Thứ sáu,  20/09/2024

Nhọc nhằn nghề giáo vùng cao

(LSO) – Xã Kiên Mộc – một xã vùng cao, khó khăn của huyện Đình Lập, trong đó 2 điểm trường Khe Luồng – Kéo Tắm, là điểm trường xa trung tâm xã, nhưng với tấm lòng yêu nghề, hằng ngày các cô giáo vẫn không quản ngại khó khăn, bám trường, bám lớp, miệt mài đem chữ ươm mầm cho trẻ vùng cao.

Trong một chuyến đi cùng đoàn cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh đến thăm, tặng quà cho giáo viên, học sinh điểm trường Khe Luồng – Kéo Tắm thuộc xã Kiên Mộc, chúng tôi mới hiểu hết những khó khăn, vất vả mà hằng ngày các cô giáo phải trải qua khi đến trường dạy học. Đoạn đường từ trung tâm xã vào đến 2 điểm trường Khe Luồng – Kéo Tắm dài hơn 20 km là một thử thách. Đây là con đường đất đỏ đã xuống cấp,   với các ổ gà, ổ trâu, rãnh sâu đủ cả. Trên chặng đường dài 20km ấy, chúng tôi gặp không ít những tình huống khó khăn, khi thì sa lầy phải xuống đẩy xe, lúc lại gặp những đoạn chằng chịt rãnh sâu phải cầm cuốc san lấp cho ô tô dễ di chuyển, có lúc dốc đứng, khi lại đổ đèo toàn sỏi đá. Thế nên phải mất gần 2 giờ đồng hồ đánh vật với đoạn đường đoàn mới vào đến điểm trường này.

Lớp học thiếu thốn của cô và trò điểm trường Khe Luồng

Thăm điểm trường và qua tìm hiểu được biết, năm học 2018 – 2019, điểm trường Khe Luồng có 16 học sinh với 2 giáo viên phụ trách, còn điểm trường Kéo Tắm có 24 học sinh và 3 giáo viên phụ trách. Học sinh ở 2 điểm trường này 100% là con em dân tộc Dao, nằm ở thôn đặc biệt khó khăn, trên 90% hộ dân thuộc hộ nghèo. Để thuận tiện cho đoàn, các thầy cô đã huy động học sinh của cả 2 điểm trường đến tập trung tại điểm trường Khe Luồng để nhận quà. Đón chúng tôi cô Nông Thị Vui, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do hôm nay trời nắng, đường khô nên việc di chuyển như vậy là còn thuận tiện, chứ ngày mưa là chỉ có đi xe máy mới vào được”. Nói vậy là có thể thấy khó khăn, gian khổ đã trở nên quá quen thuộc với các thầy cô giáo nơi đây. Nhưng bằng trái tim yêu nghề, thương những đứa trẻ vùng cao đã cho họ sức mạnh và tinh thần để vượt qua.

Điều khiến chúng tôi thêm phần cảm phục các cô giáo vùng cao nơi đây, đó là điều kiện cơ sở vật chất, lớp học, ăn ở của giáo viên và học sinh vô cùng thiếu thốn. Bởi lẽ điểm trường có 2 lớp học nên cô và trò đều phải học ghép trong những căn phòng chật chội làm từ phên, nứa và tường đất đỏ ẩm thấp, lụp xụp, đằng trước còn được che chắn có phần cẩn thận, chứ đằng sau lớp học các phên nứa lâu không được thay mới đã mục nát tả tơi. Bên cạnh đó, những lớp học này thiếu thốn đủ thứ, từ bàn ghế đến sách vở, đồ dùng học tập. Nhưng bằng nhiệt huyết của mình, các thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thiệt thòi… hằng ngày miệt mài gieo từng con chữ trên mảnh đất còn nghèo khó này.

Cô Vi Thị Hồng, giáo viên phụ trách tại điểm trường Khe Luồng chia sẻ: Những ngày đầu khi mới tới đây, khó khăn về cơ sở vật chất, ngôn ngữ và điều kiện đi lại đã phần nào làm tôi sờn lòng. Song chứng kiến những trẻ em nghèo vì mong muốn được đi học biết “con chữ” phải đi bộ gần chục cây số trên những đôi chân trần dù nắng hay mưa vẫn đều đặn đến lớp. Bên cạnh đó, đa phần các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhiều em phải nắm cơm với muối hay nấu cháo bỏ vào những chai nhựa thay cho chiếc cặp lồng để đi học bởi quãng đường từ nhà đến trường là rất xa, đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi, thôi thúc tôi cần phải cố gắng hơn nữa.

Dạy học ở nơi còn nhiều khó khăn như thế, đáp lại những tình cảm của thầy cô giáo dành cho học sinh, các em học sinh cũng như người dân ở đây luôn quý trọng, coi thầy cô như những người cha, người mẹ thứ hai của các em. Em Dương Thị Hồng, học sinh lớp 3 điểm trường Khe Luồng chia sẻ: Các cô giáo không chỉ dạy chúng em học tập mà còn chăm lo sức khỏe và quan tâm đến từng bữa ăn của chúng em, nên không chỉ em và các bạn mà cả phụ huynh đều rất quý mến cô giáo. Từ những tấm lòng chân thật đó, thế nên thi thoảng các cô lại được phụ huynh tặng cho bó rau, quả trứng… những món quà nhỏ bé, giản dị nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, động viên các thầy, cô giáo tiếp tục gắn bó và tận tụy với công việc “gieo chữ” nơi còn nhiều gian khó này.

Cô Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đình Lập cho biết: Trước những khó khăn của cô và trò Trường Tiểu học 2 xã Kiên Mộc, đặc biệt là 2 điểm trường Khe Luồng – Kéo Tắm, ngành giáo dục huyện đã tích cực tham mưu với UBND huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh về hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học kiên cố cho học sinh và thầy cô nơi đây. Nhờ đó, năm 2018 nhà trường đã được hỗ trợ xây dựng lại điểm trường chính và đang triển khai xây dựng mới kiên cố hơn tại điểm trường thôn Kéo Tắm. Tuy nguồn lực còn hạn chế, nhưng đã thể hiện sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và ngành giáo dục tỉnh trong thực hiện xóa bỏ phòng học tạm và kiên cố hóa trường lớp học trên địa bàn thời gian qua.

Vượt lên mọi vất vả, khó khăn, những thầy cô nơi đây luôn hết lòng tận tụy đem con chữ gieo mầm xanh nơi bản làng với một hy vọng rồi đây, ở những bản làng xa xôi nơi vùng cao sẽ không còn ai mù chữ, ai cũng biết đọc, biết viết, biết làm tính. Rồi đây, nhờ con chữ, các em sẽ thắp sáng bản làng bằng những kiến thức được các thầy cô truyền dạy.

HOÀNG TÙNG