“Linh hoạt” thực hiện kế hoạch giáo dục

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 quy định môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học lựa chọn. Chương trình cũng cho phép nhà trường tổ chức dạy học tự nguyện, không bắt buộc và không chính khóa. Tuy nhiên, bản chất của dạy học chính khóa và không chính khóa khác nhau, cả về phương thức tổ chức dạy học và vai trò trách nhiệm của người dạy, người học, mặc dù có cùng mục tiêu giúp cho học sinh được phát triển toàn diện và tạo cơ hội cho năng lực riêng có của mỗi em được phát huy tối đa. Việc nhiều nhà trường xếp thời khóa biểu lồng ghép (chèn) giữa các môn học và hoạt động giáo dục chính khóa và không chính khóa, giữa học bắt buộc và học tự nguyện như vừa qua là rất sai, thiếu minh bạch, gây bất bình trong phụ huynh và xã hội.

Cần minh bạch giữa học bắt buộc và tự nguyện

Học sinh tham gia các hoạt động học tập ngoại khóa. 

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) số tiết học bình quân hàng tuần ở tiểu học 30 tiết, trung học cơ sở là 29,5 tiết và trung học phổ thông là 29 tiết. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn quy định mỗi tiết học sinh phổ thông phải học thời gian là bao lâu là phù hợp tới sức khỏe học đường và khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh. Nếu các trường tự ý đưa các môn học không chính khóa vào thời khóa biểu, vô hình trung đã tăng áp lực lên học sinh một cách đáng kể. Học sinh sẽ ít có thời gian nghỉ ngơi và hoạt động ngoài giờ hơn. Chất lượng học tập chắc chắn sẽ giảm sút đồng thời ảnh hưởng lớn tới tâm sinh lý lứa tuổi của các em.

Để xảy ra tình trạng trên, có thể một số trường hiểu đơn giản là để thuận tiện cho quá trình kiểm tra, giám sát và đánh giá việc tổ chức dạy học và giáo dục, là chuẩn hóa và công khai hóa hoạt động quản lý của nhà trường. Tuy nhiên, không ít nơi lợi dụng sự “linh hoạt” thực hiện kế hoạch giáo dục theo yêu cầu chương trình mới, để thiếu sự tường minh giữa việc học bắt buộc và tự nguyện, giữa nhiệm vụ của người dạy hay sự tự nguyện cống hiến của giáo viên, giữa hình thức học thu phí theo thỏa thuận và học thu phí theo quy định. Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về hiệu trưởng và ban lãnh đạo nhà trường. Tiếp đến là các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên đã buông lỏng kiểm tra, giám sát hoạt động dạy học tự chọn, học tự nguyện.

Vấn nạn học thêm và giờ là học tự nguyện là những hiện tượng tự nhiên tồn tại khách quan trong các nhà trường, chúng ta không thể cấm mà cần chung sống với nó theo nguyên tắc phát huy tác dụng tích cực và hạn chế, quản lý được yếu tố tiêu cực của các hiện tượng này.

Cân đối thời gian học tự nguyện

Các môn học tự nguyện phải có thời khóa biểu riêng, bởi học tự nguyện rất ít xảy ra có 100% học sinh trong lớp hay trong trường tham gia. Việc tổ chức dạy học phải ngoài giờ chính khóa, địa điểm có thể trong hoặc ngoài trường; có phương án cụ thể để quản lý, tổ chức hoạt động phù hợp cho những học sinh không tham gia học tự nguyện. Cân đối thời gian học tự nguyện để tránh quá tải cho học sinh và không bị áp lực cho công tác quản lý nhà trường. Quan tâm tới mức đóng học phí của học sinh, có miễn giảm với những học sinh thuộc diện khó khăn.

Vượt khó đi lên là phẩm chất tốt, nhưng không vì thế mà các cấp quản lý giáo dục, hiệu trưởng nhà trường cố tổ chức triển khai dạy học tự nguyện dù còn khó khăn nhiều về nội dung, người dạy và cơ sở vật chất cho dạy và học.

Các môn học và hoạt động giáo dục tự nguyện phải được công khai trong trường học, trong cộng đồng cha mẹ học sinh để mọi người lựa chọn. Nội dung thông báo phải ghi rõ mục đích, nội dung, thời gian, địa điểm, tên tổ chức hay cá nhân giảng dạy, cách đánh giá chất lượng người học và mức thu phí thỏa thuận cho từng hoạt động.

Để bảo đảm “cái chung, bắt buộc” và những môn học, hoạt động tự nguyện. Theo tôi cần công khai dân chủ trong hoạt động quản lý nhà trường, đổi mới và sáng tạo thấm sâu vào mọi thành viên trong trường là nguyên tắc vàng cho các nhà trường hiện nay. Cần rạch ròi giữa hai loại hình dạy học tự nguyện và bắt buộc, không gian và thời gian cũng phải không sắp xếp trùng nhau. Về quản lý cũng có sự khác biệt tương đối. Dạy học bắt buộc thuộc về quản lý nhà nước, do nhà trường có trách nhiệm quản lý. Dạy và học tự nguyện do nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh, các tổ chức giáo dục có uy tín được mời liên kết cùng hoạt động và loại hình hoạt động này có thu phí theo thỏa thuận.

Ở các nước phát triển, hoạt động có thu phí được tổ chức dưới dạng các câu lạc bộ giáo dục ngoài giờ. Nhà trường quản lý, giám sát và quyết định về chuyên môn, quyết định nội dung giáo dục và đánh giá chất lượng người dạy, người học, có hỗ trợ cơ sở vật chất cũng như bố trí thời gian giáo dục của câu lạc bộ hợp lý. Các tổ chức liên kết chịu trách nhiệm triển khai hoạt động các câu lạc bộ và cùng với phụ huynh thống nhất mức phí thỏa thuận của học sinh.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/can-minh-bach-giua-hoc-bat-buoc-va-tu-nguyen-745831