Thứ sáu,  20/09/2024

Khó khăn trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Cán bộ UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh DUY LINH)

Sau gần ba năm thực hiện Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, tại thành phố Hà Nội đã có 10 đơn vị được sắp xếp, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã phát sinh những vướng mắc từ cơ sở, đòi hỏi cần điều chỉnh một số nội dung để chính sách phát huy hiệu quả cao nhất.

Từ năm 2019 đến 2021, thành phố Hà Nội đã sắp xếp 10 đơn vị hành chính cấp xã (gồm bảy xã, phường phải sắp xếp và ba xã, phường liền kề có ảnh hưởng) của quận Hai Bà Trưng và hai huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên. Các đơn vị hành chính mới đã được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2020. Đến nay, tổ chức đảng, bộ máy chính quyền và đoàn thể các phường, xã đã đi vào hoạt động ổn định, phục vụ tốt công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tại địa phương.

Thu gọn đầu mối, giảm chi ngân sách

Hai Bà Trưng là quận duy nhất được thành phố Hà Nội lựa chọn sắp xếp đơn vị hành chính trong đợt đầu. Sau khi rà soát tiêu chí về quy mô dân số và diện tích, quận đã tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính của bốn phường Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm và Phạm Đình Hổ để thành lập mới hai phường Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ. Nhờ chủ động trong triển khai, làm tốt công tác chuẩn bị từ tổ dân phố đến phường, quận, cho nên đến nay các hoạt động trên địa bàn hai phường mới diễn ra ổn định. Đáng chú ý, dù bộ máy tinh gọn hơn, từ 118 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị hành chính giảm xuống còn 60 người sau khi sắp xếp, nhưng các hoạt động trên địa bàn không bị gián đoạn, không gây phiền phức cho người dân và doanh nghiệp khi đến thực hiện các giao dịch hành chính.

Trưởng Phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng nhận định: Kết quả rõ nét nhất khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính là góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi ngân sách, giúp quận và các phường có nhiều điều kiện lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ.

Tại huyện Phúc Thọ, sau khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính tại bốn xã, xã Phương Độ sáp nhập với xã Sen Chiểu để thành lập xã Sen Phương, xã Cẩm Đình sáp nhập với xã Xuân Phú để thành lập xã Xuân Đình, từ 48 đầu mối cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giảm xuống còn 22 đơn vị. Tổng số biên chế giảm được sau khi thực hiện sắp xếp là 34 người. Chỉ tính riêng tại xã Sen Phương, việc tinh giản biên chế sau khi sáp nhập đã góp phần tiết kiệm chi ngân sách của huyện mỗi năm khoảng 3,3 tỷ đồng. Đối với huyện Phú Xuyên, sau sắp xếp đơn vị hành chính đã giảm được 11 đầu mối, giảm 18 cán bộ, công chức và 10 cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Hà Nội sau sắp xếp giảm năm đơn vị, từ 584 đơn vị còn 579 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp là năm đơn vị. Số lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc xã, phường giảm 50%, từ 92 còn 46 đơn vị.

Đặc biệt, việc chi ngân sách tại các địa phương tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cũng đã giảm đáng kể. Năm 2020, tổng chi ngân sách tại quận Hai Bà Trưng, huyện Phúc Thọ và Phú Xuyên đã giảm được hơn 4,6 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng chi ngân sách tại ba địa phương giảm hơn 7,6 tỷ đồng, trong đó giảm nhiều nhất là khoản chi dành cho phụ cấp của cán bộ không chuyên trách.

Cần xây dựng tiêu chuẩn, lộ trình phù hợp

Qua rà soát, Hà Nội có 12 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp (gồm sáu phường, sáu xã) do cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều dưới 50% so với quy định. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp bảy đơn vị, còn lại năm đơn vị.

Trên thực tế, sau khi sắp xếp theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đơn vị hành chính cấp xã mới được hình thành có địa bàn quản lý rộng hơn và dân cư đông hơn so với trước. Khối lượng công việc, thủ tục hành chính tăng, song số lượng cán bộ, công chức lại giảm theo quy định, nên đến nay việc sắp xếp giảm số lượng cán bộ, công chức tại các đơn vị vẫn là việc khó, cần thực hiện theo lộ trình. Sau gần ba năm triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, hiện xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) còn dôi dư ba người; xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) dôi sáu người; xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên) còn dôi một người. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư còn bốn trường hợp, tại quận Hai Bà Trưng và huyện Phúc Thọ. Bên cạnh đó, chế độ của đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ việc còn thấp, chưa thỏa đáng so với mong muốn. Việc đo đạc, cắm mốc, xác định hồ sơ bản đồ địa giới hành chính đối với các đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập vẫn chưa thực hiện xong…

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn cho biết: Do các yếu tố đặc thù về lịch sử, mặt khác Hà Nội đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, vì vậy thành phố đề nghị Trung ương cho phép chưa tiếp tục thực hiện việc sắp xếp năm đơn vị hành chính cấp xã còn lại trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi tiêu chuẩn về quy mô, dân số và diện tích của đơn vị hành chính các cấp được quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do tiêu chuẩn hiện nay quá cao so thực tế, nhất là tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc thành phố Hà Nội.

Theo bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thành phố đã nghiêm túc triển khai và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính một cách bài bản, công khai, dân chủ, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Từ thực tiễn giám sát, Đoàn Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có đề xuất lộ trình tiếp tục triển khai thực hiện, cũng như việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030.

Trong đó, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo hướng dẫn các địa phương chủ động, lựa chọn thời điểm sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn một cách phù hợp, gắn với thời điểm gần tổ chức Đại hội Đảng, nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân các cấp… để thuận tiện cho công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư.

Đồng thời có chế độ, chính sách hợp lý hơn đối với cán bộ, công chức phải nghỉ việc do dôi dư sau khi sắp xếp. Riêng với Hà Nội, cần cho phép nghiên cứu, xây dựng lộ trình tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp việc xác định mô hình chính quyền đô thị, sửa đổi Luật Thủ đô và thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Theo Nhandan