Thứ sáu,  20/09/2024

Giúp học sinh thêm yêu ngữ văn địa phương

(LSO) – Lạng Sơn có nền văn học phong phú, trong đó đáng chú ý là thơ, truyện dân gian, truyện thơ Tày, Nùng, Sán Chay; sli, lượn, then… Song phần ngữ văn địa phương THCS chỉ gói gọn trong 1 – 2 tiết học nên chưa tạo sự hứng thú cho học sinh. Chính vì vậy, đề tài nghiên cứu, biên soạn tài liệu dạy học ngữ văn địa phương THCS tỉnh Lạng Sơn được triển khai nhằm khuyến khích giáo viên, học sinh tìm hiểu về ngữ văn địa phương.

Ngữ văn địa phương gồm hai bộ phận: ngôn ngữ địa phương và văn học địa phương. Việc giảng dạy chương trình giáo dục địa phương giúp học sinh tiếp nhận những kiến thức gần gũi, gắn với nền văn hóa, lịch sử địa phương, nhờ vậy mà người học thoát khỏi tình trạng xa rời thực tế.

Bà Lương Thị Bích Ngà, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (thành viên nhóm nghiên cứu đề tài Nghiên cứu, biên soạn tài liệu dạy học ngữ văn địa phương THCS) cho biết: Chương trình ngữ văn địa phương THCS  hiện hành chỉ có 1 – 2 tiết học dành cho ngữ văn địa phương nên những cái hay, cái đẹp của tỉnh chưa được khai thác, thể hiện. Thêm nữa, nội dung những tiết học này được biên soạn từ những năm 1998 – 1999, tuy được hiệu chỉnh nhiều lần song cấu trúc không có nhiều thay đổi nên chưa phù hợp với chương trình giáo dục có nhiều đổi mới như hiện nay cũng như trong thời gian tới. Chính vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu, biên soạn tài liệu dạy học ngữ văn địa phương THCS.

Học sinh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn tìm hiểu văn hóa, truyền thống tại Bảo tàng tỉnh

Nhóm nghiên cứu, biên soạn tài liệu do thạc sỹ Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm trưởng nhóm. Hoạt động nghiên cứu, biên soạn được triển khai từ đầu năm 2016 với mục tiêu đánh giá thực trạng dạy và học ngữ văn địa phương, xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu dạy học ngữ văn địa phương trên địa bàn tỉnh. Xây dựng bộ tài liệu ngữ văn địa phương phục vụ dạy học đảm bảo tính chính xác và tính liên môn, dễ ứng dụng trong các trường THCS, phù hợp với chương trình cấp học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tài liệu ngữ văn địa phương THCS được xây dựng với thời lượng khoảng 30 tiết gồm các kiến thức như: văn học dân gian địa phương, văn học trung đại, hiện đại, ngôn ngữ địa phương… Tùy theo sự yêu thích của các em mà giáo viên có thể linh hoạt hướng dẫn tìm hiểu, tăng thời lượng… Sau khi hoàn thành bộ tài liệu, nhóm nghiên cứu tiến hành thực nghiệm tại một số trường THCS thuộc huyện Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn, huyện Tràng Định với 12 lớp, 399 học sinh. Để giáo viên ngữ văn nắm vững nội dung bộ tài liệu, trước khi tiến hành thực nghiệm, nhóm nghiên cứu tiến hành tập huấn, hướng dẫn nội dung, phương pháp dạy học tài liệu ngữ văn địa phương cho 30 giáo viên ngữ văn các trường.

Sau khi được tiến hành thực nghiệm, đề tài đã phát huy hiệu quả tích cực trong bồi dưỡng kiến thức cho cả giáo viên và học sinh trên các lĩnh vực kiến thức kỹ năng văn học sử địa phương, tiếp nhận tác phẩm văn học, lý luận văn học, ngôn ngữ, làm văn về các đề tài địa phương, văn hóa tổng hợp. Tại 3 đơn vị thực nghiệm các tiêu chí đánh giá tài liệu dạy học ngữ văn địa phương đều đạt từ mức trung bình trở lên, chủ yếu là đánh giá cao. Giáo viên có sự đầu tư trong quá trình thể nghiệm cả về nội dung, phương pháp dạy học, từ đó khích lệ được sự yêu thích và niềm say mê học tập môn ngữ văn trong học sinh.

Em Trần Hồng Nhị, học sinh Trường THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm học vừa qua, chúng em được học ngữ văn địa phương, trong chương trình này, em được tìm hiểu về văn học hiện đại và ngôn ngữ địa phương. Em rất thích vì nó gần gũi, em đã sưu tầm và học được một số làn điệu then, sli trong quá trình tìm hiểu theo gợi ý của cô giáo.

Tại buổi nghiệm thu, đề tài nghiên cứu, xây dựng tài liệu dạy học ngữ văn địa phương THCS  được Hội đồng khoa học tỉnh xếp loại xuất sắc. Đây là một trong số ít đề tài được xếp loại xuất sắc những năm trở lại đây. Thời gian tới, tài liệu này sẽ được triển khai rộng rãi trong cấp học THCS tạo hứng thú cho giáo viên cũng như học sinh đối với nội dung này. Từ đó, nâng cao chất lượng dạy và học môn ngữ văn trên địa bàn tỉnh.

HOÀNG VƯƠNG