơn các chú nên luôn nỗ lực học tập và 12 năm liên tục đều đạt học sinh giỏi. Năm nay em vừa thi đỗ vào Trường Đại học Trưng Vương, Vĩnh Phúc. Em sẽ cố gắng phấn đấu học thật tốt để lớn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Cùng với em Đeo, trong năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 90 học sinh được BĐBP tỉnh hỗ trợ, trong đó có 81 học sinh theo chương trình “Nâng bước em đến trường” và 9 học sinh theo chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”. Tổng kết năm học 2021 – 2022, 90/90 học sinh có kết quả rèn luyện tốt, 32/90 em đạt học sinh giỏi, 58/90 em học sinh khá. Phát huy kết quả đạt được, trong năm học 2022 – 2023, BĐBP tỉnh tiếp tục nhận hỗ trợ tổng số 90 em.

Nhân dịp đầu năm học 2022 – 2023, đầu tháng 9/2022, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, chỉ huy các đồn biên phòng đã đến dự khai giảng và trao tiền hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” tại các trường học trên địa bàn các xã, thị trấn biên giới tổng số tiền 500 triệu đồng và động viên các em tích cực, phấn đấu vươn lên trong học tập. Từ đó, hình ảnh người lính mang quân hàm xanh đã ngày càng trở nên gần gũi, thân thương trong lòng người dân khu vực biên giới.

Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã thực sự gắn bó, chia sẻ khó khăn với đồng bào biên cương, mong các em học sinh có thêm nghị lực, tích cực học tập để trở thành những công dân có ích cho gia đình, đất nước, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, phát triển.

[Ươm mầm những ước mơ xanh (Kỳ 2)]

ĐÌNH QUANG - NGỌC HIẾU