Với cách tuyển sinh hiện nay của một số trường đại học, không ít học sinh, đặc biệt là học sinh ở vùng nông thôn băn khoăn liệu những phương thức này có khiến cơ hội của thí sinh bị thu hẹp.

Thay đổi cách học

Kỳ tuyển sinh đại học năm nay có hơn 10 phương thức xét tuyển, trong đó nhiều trường đại học chỉ dành khoảng 10-15% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), phần lớn chỉ tiêu dành để xét tuyển thẳng hoặc dùng kết quả thi đánh giá năng lực, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế…

Bảo đảm quyền lợi, khả năng tiếp cận bình đẳng cho thí sinh
Công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2021 tại điểm Trường THCS Bế Văn Đàn, Hà Nội. 

Việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, điển hình là IELTS, TOEFL đã khiến cuộc đua ôn luyện tiếng Anh trở nên sôi động. Điều này khiến nhiều học sinh nông thôn dù có năng khiếu và tình yêu ngoại ngữ cũng ít dám mơ đến hình thức xét tuyển này, bởi chương trình trong sách giáo khoa không thể đáp ứng đủ cho kỳ thi mang tính chất học thuật cao như IELTS hay TOEFL. Để có đủ điểm IELTS cần nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, trong khi kiến thức sách giáo khoa chủ yếu là ngữ pháp. Cô Nguyễn Thanh Bình, giáo viên dạy tiếng Anh Trường THPT Văn Lâm (Hưng Yên) cho biết: “Ngay với học sinh lớp 10, tôi đã khuyên các em tập trung luyện thi IELTS để tăng cơ hội vào đại học nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con theo học”. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh nào đó, mức độ cạnh tranh vào các trường thuộc tốp đầu ngày càng quyết liệt lại khiến học sinh phải điều chỉnh mục tiêu hoặc thay đổi cách học nếu muốn tiếp tục “cuộc chơi”. Cô Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc tuyển sinh đại học dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ trong giai đoạn hiện nay là đúng hướng. Đây sẽ là động lực góp phần thúc đẩy mạnh mẽ giáo viên và học sinh thay đổi tư duy, phương pháp dạy và học tiếng Anh.

Em Trần Minh, học sinh lớp 12 Trường THPT Văn Chấn (Yên Bái) hơn một năm nay quyết tâm đầu tư những khóa học online luyện thi IELTS. Để chuẩn bị cho kỳ thi, Minh “khăn gói” lên Hà Nội vài lần để luyện thi trực tiếp cũng như thi thử. Thời gian và công sức để ôn luyện là rất lớn, cùng với sự hỗ trợ của thầy cô giáo trong các khóa học trực tuyến, Minh tin sẽ có nhiều cơ hội vào được ngôi trường em mơ ước.

Bình đẳng trong tiếp cận

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tổng chỉ tiêu các trường xác định cũng như con số nhập học thực tế trong năm 2021, 90% thí sinh nhập học theo một trong hai phương thức là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác chưa đến 10%. Bộ GD&ĐT cũng khẳng định xu hướng mùa tuyển sinh năm 2022 sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2021. Việc tuyển sinh tuân thủ nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp theo các ngành nghề, lĩnh vực và phương thức tuyển sinh mà các trường áp dụng; mặt khác cũng tùy thuộc nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào các phương thức. Do vậy, thí sinh không trúng tuyển ở phương thức này vẫn có cơ hội trúng tuyển bằng phương thức khác theo đúng năng lực của mình trong bối cảnh cạnh tranh với các thí sinh khác có cùng nguyện vọng.

Theo các chuyên gia giáo dục, hai năm nay, khi chuyển sang thi tốt nghiệp THPT, mục tiêu chính của kỳ thi là để xét tốt nghiệp THPT và đánh giá quá trình dạy học ở phổ thông chứ không hẳn là xét tuyển đại học. Bởi vậy, các trường tốp đầu cần những sinh viên ưu tú thì phải có những phương thức tuyển sinh đánh giá học sinh khác, phù hợp với yêu cầu. PGS, TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã định hướng những trường đại học tốp đầu chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển. Các trường cần có thêm những hình thức chọn lọc bổ sung để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Trường đã mở ra những hướng tuyển sinh khác nhau và thông báo rất cụ thể về chỉ tiêu để thí sinh nắm rõ.

Những trường sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đều cho rằng đây chỉ là một trong những cơ sở để xét tuyển, không phải tiêu chí duy nhất. Nhà trường không xét tuyển hết những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ rồi mới xét tới thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT mà còn căn cứ kết hợp cả kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức này là độc lập, ngang hàng, bảo đảm quyền lợi của thí sinh và tạo ra khả năng tiếp cận bình đẳng.

Với các thí sinh lo ngại liệu có thiệt thòi, bất công nếu các trường thêm tiêu chí IELTS, TOEFL, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Đa phần các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Một số cơ sở giáo dục đại học có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh, nên việc sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển là điều bình thường, hợp lý, có tính hội nhập quốc tế”.

Tuy nhiên, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo các trường khi đưa ra những phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh cần bảo đảm sự ổn định, tránh việc gây xáo trộn, biến động lớn ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh. Các tiêu chí tuyển sinh cần phù hợp với ngành đào tạo và phân loại được thí sinh, việc xét tuyển thực hiện trên cùng thang đo, trên một mặt bằng chung nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào, tăng cường cả chất lượng đào tạo, để xây dựng và khẳng định uy tín của nhà trường; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực cho thí sinh, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo, các vùng miền, khu vực.