Thứ sáu,  20/09/2024

Cải cách hành chính: Một chặng đường nhiều dấu ấn

LSO- Hơn 10 năm hình thành và phát triển, dù gặp không ít khó khăn nhưng lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đã ghi được những dấu ấn quan trọng, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại hóa.

Thực hiện đồng bộ     

Trong nội dung CCHC, cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được tổ chức thực hiện từ năm 2003. Theo cơ chế này, các cơ quan hành chính cấp tỉnh, UBND cấp huyện và xã sẽ giải quyết công việc của tổ chức, công dân từ việc tiếp nhận yêu cầu, hồ sơ đến trả kết quả thông qua một đầu mối là bộ phận “tiếp nhận và trả kết quả”.

Theo đó từ năm 2003, 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, xã có thủ tục hành chính (TTHC) giao diện với người dân và doanh nghiệp thực hiện tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế một cửa (18 sở, ban, ngành; 11 huyện, thành phố; 226 xã, phường). Cơ chế một cửa liên thông được thực hiện với 2 lĩnh vực: cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký con dấu tại bộ phận “một cửa” Sở Kế hoạch – Đầu tư (trước đó phải thực hiện giữa 3 cơ quan: Sở Kế hoạch -Đầu tư, Cục Thuế, Công an tỉnh). Lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính tại cơ quan đầu mối là Sở Tài nguyên và Môi trường.

 

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra kiểm soát TTHC tại Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo được bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tấn, khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho rằng: “Cơ chế này giảm phiền hà cho dân. Việc TTHC, lệ phí, thời gian giải quyết và sự phối hợp giữa các bộ phận có liên quan trong giải quyết TTHC được công khai minh bạch để người dân không lo bị cán bộ đối xử quan liêu, cửa quyền, tham nhũng”.

Đơn giản hóa TTHC

Hiện nay, toàn tỉnh thực hiện 1.623 TTHC ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Hằng năm, các cấp, ngành tiến hành rà soát nhằm đơn giản hóa TTHC theo hướng gọn nhẹ, giảm tối đa chi phí và thời gian giải quyết, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Theo đó, kết thúc Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 30/QĐ-TTg năm 2007), Lạng Sơn đã rà soát, kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và đơn giản hóa 59% TTHC hiện hành (751/1.272 TTHC), vượt 29% so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh rà soát, đánh giá tác động và đề xuất đơn giản hóa từ 25 – 40 TTHC có tần suất thực hiện lớn. Riêng năm 2013, đề xuất đơn giản hóa 25 thủ tục; năm 2014 là 35 thủ tục; năm 2015 đang tổng hợp kết quả rà soát đối với 25 thủ tục. 

Qua cải cách, cơ bản TTHC đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu quản lý của các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí xã hội, củng cố lòng tin của tổ chức, cá nhân vào chính quyền.

 

Cán bộ, chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Văn Lãng trong giờ hành chính

Từng bước hiện đại

Hơn 10 năm tổ chức thực hiện CCHC, tỉnh cũng triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cấp xã.

Đến nay, 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, thành phố; khoảng 50% cơ quan hành chính cấp xã ứng dụng hệ thống văn phòng điện tử, thư điện tử. 100% sở, ngành, huyện, thành phố có website. Hệ thống truyền hình trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO được áp dụng tại 122 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.

Ông Phạm Tuấn Tú, Trưởng phòng CCHC, Sở Nội vụ cho biết: “Để CCHC thực hiện có hiệu quả trên địa bàn, những năm qua tập thể cán bộ, cơ quan làm công tác này luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, trở ngại tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện CCHC một cách khoa học, hiệu quả. Hơn 10 năm chưa phải là dài đối với một tổ chức, càng không phải là nhiều so với lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của ngành nội vụ. Thế nhưng, với quyết tâm không ngừng đổi mới để phát triển, ngành đã từng bước khẳng định mình và đã ghi được những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển, nhất là những dấu ấn về CCHC.

Ông Phùng Đức Tứ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: với những kết quả nổi bật trong quá trình tổ chức thực hiện, chỉ số xếp loại kết quả CCHC tỉnh tăng qua từng năm. Năm 2012, Lạng Sơn xếp thứ 49/63 tỉnh, thành. Năm 2013 đã xếp thứ 26/63 tỉnh, thành. Trong giai đoạn sắp tới, ngành xác định không ngừng nỗ lực, sáng tạo nhằm thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng, Nhà nước về CCHC, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Bài, ảnh: MINH ĐỨC