Thứ sáu,  20/09/2024

Chú trọng tuyên truyền và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

– Xác định chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là yếu tố quan trọng góp phần cải thiện chất lượng dân số, những năm qua, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn.


Cán bộ dân số xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn tư vấn cho phụ nữ các biện pháp  chăm sóc sức khỏe sinh sản

Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Để thay đổi nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của chăm sóc SKSS, hằng năm, chi cục tích cực tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS – KHHGĐ nhằm nâng cao kiến thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Cùng đó là thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật như chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh, cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức những chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ nhằm hỗ trợ, nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS – KHHGĐ.

Cùng với đó, các cơ sở y tế trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền về tác hại của việc phá thai đối với sức khỏe của phụ nữ cũng như sự cần thiết của việc mua và sử dụng các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS… Bình quân mỗi năm, các cơ sở y tế tuyên truyền lồng ghép cho trên 80.000 lượt người; nói chuyện chuyên đề với gần 40.000 lượt người tham gia. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức lồng ghép được 536 buổi tuyên truyền cho 14.100 người; tổ chức nói chuyện chuyên đề được 246 buổi cho 3.740 người; tư vấn tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn được 1.535 buổi đến 7.706 người…

Do đặc thù về giới, việc chăm sóc SKSS (phương pháp tránh thai, bệnh phụ khoa…) luôn là một vấn đề tế nhị, thầm kín mà nhiều phụ nữ ngại chia sẻ. Trên thực tế, đa số phụ nữ thường tự tìm hiểu, tự mua thuốc về điều trị, khi không hiệu quả, không khỏi bệnh mới đến khám tại các cơ sở y tế. Tại Lạng Sơn, bình quân mỗi năm có hơn 50.000 lượt phụ nữ được khám phụ khoa và hơn 11.000 lượt phụ nữ phải điều trị phụ khoa. Tính bình quân, cứ khoảng 4 người đi khám thì có 1 người mắc bệnh, phải điều trị. Từ những con số này cho thấy việc chăm sóc SKSS là hết sức quan trọng và cần thiết.

Bà Nông Thị Hoà, cán bộ chuyên trách dân số Trạm Y tế xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc cho biết: Xã hiện có 1.250 hộ với 5.700 nhân khẩu, trong đó có 1.575 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Cùng với tuyên truyền lồng ghép trong các ngày lễ, dịp cao điểm, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động, tư vấn cho chị em về các biện pháp chăm sóc SKSS trong các buổi khám thai, tiêm phòng định kỳ. Nhờ đó, 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; tỷ lệ phụ nữ khám thai trên địa bàn đạt 100%.

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được nâng cao nhận thức nên đã chủ động tiếp cận, lựa chọn dịch vụ chăm sóc SKSS phù hợp. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có trên 11.000 phụ nữ mang thai đi khám thai định kỳ; trên 55.000 phụ nữ khám phụ khoa; trên 50.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (riêng 6 tháng đầu năm 2023 là 52.465 người, đạt 102,9% kế hoạch năm).

Song song với truyền thông, ngành y tế đã tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS; đảm bảo cung ứng đầy đủ, không để xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu các phương tiện tránh thai; chú trọng chăm sóc cho bà mẹ trước sinh, phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… Cùng đó, các trạm y tế cấp xã luôn đảm bảo quyền lựa chọn chăm sóc SKSS của người dân. Hầu hết đội ngũ hộ sinh, cán bộ điều dưỡng ở các trạm y tế tuyến xã đều kiêm nhiệm công tác dân số nên việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS – KHHGĐ, đảm bảo hậu cần các phương tiện tránh thai được thực hiện thường xuyên, cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh đã cung cấp hơn 50.000 vỉ thuốc uống tránh thai; 6.000 liều thuốc tiêm tránh thai; 2.000 vòng tránh thai… Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã cấp 17.500 vỉ viên uống tránh thai, 3.550 liều thuốc tiêm, 725 chiếc vòng tránh thai (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022).

Chị Hoàng Thị Hồng, 31 tuổi, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn cho biết: Tháng 5/2023, sau khi sinh con được 8 tháng, tôi đã đến Trạm Y tế xã để tìm hiểu về các biện pháp tránh thai. Đến đây, tôi được cán bộ tư vấn kỹ năng chăm sóc SKSS và cấp phát phương tiện tránh thai phù hợp. Sau gần 2 tháng sử dụng, tôi thấy biện pháp tránh thai đang sử dụng rất phù hợp, tiện lợi và hiệu quả.

Với sự chủ động của ngành y tế trong công tác tuyên truyền, tư vấn và nâng cao chất lượng các dịch vụ nên những năm qua, công tác chăm sóc SKSS được triển khai, thực hiện tốt. Các chỉ tiêu về số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong những năm gần đây đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch do trung ương, tỉnh giao. Cụ thể, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trung bình mỗi năm đạt trên 68% (năm 2022 đạt 69,8%.) Kết quả này đã từng bước cải thiện sức khỏe của phụ nữ và trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

NGỌC HIẾU