Hành hung từ va chạm nhỏ

Ngày 12-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 3 bị can: Vũ Văn Lực (sinh năm 1997), Nguyễn Thành Sang (sinh năm 1996), Bùi Thế Quang (sinh năm 1997), cùng trú tại huyện Việt Yên về các hành vi “giết người” và “che giấu tội phạm”. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, trưa 3-2, khi đang trên đường đi chúc Tết, xe ô tô của các đối tượng va chạm giao thông với xe ô tô của anh Thân Văn Tùng. Sau va chạm, hai bên xảy ra xô xát, đánh nhau, đối tượng Vũ Văn Lực đã dùng dao nhọn mang sẵn trên người đâm liên tiếp khiến anh Tùng bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu. Hay như vụ việc tại tỉnh An Giang mới đây cũng gây phẫn nộ trong dư luận. Theo đó, tối 3-2, Nguyễn Thanh Huy (sinh năm 1997, ngụ phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu) điều khiển xe máy lưu thông trên đường tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân thì xảy ra va chạm giao thông với L.V.N (sinh năm 2001, ngụ quận Bình Tân) đang điều khiển xe máy chở theo T.N.G.B (sinh năm 2009). Lúc này, cả hai bên xảy ra mâu thuẫn. Khi đến đoạn đường Tân Kỳ-Tân Quý (khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa A), khi hai xe đang chạy với tốc độ cao thì Huy dùng chân đạp vào xe anh N. làm xe va vào trụ điện. Hậu quả, anh N. tử vong tại hiện trường, còn B. tử vong khi đang cấp cứu tại bệnh viện. Sau khi gây án, Huy đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Hiện nay, chưa có thống kê chính thức về số người bị tổn thương sau những vụ ẩu đả chỉ vì va chạm giao thông, nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do ý thức của một số người dân về văn hóa tham gia giao thông còn khá hạn chế nên họ không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến hậu quả ra sao. Ở khía cạnh khác, việc thiếu hiểu biết pháp luật cũng chính là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng một bộ phận người dân tham gia giao thông tự cho mình quyền phán xét, bắt nạt người khác mà quên đi những hệ lụy pháp lý có thể sẽ phải đối mặt bởi chính hành vi của mình.

Lo ngại tình trạng bạo lực sau khi va chạm giao thông
 Sau khi va chạm giao thông, cần phải giữ bình tĩnh, ứng xử có văn hóa. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Khánh ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội bắt tay với người lái xe đã tông vào xe mình. Ảnh: NGUYỄN ĐẠT.

PGS, TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Tình trạng người dân xô xát, tranh cãi sau khi xảy ra va chạm giao thông có lẽ không còn xa lạ gì với chúng ta. Tuy nhiên, chưa cần biết ai đúng ai sai, cả hai bên đã vội vã xuống xe tranh cãi, thậm chí chửi bới, đánh nhau thậm tệ giữa đường. Đây là hiện tượng rất đáng tiếc, rất đáng phê phán thậm chí là lên án. Về tâm lý, các chủ phương tiện không đủ bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc của bản thân nên đã có những lời nói, hành động thiếu văn hóa, gây ra mâu thuẫn gay gắt, những hành vi bạo lực không đáng có và nếu họ không quá đề cao cái tôi cá nhân và lợi ích bản thân thì hậu quả của vụ việc sẽ không đến mức nghiêm trọng”.

Phạt nặng và tăng cường công tác tuyên truyền

Ở góc độ pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: “Một trong những yếu tố gây nên xung đột sau va chạm là ai cũng muốn trở thành người phán xử, trong khi thực tế, theo quy định, họ không có chức năng, nhiệm vụ đó. Những hành vi như vậy tùy vào tính chất, mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp cố ý gây thương tích mà có tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên hoặc là dưới 11% nhưng hành vi có tính chất côn đồ thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt cao nhất có thể tù chung thân. Còn với hành vi có thể gây chết người hoặc là hành vi nhằm mục đích sát hại nạn nhân, nạn nhân tử vong hoặc được cấp cứu kịp thời thì người gây thương tích sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015″.

Trước thực trạng trên, để góp phần xây dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh của xã hội, các cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông, đặc biệt là các trường hợp vì va chạm giao thông mà hành hung người khác. “Để văn hóa giao thông ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người khi tham gia giao thông, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ và các quy định về an toàn giao thông đến người dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, đưa vào giảng dạy trong trường học”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm.

Còn đối với người dân, khi xảy ra tai nạn, va chạm, cần phải giữ bình tĩnh, ứng xử có văn hóa, không có những lời nói hoặc hành động nhằm gây mâu thuẫn với người điều khiển phương tiện đã xảy ra va chạm, tránh đẩy mâu thuẫn lên cao, có thể gây ra ẩu đả, thiệt hại về người và tài sản, đồng thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất đến giải quyết vụ việc. Mỗi người đều thể hiện sự nhường nhịn, ứng xử văn minh, lịch sự sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông để những chuyện đáng tiếc không xảy ra, gây hậu quả nặng nề.