Thứ sáu,  05/07/2024

Chăn thả gia súc trong bãi rác Tân Lang: Ẩn họa từ mầm bệnh khổng lồ

LSO- Kể từ khi bãi rác Tân Lang (Văn Lãng) được xây dựng trên địa bàn thôn Kéo Van, người Kéo Van chợt nhận ra những điều tưởng chừng như là “chân lý”: Bò ăn rác béo hơn ăn cỏ và ăn nhiều bò có thể …nghiện rác. Nhưng có một điều họ chưa nhận thấy, hoặc có thể đã biết nhưng cố tình không để ý: Bãi rác này là cả một mầm bệnh khổng lồ. Ngày 18/11/2010, Trạm Thú y Văn Lãng phát hiện đàn gia súc tại Kéo Van tiếp tục có triệu chứng của bệnh lở mồm long móng.

Bò được chăn thả tại bãi rác Tân Lang
Bãi rác Tân Lang là điểm tập trung rác từ các địa phương như Tràng Định, Văn Quan, Bình Gia và từ lâu đây cũng là bãi chăn thả gia súc “sầm uất” không chỉ của riêng người dân thôn Kéo Van mà của cả những hộ dân từ nơi khác. Cách đây gần 1 năm, khi Văn Lãng bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng ở thôn Kéo Van, xã Tân Lang, chúng tôi đã đến tìm hiểu và tận mắt chứng kiến những con bò “nghiện” rác, đến nỗi cho cỏ non nó cũng không thích ăn bằng rác. Chỉ cần thả ra là bò tự tìm lên bãi rác, ăn no, tối lại tự về chuồng. Anh Lộc Văn Huân, trưởng thôn mãi không lý giải được: Lạ! Ăn rác mà chúng cứ béo múp, thỉnh thoảng có vài con chết, người ta bảo do ăn phải túi nylon không tiêu được, dân trong bản cứ thịt ăn bình thường, một phần đưa ra tiêu thụ ở chợ Na Sầm và tiếp tục thả bò ở bãi rác. Đợt phát dịch khi ấy, 67 con bò bị mắc bệnh và mãi tới giáp Tết dương lịch với mọi nỗ lực, cơ quan chuyên môn mới khống chế được dịch và cũng phải cố gắng lắm họ mới tiêu hủy được bò bị chết do bệnh, không để người dân đưa đi tiêu thụ.
Trong thời gian đó, phóng viên Báo Lạng Sơn cũng đã phản ánh về tình trạng người dân đến mưu sinh và hình thành “xóm dân cư” ngay trong lòng bãi rác bất chấp những nguy hiểm về bệnh tật. Gần 1 năm trôi qua, những tưởng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chuyên môn, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, câu chuyện “bò nghiện rác”, “xóm bãi rác” sẽ không còn ở Kéo Van, chúng tôi đã nhầm! Trong ngập ngụa những rác, với cây, que, móc … từng tốp người vẫn miệt mài cào, bới và xen lẫn trong đó là bò. Thậm chí, “xóm bãi rác” còn có vẻ tấp nập hơn trước. Tôi đếm sơ qua cũng có hơn 30 chục con bò đang vục mõm vào rác, có con nằm im nhểu rãi, có con chỉ lẩy bẩy chực gục xuống. Trong bãi rác ẩn họa cả một mầm bệnh khổng lồ. Cái gì đến cũng phải đến, ngày 18/11, Thú y Văn Lãng nhận được tin báo có trâu ốm tại Kéo Van. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chuyên môn phát hiện thêm 6 con bò ốm, tất cả đều đang nằm trong bãi rác Tân Lang, mặc dù đang chờ xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, nhưng ông Chu Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm thú y cho biết: Triệu chứng điển hình là của bệnh lở mồm long móng.
Ngay lập tức Trạm đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền và nhanh chóng thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, mọi biện pháp được triển khai như chống dịch. Ông Bế Viết Ly, Chủ tịch UBND xã Tân Lang cho biết: Chính quyền địa phương cũng đã tăng cường cán bộ, lực lượng dân quân, xã đội phối hợp cùng với cơ quan thú y, kiểm soát chặt chẽ tại 2 chốt kiểm dịch được đặt tại đầu thôn và cuối thôn Kéo Van. Đồng thời với đó, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cũng khẩn trương tiến hành tiêm phòng bao vây ổ bệnh.
Chốt kiểm dịch tạm thời đã được lập tại thôn Kéo Van
Một điều đáng nói là 6 con bò bị bệnh đều là của một hộ tại thị trấn Na Sầm. Theo chính quyền địa phương, hộ này mua bò từ các nơi khác và thuê người chăn tập trung trong bãi rác, vào lúc cao điểm đàn lên tới trên 40 con và cũng từ đây bò được đưa đi giết mổ và tiêu thụ ra thị trường. Sự việc này diễn ra đã lâu mà vẫn chưa được giải quyết một cách dứt điểm. Trong khi đó, biết trong bãi rác đã xuất hiện mầm bệnh nguy hiểm, nhưng hằng ngày người dân Kéo Van vẫn thả bò lên bãi rác kiếm ăn cùng những con đã bị bệnh. Trong khi cán bộ chuyên môn đang căng sức khống chế, đề phòng bệnh lây lan, thì người dân Kéo Van vẫn rất thờ ơ. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân bộc bạch: Bệnh này có nguy hiểm gì đâu, chữa được mà, chỉ cần vài nắm lá rừng. Tôi chợt rùng mình vì sự chủ quan đáng sợ của người dân nơi đây. Với cách nghĩ, cách làm như thế, nếu không có biện pháp giải quyết thấu đáo thì không biết cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương còn phải lập chốt, khống chế bệnh dịch đến bao giờ và thêm bao nhiêu lần nữa? Trong khi đó sức khỏe và kinh tế của cộng đồng vẫn luôn bị đe dọa.
NHƯ PHONG