Thứ sáu,  20/09/2024

Người nuôi cá lồng chủ động trong mùa mưa bão

(LSO) – Những năm gần đây, tận dụng diện tích mặt nước ở các  sông, hồ, đập, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời điểm hiện nay bắt đầu vào mùa mưa bão, người chăn nuôi cá lồng đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng cá.

Có mặt tại gia đình ông Lưu Văn Chằn, phố Đức Thịnh, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan sau một năm kể từ khi cơn bão số 4 (năm 2018) đi qua, ông Chằn chia sẻ: Tận dụng nguồn nước suối Lùng Cà, từ năm 2014, gia đình tôi đã đầu tư nuôi 4 lồng cá trắm đem lại nguồn thu nhập khá. Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 năm 2018, 2 lồng cá của gia đình tôi bị lũ cuốn trôi, 8 tạ cá trắm bị mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng 80 triệu đồng.

Ông Lưu Văn Chằn, phố Đức Thịnh, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan gia cố lồng cá

Rút kinh nghiệm năm trước, bước vào mùa mưa bão năm nay, gia đình ông đã chủ động mua thêm dây thừng, dây cáp, gia cố lại toàn bộ hệ thống phao nổi; di chuyển các lồng cá vào nơi an toàn, tránh dòng nước chảy xiết.

Bà Triệu Thị Nga, Chủ tịch UBND thị trấn Văn Quan cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 218 lồng cá với 110 hộ nuôi. Năm 2018, ảnh hưởng của cơn bão số 4 đã khiến 4 lồng cá bị trôi, thủng, tổng thiệt hại 8,87 tấn cá, trị giá khoảng 800 triệu đồng. Nguyên nhân là một số hộ nuôi bằng lồng lưới quây, khi nước lũ về, cây cối bám xung quanh lồng làm rách lưới; một số hộ chủ quan, để lồng cá giữa dòng chảy nên không kịp di chuyển lồng cá vào bờ. Năm 2019, để bảo vệ các lồng cá khi mùa mưa, bão đến, ngay từ đầu năm, UBND thị trấn đã phối hợp với Trung tâm Thủy sản tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng chuyển từ lồng lưới quây sang lồng phao nổi; bố trí, sắp xếp vị trí lồng cá, không để lồng cá ở các nơi nước lũ chảy xiết…

Không chỉ Văn Quan, hiện nay, các hộ nuôi cá lồng trong toàn tỉnh đều đang triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng cá trong mùa mưa, lũ, bão năm nay.

Hiện nay, toàn tỉnh có 422 lồng cá, tập trung chủ yếu tại các huyện: Văn Lãng, Văn Quan, Tràng Định, Lộc Bình, Bình Gia, Bắc Sơn… Những năm gần đầy, hầu hết hộ nuôi cá lồng đã chủ động chuyển đổi từ việc nuôi lồng lưới quây sang lồng phao nổi, ưu điểm của lồng phao nổi là khi có lũ, nước lên cao, lồng cá theo đó dâng lên, người nuôi kịp thời di chuyển các lồng cá đến vị trí an toàn. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 20% số hộ nuôi cá bằng lồng lưới quây tại huyện Văn Quan, để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ tháng 3/2019, UBND huyện Văn Quan đã có văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền hộ nuôi chuyển sang lồng nổi.

Ông Dương Doãn Doanh, Phó Giám đốc Trung tâm Thủy sản cho biết: Vào mùa mưa, lũ, nước đục, nhiều rác thải là điều kiện phát sinh bệnh ở đàn cá. Do vậy, để giảm thiểu thiệt hại, các hộ nuôi cá lồng cần thường xuyên vệ sinh lồng để đảm bảo thông thoáng; cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cá tăng sức đề kháng bằng cách bổ sung vitamin C, tỏi tươi và chế phẩm sinh học; rắc vôi ở đầu lồng để khử trùng. Các hộ cần chủ động gia cố lại lồng, thường xuyên kiểm tra dây neo, mối hàn, điểm nối, đặc biệt là lưới xung quanh lồng, đáy lồng, lưới chắn mặt lồng để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi có thông tin về tình hình mưa bão, cần chú ý tăng độ cao mép lưới từ 50 cm – 1m (đối với lồng lưới quây) và chủ động di chuyển các lồng cá đến vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy xiết…

KIM HUYÊN