Thứ sáu,  20/09/2024

Phân luồng học sinh: Tác động tích cực của công tác giáo dục nghề nghiệp

(LSO) – Thực hiện Đề án 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Lạng Sơn tăng cường công tác giáo dục nghề  nghiệp (GDNN), coi GDNN là đòn bẩy để phân luồng học sinh phổ thông.

   Phân hóa học sinh cấp THCS

Trong những năm gần đây, công tác giáo dục nghề nghiệp ở tỉnh ta đã có những bước tiến mới từ thấp đến cao mà bắt đầu công tác hướng nghiệp từ những cấp học đầu tiên. Nếu ở cấp tiểu học là những buổi hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thì đến cấp trung học là sự triển khai các mô hình nhà trường, lớp học gắn với thực tiễn sản xuất mô hình sản xuất, nghề nghiệp truyền thống như: mô hình quýt (Bắc Sơn),  hồng (Cao Lộc); một số giải pháp cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất và phẩm chất cho cây na ở Chi Lăng; phục tráng cây lê, cây mận ở Tràng Định… Chính sự chủ động, sáng tạo của các nhà trường trong việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế; cao hơn là hoạt động khởi nghiệp đã giúp học sinh từng bước có tư duy đúng đắn về nghề nghiệp, tạo điều kiện cho công tác phân luồng học sinh sau cấp THCS và THPT.

Học sinh lớp may công nghiệp Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn

Năm 2019, ngành GD&ĐT đã thực hiện cuộc khảo sát về nguyện vọng học lên của 900 học sinh tại 30 trường THCS trong tỉnh. Kết quả: có 63,56% có nguyện vọng học tiếp lên cấp THPT; 14,11% lựa chọn học nghề và tỷ lệ còn lại là muốn học tại các trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên; tham gia thị trường lao động hoặc ở nhà phụ giúp gia đình trong sản xuất kinh doanh. Đó là những “luồng” chủ yếu mà học sinh lựa chọn. Thực tế xã hội với những thông tin phong phú, đa chiều về ngành nghề, việc làm đã có tác dụng “cộng hưởng” với định hướng nghề nghiệp trong nhà trường và gia đình đã ảnh hưởng tới việc phân hóa học sinh sau cấp THCS. Qua truyền thông giáo dục, các em hiểu rằng đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp; mà ngược lại, nếu chọn ngành nghề không phù hợp với khả năng và nhu cầu xã hội, các em sẽ bị lãng phí một giai đoạn “vàng” để phát triển. Học sinh cũng đã ý thức được rằng loại hình “ 9+” tại các trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên như một lối mở đế đón các em vào học theo hình thức  “2 trong 1” mà ở đó các em vừa có cơ hội trau dồi thêm kiến thức cơ bản, vừa được học nghề trình độ trung cấp trở lên, như vậy các em đã “có lãi” 3 năm để lập thân, lập nghiệp. Một “luồng” khác cũng có sức hút không kém là tham gia lao động tại các khu công nghiệp. Đây là sự suy nghĩ rất thực tế của một bộ phận không nhỏ học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THCS. Thị trường lao động ngày càng rộng mở, ngành nghề rất phong phú, đến đó, người lao động được đào tạo để có đủ trình độ thực hành nghề, có việc làm và có thu nhập với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng/tháng, sức hấp dẫn của “luồng “ này quả không nhỏ.

Do công tác phân luồng học sinh được thực hiện tốt từ thấp đến cao và có tác động trực tiếp đến học sinh và phụ huynh học sinh, nên trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh Lạng Sơn tham gia  đăng ký dự thi đại học giảm mạnh, từ trên 80% năm 2013 xuống còn 40,5% năm 2019.

   Trường nghề – “bà đỡ” cho công tác phân luồng

Được thực hiện trong nhiều năm và đã có những kết quả bước đầu, song công tác GDNN ở Lạng Sơn chỉ thực sự có những bước tiến quan trọng khi loại hình trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên được thành lập và đi vào hoạt động. Với sự phối hợp đồng bộ của 2 ngành: GD&ĐT và lao động – thương binh và xã hội, không những cơ sở vật chất các trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên cấp huyện được phát huy, mà còn tạo ra nhiều cơ chế mang tính đặc thù để các trung tâm hoạt động. Trong  những năm học vừa qua, các trung tâm  GDNN – giáo dục thường xuyên cấp huyện đã thực sự “chung vai” san sẻ bớt gánh nặng dạy nghề cho các trường cao đẳng và trung cấp trên địa bàn. Do có sự liên kết tốt với các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề để đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, ngày càng thỏa mãn nhu cầu học nghề của thế hệ trẻ; đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường.

Với vai trò “cánh chim đầu đàn” trong thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và nhà nước về đào tạo nghề, các trường nghề trên địa bàn tỉnh không chỉ là lực lượng “chủ lực” trong đào tạo nghề, mà còn tích cực giới thiệu việc làm; giữ vai trò kết nối giữa nhà trường, các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp. Với 3 cấp đào tạo (cao đẳng, trung cấp và sơ cấp), Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn luôn là địa chỉ đáng tin cậy của học sinh phổ thông không chỉ học sinh tốt nghiệp THPT học hệ trung cấp, cao đẳng nghề; mà còn  là địa chỉ tin cậy của học sinh tốt nghiệp THCS  đến học theo hình thức “2 trong 1” (vừa học văn hóa bổ túc THPT, vừa học nghề hệ trung cấp). Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn cho biết: Cái tạo nên “sức hút” của Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn chính là việc gắn đào tạo với địa chỉ việc làm. Theo đó, nhà trường mời doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo, tiếp nhận học sinh thực tập nghề và đánh giá học sinh sau đào tạo. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tiếp nhận lao động do nhà trường cung ứng.

Phân luồng học sinh và xây dựng trường nghề vững mạnh luôn có tác dụng tương hỗ lẫn nhau. Phân luồng học sinh lành mạnh, đúng hướng sẽ cung cấp nguồn tuyển sinh dồi dào cho các cơ sở dạy nghề; trường nghề vững mạnh tạo sức hút học nghề, thúc đẩy công tác phân luồng hiệu quả.

MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)