Thứ sáu,  20/09/2024

Huy động nguồn lực xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia

Trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) của tỉnh Quảng Bình còn hạn chế thì việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp là cần thiết. Nhờ làm tốt công tác này, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện thành công mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với cấp tiểu học.

Huy động nguồn lực xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia

Học sinh Trường tiểu học Đồng Phú, TP Đồng Hới (Quảng Bình) trong giờ tự học trên lớp.

 

Điển hình của kết quả xã hội hóa giáo dục trong xây dựng trường chuẩn quốc gia là xã miền núi Quảng Châu, huyện Quảng Trạch. Cô giáo Đào Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học (TH) Quảng Châu cho biết, 20 năm trước, dù đời sống người dân còn khó khăn nhưng họ đều xác định, muốn thoát nghèo phải cho con em đi học để nâng cao dân trí, từ đó mới tìm được kế sách nâng cao đời sống. Vì vậy, trong hai năm 1997, 1998, xã đã huy động các nguồn lực xây dựng Trường TH Quảng Châu trở thành trường miền núi đầu tiên trên toàn quốc đạt chuẩn.

Đến thăm Trường TH Bắc Trạch (huyện Bố Trạch), chúng tôi rất ấn tượng với không gian xanh – sạch – đẹp của ngôi trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hiệu trưởng Trường TH Bắc Trạch Nguyễn Thị Hồng Thái cho biết, để quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia diễn ra đúng kế hoạch, ban giám hiệu nhà trường đã thực hiện tốt từng khâu, từng việc trong các tiêu chí trường chuẩn; đồng thời, tích cực và chủ động tham mưu với chính quyền địa phương trong việc chung tay, góp sức của các tập thể, cá nhân trên địa bàn. Để làm được điều đó, nhà trường luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tháng 12-2015, trường được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1. Không dừng lại ở đó, nhà trường đã mạnh dạn, sáng tạo để thực hiện hoàn thành mục tiêu đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2 vào giữa năm 2017. Hiện nay, Trường TH Bắc Trạch có 15 lớp với tổng số 420 học sinh. Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, tỷ lệ đạt chuẩn 100%. Nhà trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá xếp loại học sinh đúng thực chất; tổ chức được mô hình lớp học ngoài trời theo chuẩn trường học mới; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa như: kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, phòng tránh tai nạn đuối nước, an toàn học đường. Đặc biệt nhà trường đã xây dụng mô hình toàn cảnh đất nước Việt Nam ngay trong vườn trường, qua đó giáo dục các em tình yêu Tổ quốc và biển đảo quê hương sâu sắc.

Là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, để xây dựng trường TH đạt chuẩn quốc gia, những năm qua, huyện Tuyên Hóa đã lồng ghép ngân sách từ các chương trình, dự án, như: chương trình kiên cố hóa trường lớp học, Dự án 135, xây dựng nông thôn mới… với kinh phí hơn 162 tỷ đồng. Các xã, thị trấn, trường TH huy động các lực lượng xã hội, nhất là hội cha mẹ học sinh, các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các cá nhân tham gia hỗ trợ kinh phí, vật liệu để xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn. Trong 20 năm qua, toàn huyện huy động nguồn đóng góp xã hội hóa gần 17 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công. Sự tham gia đóng góp của đội ngũ nhà giáo quy thành tiền cũng đạt gần 12 tỷ đồng. Nhờ vậy đến nay, huyện Tuyên Hóa có toàn bộ 26 trường TH đạt chuẩn quốc gia, trong đó có bốn trường đạt chuẩn mức độ 2.

Theo Sở GD và ĐT Quảng Bình, hiện quy mô mạng lưới trường lớp TH trong tỉnh cơ bản được hoàn thiện. Ở vùng miền núi, hệ thống trường lớp đã về tận thôn bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Số lượng trường TH đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2012 – 2018 là 81,1% với 167 trong tổng số 206 trường, có 46 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ tạo “cú huých” trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà còn tạo nên bước chuyển tích cực về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Toàn bộ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn 96,3%. Cũng từ yêu cầu của trường đạt chuẩn quốc gia và đổi mới chương trình, phong trào học tập nâng cao trình độ và năng lực sư phạm, đổi mới phương pháp dạy học phát triển mạnh, trở thành nhu cầu tự thân của cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên.

Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã mang lại bộ mặt tươi mới, thân thiện cho các nhà trường. Khuôn viên, cảnh quan được tôn tạo khang trang; hệ thống các phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh được xây dựng và nâng cấp đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các trường TH tập trung xây dựng thư viện thân thiện, khu vui chơi vận động, trải nghiệm sáng tạo, bể bơi, nhà đa năng phục vụ học sinh. Nhiều trường học đã lắp đặt các trang thiết bị công nghệ hiện đại như máy chiếu, bảng tương tác thông minh, ti-vi màn hình lớn có kết nối in-tơ-nét phục vụ đổi mới phương pháp dạy học. Trong 20 năm, nguồn kinh phí huy động cho xây dựng trường TH chuẩn quốc gia tại Quảng Bình đạt hơn 1.073 tỷ đồng.

Giám đốc Sở GD và ĐT Quảng Bình Đinh Quý Nhân cho biết, từ những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Bình phấn đấu đến năm 2025 có 90% số trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 42,5% số trường đạt chuẩn mức độ 2; sáu trong số tám địa phương trong tỉnh có 100% số trường TH đạt chuẩn quốc gia. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa từ phía chính quyền – nhà trường – xã hội trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục TH, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân.

Theo Nhandan