Thứ sáu,  20/09/2024

Vi phạm hành lang an toàn giao thông: Khó khăn trong xử lý

(LSO) – Trong 6 tháng đầu năm 2019, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ diễn ra phức tạp. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh, trên địa bàn 11 huyện và thành phố đều để xảy ra tình trạng lấn chiếm. Điều đáng nói tình trạng này tái diễn nhiều năm mà chưa được xử lý dứt điểm.

Theo thống kê từ Sở GTVT, trong 6 tháng đầu năm 2019, tại 11 huyện và thành phố đã phát hiện 3.247 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, vi phạm xảy ra nhiều trên địa bàn một số huyện như: Tràng Định, Chi Lăng, Bình Gia, Cao Lộc, Văn Quan… Cụ thể: huyện Tràng Định có 237 trường hợp vi phạm, Chi Lăng có 248 trường hợp, Bình Gia có 182 trường hợp, Cao Lộc có 276 trường hợp, Văn Quan có 364 trường hợp.

Nhiều khu vực trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được ngành giao thông tỉnh liệt vào danh sách “báo động” về tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Điển hình là các khu vực dọc theo tuyến quốc lộ 1A (thuộc địa phận thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc), không chỉ có tình trạng bà con kinh doanh, buôn bán lấn đường quốc lộ, mà còn tồn tại tình trạng tập kết cát, tập kết vật liệu xây dựng.

Lực lượng quản lý đô thị của huyện Đình Lập ra quân giải tỏa những hộ kinh doanh vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ

Trong số trên 3,2 nghìn trường hợp vi phạm, việc xử lý chủ yếu là vận động cá nhân vi phạm tự tháo dỡ những mái che, mái vẩy, bỏ ô che (vận động được hơn 1 nghìn trường hợp). Còn những trường hợp vi phạm như: xây dựng nhà kiên cố, san lấp mặt bằng trong hành lang đường bộ; sử dụng hành lang đường bộ trái phép, họp chợ, sử dụng lòng đường trái phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm, dẫn đến vi phạm vẫn tái diễn.

Ông Hoàng Như Bách, trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Tràng Định cho biết: Tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện hiện chưa xử lý dứt điểm được. Nguyên nhân thì có rất nhiều, trong đó, việc kiểm tra, xử lý của chính quyền cấp xã còn yếu khiến vi phạm tồn tại lâu. Nguyên nhân nữa là do lực lượng tuần đường chưa làm tốt công tác kiểm tra. Chính vì thế, nhiều trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông chưa được phát hiện kịp thời. Cùng đó, cán bộ phụ trách lĩnh vực này ở cấp huyện rất thiếu.

Cũng giống như Tràng Định, hầu hết các huyện và thành phố đều gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý những vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Chính quyền cấp xã, thị trấn chưa thật sự chủ động trong việc ngăn chặn việc vi phạm hành lang đường bộ ngay từ khi phát hiện vi phạm và chưa xử lý chưa quyết liệt các trường hợp vi phạm nhất là việc xây dựng công trình, trong phạm vi hành lang còn diễn ra tương đối phổ biến, số lượng vi phạm lớn. Cùng đó, việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ với chính quyền địa phương trong việc kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm chưa chặt chẽ, thiếu tính chủ động, do đó tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn xảy ra và chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngoài những nguyên nhân trên, qua trao đổi với lãnh đạo phòng kinh tế hạ tầng một số huyện, được biết, các công trình vi phạm trong phạm vi đất của đường bộ nói riêng và hành lang an toàn giao thông đường bộ nói chung đều được xây dựng từ những năm trước khi cải tạo mở rộng đường. Do đó, quá trình tuyên truyền, vận động và xử lý những trường hợp vi phạm trong phạm vi đất của đường bộ gặp khó khăn.

Cùng đó, công tác giải phóng mặt bằng chưa triệt để, có khu vực chưa cắm mốc, có khu vực đền bù nhưng chưa giải phóng mặt bằng, hồ sơ giải phóng mặt bằng không rõ ràng, dẫn đến công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về hành lang an toàn giao thông gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa tốt, còn có nhiều trường hợp vi phạm cố tình chống đối, không di dời…

Có thể thấy rằng, năm nào các ngành, các cấp đều xây dựng kế hoạch để xử lý tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Nhưng việc thiếu kiên quyết từ cấp xã, cấp huyện và cả lực lượng quản lý đô thị, cùng đó là sự thiếu đồng bộ trong các giải pháp thực hiện dẫn đến tình trạng vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông vẫn tái diễn.

Tình trạng vi phạm này còn tồn tại thì chắc chắn sẽ không chỉ ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, mà còn tiềm ẩn những nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, những giải pháp mà chính quyền các cấp đang triển khai cũng chỉ là ra quân theo kế hoạch từng thời điểm mà chưa có “lời giải” nào một cách cụ thể để xử lý dứt điểm.


Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

(LSO) – Thực hiện Chỉ thị 06-CT/TU ngày 18/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh tuy đã có những chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp. Phóng viên Báo Lạng Sơn phỏng vấn nhanh lãnh đạo một số đơn vị liên quan về một số giải pháp.

Ông Nguyễn Đắc Hưởng, Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đình Lập: Tăng cường chỉ đạo chính quyền cấp xã vào cuộc trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

Tình trạng vi phạm trật tự hành lang an toàn đường bộ còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nguyên nhân có phần chưa sát sao của chính quyền cấp xã đối với lĩnh vực này. Để khắc phục, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã vào cuộc xử lý vi phạm. Trong đó nêu rõ các xã phải xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ phụ trách từng thôn bản để chủ động nắm bắt thông tin phát hiện sớm, chủ động xử lý và phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện giải tỏa vi phạm. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu xã tổ chức ký cam kết với các hộ dân có đất trong phạm vi đất quy hoạch hành lang an toàn giao thông đường bộ không vi phạm về san lấp, xây dựng công trình, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ 4B và quốc lộ 31.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Hữu Lũng: Sớm cắm mốc lộ giới trên các tuyến đường tỉnh.

Trên địa bàn huyện Hữu Lũng có 4 tuyến đường tỉnh và 1 tuyến quốc lộ, công tác quản lý đất đường bộ và hành lang an toàn đường bộ được huyện triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, trong thực tế quản lý lĩnh vực này trên địa bàn huyện có nhiều điểm vướng mắc nhất là đối với các tuyến đường tỉnh hiện vẫn chưa được cắm mốc xác định lộ giới. Từ vấn đề này việc tuyên truyền vận động người dân chấp hành quy định về bảo vệ đất đường bộ, hành lang an toàn đường bộ đang rất vướng. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các vi phạm hành lang an toàn đường bộ, cơ quan có thẩm quyền cần sớm có kế hoạch cắm mốc lộ giới trên các tuyến đường tỉnh.

Ông Vi Văn Dân: Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Lạng Sơn: Đẩy nhanh tiến độ hiệu chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ.

Để giải quyết tốt tình trạng vi phạm hành lang đường bộ, UBND các huyện, thành phố và Sở Tài nguyên Môi trường cần khẩn trương hiệu chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nằm dọc các tuyến đường. Hiện nay, tình trạng người dân được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với đất đường bộ và hành lang an toàn đường bộ khá phổ biến. Điều này khiến cho công tác phát hiện sớm cũng như xử lý ngăn chặn vi phạm hành lang an toàn đường bộ gặp nhiều khó khăn.

TRANG NINH - LƯU VŨ