Thứ sáu,  20/09/2024
Hiến tặng mô, tạng

Trao yêu thương – Nối dài sự sống

– Những năm gần đây, việc hiến tặng mô tạng ngày càng có nhiều người đăng ký . Tại Lạng Sơn, một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội và bị ảnh hưởng quan niệm như “chết phải toàn thây”, do đó, việc hiến tặng mô, tạng vẫn còn nhiều hạn chế.


Lãnh đạo Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia trao tặng hoa cho các thành viên trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đăng ký thành công hiến mô, tạng

Tạng ghép cứu người ở nước ta có hai nguồn, từ người chết não hiến tặng và từ người nhà hoặc từ người tự nguyện hiến sống cho người bệnh. Một người chết não nếu hiến tạng có thể cứu được mạng sống của ít nhất 7 người khác. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tính đến hết tháng 2/2023, cả nước có gần 3.000 bệnh nhân đăng ký chờ ghép tạng. Cùng đó, hằng năm, cả nước có hàng chục nghìn người chết não do mắc các bệnh hiểm nghèo, tai nạn giao thông, nhưng trong số đó chỉ có khoảng 10 người hiến tặng mô, tạng. Còn số người nhà, người tự nguyện hiến sống cho người bệnh càng chiếm tỷ lệ thấp hơn.

 Tích cực tuyên truyền      

Bà Nông Bích Thuận, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, cho biết: Xác định công tác tuyên truyền là yếu tố quyết định để nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về hiến mô, tạng. Từ năm 2018, lần đầu tiên Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Từ đó đến nay, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và các huyện, thành hội tổ chức các đợt tuyên truyền tại các công ty, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học được trên 10 đợt tuyên truyền lồng ghép, thu hút trên 3.000 lượt người tham gia.

Cùng đó, các cấp hội CTĐ trong tỉnh cũng tích cực đưa các tin, bài, nội dung liên quan đến hiến mô, tạng lên trang thông tin của hội và chia sẻ lên các fanpage của hội, từ đó các cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chia sẻ trên facebook, zalo của cá nhân để có sự lan tỏa trên không gian mạng và đến với các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về hiến mô, tạng cũng đã và đang dần được nâng cao, hiểu biết rõ hơn và bước đầu có những người và gia đình tham gia đăng ký.

Ở nước ta hiện nay đã ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người, gồm: ghép gan, tim, phổi, thận, tụy, ruột, cánh tay… Tính đến hết tháng 3/2023, toàn quốc đã có trên 70.000 người đăng ký hiến mô, tạng, trong khi đó, năm 2014 mới chỉ có 265 người đăng ký hiến mô, tạng. Từ ca ghép tạng đầu tiên năm 1992, đến nay cả nước đã có trên 7.300 ca ghép tạng, trong đó đa số là ghép thận. Cùng với đó, đến nay, cả nước có 24 bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép lấy, ghép mô, tạng.
Người dân có thể thực hiện cách đăng ký hiến tạng online như sau:
Cách 1: Đăng ký qua Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia
Bước 1: Truy cập vào website: https://vnhot.vn/
Bước 2: Chọn mục “Đăng ký hiến tặng”
Bước 3: Điền Thông tin và tải ảnh đính kèm
Bước 4: Chọn xác nhận
Cách 2: Đăng ký qua Cổng đăng ký hiến và ghép mô tạng (tại Thành phố Hồ Chí Minh)
Bước 1: Truy cập vào website: http://dieuphoigheptangtphochiminh.vn/
Bước 2: Chọn mục “Đăng ký”
Bước 3: Điền thông tin và chọn “Hoàn Thành”
Cách 3: Đăng ký qua Email
– Người muốn đăng ký hiến mô, tạng tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc có thể đăng ký qua email: gheptang@vncchot.com.
– Người muốn đăng ký hiến mô, tạng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam có thể đăng ký qua email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com.

 Chuyển biến về nhận thức

 Nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều gia đình, người dân biết và hiểu sâu về hiến mô, tạng. Nếu như năm 2018 chỉ có khoảng 30 người đăng ký hiến mô, tạng và số người đăng ký chủ yếu là người dân ở thành phố Lạng Sơn. Thì đến nay, việc đăng ký hiến mô, tạng đã lan tỏa ra khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hội CTĐ tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có trên 300 người đăng ký và có thẻ hiến mô, tạng. Trong đó, tiêu biểu như các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn…

Đơn cử như gia đình bà Vi Thị Ngọc (sinh năm 1961), phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn và con gái Vũ Kim Dung (sinh năm 1989) đã đăng ký hiến mô, tạng cách đây 2 năm. Chị Vũ Kim Dung chia sẻ: Từ năm 2020, tôi được trực tiếp tham gia các đợt tập huấn, tuyên truyền về hiến mô, tạng do các ngành, đoàn thể tổ chức, tôi đã nhận thức được tầm quan trọng, nhân văn cao cả của việc hiến mô, tạng. Qua đó, tôi về nhà phổ biến lại và cũng được mẹ đồng ý cùng tôi đăng ký hiến mô, tạng. Không những vậy, con gái tôi hiện nay được 10 tuổi cũng muốn được đăng ký hiến mô, tạng và chờ đến 18 tuổi cháu sẽ đăng ký.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào hiến tặng mô, tạng nhưng đã có 20 người là bệnh nhân mắc những căn bệnh nặng về tim, gan, thận, phổi… được tiếp nhận nguồn tạng để thay thế. Như trường hợp em Hà Ngọc Chi, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng rất may mắn được cứu sống nhờ một gia đình ở Hiệp Hòa, Bắc Giang hiến tặng tim của người chồng không may bị tai nạn dẫn đến chết não. Năm 2022, Chi được phẫu thuật thay tim, đến nay đã hồi phục sức khỏe và có thành tích học tập tiêu biểu của lớp, của trường. Em Chi cho biết: Từ khi được phẫu thuật thay tim, sức khỏe của em đã hồi phục, khỏe mạnh. Em rất cảm ơn gia đình hiến tim cho em và nhận người thân gia đình hiến tặng tim đó là mẹ nuôi. Mỗi khi đạt được kết quả học tập tốt thì em đều gọi điện cho gia đình để thông báo hoặc hỏi thăm sức khỏe thường xuyên.

Để việc đăng ký cũng như hành động hiến mô, tạng trên địa bàn tỉnh ngày càng tạo sức lan tỏa, trong thời gian tới, các cấp hội CTĐ trong tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng. Trong đó, tập trung tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ, các câu lạc bộ, tổ, nhóm thiện nguyện trên địa bàn tỉnh để người dân đăng ký hiến mô, tạng. Cùng đó, hội sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tuyên truyền về hiến mô, tạng, để các bệnh nhân nặng được tiếp nhận nguồn tạng để thay thế, cứu chữa kịp thời.

Hành động hiến mô, tạng để cứu sống người khác là nghĩa cử cao đẹp nhất của tấm lòng từ thiện. Do vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành, đoàn thể cần tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân về hiến mô, tạng để xóa bỏ những rào cản, những định kiến xã hội để mỗi cá nhân, gia đình nâng cao nhận thức về hiến mô, tạng và nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

ĐĂNG THUỲ