Thứ sáu,  20/09/2024

Thành phố Lạng Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục cấp Trung học cơ sở

(LSO) – Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thành phố Lạng Sơn đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên đổi mới phương pháp giáo dục cấp trung học cơ sở (THCS), tạo điều kiện cho họ chủ động và thành thục phương pháp khi tiếp cận sách giáo khoa mới.

   Đổi mới  phương pháp giáo dục

Đổi mới  phương pháp ở cấp THCS mà ngành giáo dục thành phố áp dụng là chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Vai trò của giáo viên và học sinh đều thay đổi: giáo viên từ người cung cấp tri thức có sẵn sang vai trò người hướng dẫn; học sinh từ tiếp nhận kiến thức một cách bị động sang vai trò chủ động tìm hiểu, khám phá, lĩnh hội tri thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Trong quá trình thực hiện, đến nay, đã có 8/8 trường xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh cho tất cả các môn học từ khối 6 đến khối 9, có lồng ghép, xen kẽ một số tiết tăng thời lượng ở những môn học cơ bản.

Học sinh cấp THCS thành phố Lạng Sơn trong giờ thi thí nghiệm thực hành

Các nhà trường đã xây dựng và thực hiện các chủ đề tích hợp nội dung dạy học, chủ đề liên môn đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với điều kiện thực tế của trường và khả năng của học sinh. Các đơn vị đã tổ chức, thực hiện các chủ đề dạy học liên môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Toán, Vật lý, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng Anh, Hóa học. Quan tâm lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học, hoạt động giáo dục. Xây dựng các tiết học trải nghiệm sáng tạo, chương trình ngoại khóa, các hoạt động giáo dục bộ môn phù hợp với cơ sở vật chất, tình hình thực tế của từng nhà trường, nhiều hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực.

Ngành GD&ĐT thành phố chỉ đạo các nhà trường thực hiện việc đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh đúng hướng dẫn; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học. Do có sự chuyển đổi phương pháp từ thấp đến cao tương ứng với năng lực học sinh, tận dụng tốt năng lực thiết bị dạy học được trang bị và tự làm nên đã gây hứng thú cho người học; kết hợp học với thực hành thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Vì vậy, không những các tiết học đã có sự thay đổi về chất, mà kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh cũng rất khả quan. Tại hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm học 2018 – 2019, học sinh Trường THCS Vĩnh Trại đã có 4 đề tài về các lĩnh vực: Vật lý, Kỹ thuật môi trường, Khoa học xã hội – hành vi… được đánh giá cao.

   Tiếp tục áp dụng các mô hình giáo dục

Từ những thành tựu nhiều năm áp dụng mô hình trường học mới VNEN ở cấp tiểu học, ngành đã chỉ đạo các trường THCS áp dụng các thành tố tích cực của mô hình này vào dạy học. Trên nền đổi mới phương pháp dạy học nhóm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tiếp thu và vận dụng kiến thức, kỹ năng, từ đó, đẩy mạnh vận dụng kiến thức kỹ năng để giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành đối với các môn lý, hóa, sinh, công nghệ theo định hướng STEM. Dạy học theo tích hợp liên môn trong các môn học; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học.

Ngành đã chỉ đạo đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học với các nội dung như: tổ chức cho học sinh tìm hiểu kiến thức dưới hình thức “Rung chuông vàng”; hội thảo dạy học theo chủ đề STEM; hội thảo “Vận dụng những thành tố tích cực của phương pháp dạy học VNEN trong dạy học hiện hành”… Các đơn vị trường thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Phương pháp “Bàn tay nặn bột” cũng được áp dụng ở cấp học này, theo đó, ngoài nhiệm vụ học tập ở trên lớp, học sinh được giao nhiệm vụ và hướng dẫn học tập ở nhà, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua các vấn đề đặt ra trong bài học. Không quá chú trọng vào lý thuyết, giáo viên đã  dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; sau đó tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

Năm học 2018 – 2019, tỷ lệ học lực khá, giỏi đạt 78,9%; hạnh kiểm khá, tốt là 99,77%. Tỷ lệ học sinh dự thi và đỗ vào các trường THPT đạt 88,03%, trong đó  có 19,4% học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Chu Văn An. Riêng 2 trường THCS trọng điểm là Vĩnh Trại và Hoàng Văn Thụ có 17 lớp với 756 học sinh chất lượng cao đã  có 100% học sinh có học lực khá, giỏi và hạnh kiểm khá, tốt. Đánh giá thành tựu sau 5 năm thực hiện đổi mới, Nhà giáo Ưu tú Ngô Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố cho rằng: Sự chuyển biến rõ nét về chất lượng là kết quả của sự kiên trì nỗ lực của các trường THCS. Kết quả của đổi mới sẽ khiến đội ngũ tự tin hơn khi tiếp cận sách giáo khoa mới của lớp 6 bắt đầu từ năm học 2021 – 2022.

MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)