Thứ sáu,  20/09/2024

Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành GD&ĐT: Hiệu quả của sự đầu tư

(LSO) – Sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và  giảng dạy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã thực hiện trong nhiều năm qua và ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực.

   Tăng cường xây dựng hạ tầng  CNTT

Từ năm 2010, thực hiện Chỉ thị 55/2008 của Bộ GD&ĐT “Về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong ngành GD&ĐT giai đoạn 2008-2012”, với sự phối hợp và giúp đỡ của VNPT và Viettel chi nhánh Lạng Sơn, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã  đẩy mạnh kết nối Intenet băng thông rộng tới các đơn vị trường học. Đến tháng 5/2010, đã có trên 90% số cơ sở giáo dục có Intenet với chất lượng tốt. Có kết nối, việc đảm bảo thông tin, chỉ đạo điều hành từ Bộ GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục đã thông suốt hơn, kịp thời hơn; giảm thiểu tối đa các cuộc họp, kinh phí in ấn, cước phí chuyển phát.

Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Phát huy cơ sở  hạ tầng thông tin đã có, trong nhiều năm qua Sở GD&ĐT tiếp tục quan tâm và đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT tại các cơ sở giáo dục với suất đầu tư tăng dần; trong đó chủ yếu là mua sắm phần cứng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ để sử dụng phần mềm. Năm 2019 đạt tổng giá trị 31.290 triệu đồng, trong đó có 30.628 triệu đồng mua sắm phần cứng máy tính. Tính đến cuối học kỳ I năm học 2019-2020, toàn ngành có 3.584 máy vi tính phục vụ công tác hành chính; 403 phòng máy vi tính với 6.696 máy tính phục vụ công tác giảng dạy; 2.554 máy chiếu, 1.434 tivi màn hình lớn và 224 bảng thông minh phục vụ công tác chuyên môn. Ngoài ra, ngành động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên tự mua sắm máy tính để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và giảng dạy. Thống kê cho thấy, đến nay toàn ngành đã có trên 13 ngàn máy vi tính cá nhân (trong đó có trên 10 ngàn máy tính xách tay). Số lượng cơ sở vật chất này đã góp phần quan trong vào hiệu quả công tác  điều hành và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

   Nâng cao hiệu quả sử dụng CNTT

Trong thời gian qua, ngành đã tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện tại có 60/60 thủ tục hành chính đã được đưa vào phần mềm dịch vụ công trực tuyến và “một cửa” điện tử để xử lý hồ sơ qua mạng, trong đó có 57 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2; 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; trong năm 2019 đã có 323 hồ sơ được xử lý trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến.

Ngành đã phối hợp với VNPT Lạng Sơn tổ chức triển khai sử dụng phần mềm VNPT-iOffice chính thức từ tháng 11/2019. Qua đó, trao đổi trên 5 nghìn văn bản qua hệ thống với Bộ GD&ĐT và các đơn vị trong toàn ngành. Việc số hóa dữ liệu tốt nghiệp THPT từ năm 1979 đến năm 2008 đã hoàn thành đúng tiến độ. Hệ thống phòng họp trực tuyến gồm 36 điểm cầu (Sở GD&ĐT, 11 phòng GD&ĐT và 24 trường THPT) được khai thác hiệu quả, tăng cường tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, sinh hoạt chuyên môn bằng hình thức trực tuyến. Hiện tiếp tục mở rộng thêm 3 điểm cầu tại 3 trường liên cấp . Song song với việc đảm bảo hiệu quả Trang thông tin điện tử ngành GD&ĐT, ngành đã chỉ đạo 100% các đơn vị sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu ngành tại địa chỉ http://csdl.moet.gov.vn.

Cùng với việc quán triệt thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin khi khai thác sử dụng mạng, ngành đã quan tâm xây dựng nhân lực đảm bảo ứng dụng CNTT, tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ CNTT các đơn vị. Trong năm 2019, tổ chức 29 lớp bồi dưỡng ứng dụng CNTT cơ bản với 2.860 học viên; đưa tỷ lệ cán bộ giáo viên nhân viên có trình độ ứng dụng CNTT cơ bản và tương đương lên 85,4%; cùng với đó tiến hành tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các phần mềm soạn bài giảng điện tử, phần mềm quản lý thi tuyển sinh, thi THPT quốc gia, phần mềm phổ cập giáo dục, phần mềm kiểm định… nhằm nâng cao khả năng ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học. Qua thống kê đã có 226 trường sử dụng phần mềm SMAS (34 trường mầm non (MN), 66 trường tiểu học (TH), 117 trường THCS và 9 trường THPT); có 184 đơn vị sử dụng phần mềm vnEDU (29 trường MN, 56 trường TH, 69 trường THCS và 30 trường THPT). Triển khai hệ thống trường học kết nối (http://truongtructuyen.edu.vn) đến các cấp THPT, THCS, tiểu học…  với trên 4.000 chủ đề sinh hoạt chuyên môn của giáo viên.

Việc  ứng dụng CNTT đã trở thành nhu cầu cấp thiết của mỗi giáo viên, mỗi nhà trường nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Năm học 2018-2019, chỉ tính riêng các trường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã có 10.983 bài soạn và 20.476 tiết dạy ứng dụng CNTT và sử dụng bảng tương tác thông minh. Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành đã có những hiệu quả tích cực, thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành được cập nhật nhanh chóng, chính xác. Phát huy phong trào ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra – đánh giá. Vận dụng, từng bước khai thác môi trường và cách thức làm việc trực tuyến thông qua Internet đã và đang trở thành thói quen hằng ngày của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Việc dạy môn Tin học đã được thực hiện ở cấp tiểu học và được học sinh đón nhận một cách hào hứng.

MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)