Thứ sáu,  20/09/2024

Nên phân cấp việc cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm

(LSO) – Tổ chức, cá nhân đang bị tốn kém thời gian, công sức, chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) “Cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP)” bởi thủ tục này thuộc thẩm quyền giải quyết của sở công thương.

Để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) “Kiểm tra và cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP”, tổ chức, cá nhân tại Lạng Sơn phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nộp hồ sơ. Hồ sơ hợp lệ sẽ được chuyển đến Sở Công thương giải quyết. Trong 13 ngày làm việc, Sở Công thương lập kế hoạch xác nhận kiến thức về ATTP, gửi thông báo thời gian, địa điểm tiến hành xác nhận kiến thức về ATTP và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân.

Quy định trên đã và đang gây khó cho người làm thủ tục bởi tổ chức, cá nhân phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh nộp hồ sơ, nhận kết quả và đến Sở Công thương dự kiểm tra kiến thức ATTP. Chị Hoàng Thị Thuận, thôn Ba Biển, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia kể: “Để thực hiện TTHC này, tôi phải chi phí tiền xe, ăn uống gần 300.000 đồng/lần đi lại từ nhà đến Sở Công thương. Trong khi đó, để có được kết quả trong tay, ít nhất tôi phải 3 lần ra sở nộp hồ sơ, kiểm tra kiến thức, nhận kết quả. Nếu thủ tục này thực hiện ở huyện thì tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và 2/3 số tiền chi phí”.

Người dân nộp hồ sơ TTHC “Cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Bà Chu Thị Hải, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng (KT-HT) huyện Bình Gia cho biết: Năm 2018, toàn huyện có 113 người đủ điều kiện cấp giấy. Như vậy, tính sơ bộ, 1 năm, hơn 100 người dân trong huyện tốn từ 40 đến 50 triệu đồng chi phí đi lại, ăn uống và rất nhiều thời gian, công sức khi thực hiện thủ tục. Rất mong cấp có thẩm quyền phân cấp cho cấp huyện giải quyết TTHC này để tổ chức, cá nhân thuận lợi hơn khi thực hiện.

Không những khiến tổ chức, cá nhân tốn kém tiền của, công sức đi lại mà trong thực tế, việc đủ số lượng người để Sở Công thương bố trí thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra kiến thức cũng ảnh hưởng đến người dân. Anh Phùng Quang Huy, chuyên viên Phòng KT-HT huyện Văn Lãng cho biết: Hằng năm, hộ sản xuất, kinh doanh đến đăng ký cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP rải rác, không tập trung nên không thể mở lớp kiểm tra tại huyện khiến người dân phải đi từ xã đến Sở Công thương kiểm tra. Nếu trả lời đúng 80% số câu hỏi kiểm tra thì được cấp giấy sau 3 ngày, nếu không đạt lại phải đến sở kiểm tra lại. Vì thế nên ủy quyền việc cấp giấy cho UBND huyện bởi phòng KT-HT cũng có thể đảm nhiệm được khâu kiểm tra kiến thức này.

Theo quy định, cứ 3 năm, tổ chức, cá nhân phải đổi giấy xác nhận 1 lần, nếu không có giấy xác nhận tổ chức, cá nhân bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt. Do vậy, TTHC này có tần suất thực hiện nhiều và liên quan sát sườn với hộ sản xuất, kinh doanh, người dân. Năm 2018, Sở Công thương cấp trên 900 giấy, 3 tháng đầu năm 2019 cấp gần 100 giấy cho tổ chức, cá nhân. Ông Lã Đức Đoàn, Phó Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho hay: Những năm gần đây, sở có các văn bản đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy định, giao UBND huyện giải quyết thủ tục, tuy nhiên đến nay chưa được chấp thuận. Để giảm phiền phức, từ năm 2017, Sở thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua bưu điện. Tuy nhiên, còn ít người biết đến dịch vụ này nên đa số vẫn trực tiếp ra tỉnh nộp hồ sơ, dự kiểm tra, nhận kết quả. Trong thành phần hồ sơ chỉ yêu cầu người dân nộp bản sao chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay vì nộp bản chứng thực.

Trong khi TTHC này còn gây phiền hà cho người dân, Sở Công thương cần nhanh chóng rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền đơn giản hóa; phối hợp với UBND cấp huyện phổ biến rõ các quy định của thủ tục để người dân biết và chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ, tránh đi lại nhiều lần. Người dân cần hiểu rõ quy định, đồng thời ứng dụng tối đa dịch vụ chuyển phát hồ sơ, nhận kết quả qua bưu điện nhằm giảm việc đi lại trực tiếp như hiện nay.

MINH ĐỨC