Một trong những biểu hiện nổi cộm nhất về “bệnh thành tích” là tỷ lệ học sinh giỏi cao thất thường được nhiều cơ sở giáo dục coi như là một hình thức đánh bóng vị thế, thương hiệu nhà trường.

Trong buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học mới, ban giám hiệu một nhà trường đã cung cấp cho các bậc phụ huynh về chất lượng giáo dục năm học vừa qua thông qua những con số cụ thể. Nhà trường có hơn 1.700 học sinh với 40 lớp, tỷ lệ học sinh giỏi của ba khối (lớp 10, 11, 12) là gần 1.156 học sinh, chiếm khoảng 68%.

Riêng đối với khối 12, nhà trường thông báo: Trong tổng số 650 học sinh thì có 356 học sinh giỏi, 638/650 học sinh (chiếm hơn 98%) thi đỗ tốt nghiệp, trong số đó 182/650 học sinh (chiếm 28%) có tổng điểm 3 môn thi xét tuyển đại học đạt từ 24 điểm trở lên. Trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh, nhà trường có 30 học sinh dự thi thì 14 học sinh đoạt giải (2 nhì, 4 ba, 8 khuyến khích).

“Bệnh thành tích” - nhìn từ một cách tính khoa học
Học sinh trường THCS Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội tại lớp học. Ảnh minh họa: TTXVN

Từ con số nêu trên ở khối lớp 12, một chuyên gia giáo dục vốn là người rất giỏi về toán học, sau khi tính toán một cách khoa học, đã nhận định thực tế ở trường này có 4 loại giỏi.

Giỏi đại trà thể hiện ở con số 356/650 (chiếm 55%) học sinh được nhà trường căn cứ vào điểm trung bình chung các môn học từ 8,0 điểm trở lên để xếp loại học sinh giỏi trong năm học.

Giỏi tương đối thực chất thể hiện ở con số 182/650 (chiếm 28%) học sinh có tổng điểm 3 môn thi xét tuyển đại học đạt từ 24 điểm trở lên (tức là trung bình mỗi môn thi được 8 điểm trở lên).

Giỏi mũi nhọn thể hiện ở con số 30/650 (chiếm 4,6%) học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Giỏi đỉnh cao thể hiện ở con số 14/650 (chiếm 2,1%) học sinh đoạt giải khuyến khích trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi.

Tiếp đó, chuyên gia giáo dục lấy tổng số học sinh giỏi đại trà, giỏi tương đối thực chất, giỏi mũi nhọn, giỏi đỉnh cao rồi chia cho 4 loại giỏi theo phép tính: (55% + 28% + 4,6% + 2,1%) : 4 = 22,4% (tính tròn số).

Như vậy, theo ý kiến của chuyên gia, tỷ lệ 22,4% là tỷ lệ tương đối phù hợp với khả năng học sinh học giỏi của nhà trường. Từ cách tính này, số lượng học sinh giỏi của nhà trường là: 22,4% x 650 = 145 (tính tròn số). Điều đó có nghĩa là toàn trường có 145 học sinh giỏi.

Còn nếu tính một cách chính xác hơn, tỷ lệ học sinh giỏi của trường chủ yếu rơi vào đối tượng có tổng điểm 3 môn thi xét tuyển đại học đạt từ 24 điểm trở lên và đối tượng tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, tức là: (28% + 4,6%) : 2 = 16,3%. Từ cách tính này, số lượng học sinh giỏi của nhà trường là: 16,3% x 650 = 105 (tính tròn số). Điều đó có nghĩa là toàn trường có 105 học sinh giỏi.

Rõ ràng, việc lượng hóa học sinh giỏi một cách bài bản, công phu, cẩn thận, mang tính chất khoa học như vậy đã phần nào cho thấy “lỗ hổng” trong việc đánh giá kết quả, thành tích, danh hiệu học sinh giỏi ở nhiều nhà trường phổ thông hiện nay còn rất cảm tính, chủ quan. Đây chính là căn nguyên sâu xa, là mầm mống trực tiếp để cho “bệnh thành tích” trong các nhà trường luôn có cơ hội sinh sôi, nở rộ.

“Bệnh thành tích” thực chất là nuôi dưỡng sự giả tạo, gian dối. Nếu không từng bước đẩy lùi, khắc phục triệt để căn bệnh này thì phương châm “Dạy thật, học thật, nhân tài thật” – mà người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu ngành giáo dục phải quyết liệt triển khai, thực hiện nghiêm túc ở các cấp học, các nhà trường – sẽ còn nhiều thách thức và khó thành hiện thực.