Sau 1 tháng cao điểm xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (từ ngày 20-6 đến 20-7), lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc đã xử lý hàng nghìn xe quá tải, cơi nới thành, thùng, tạm giữ hàng trăm phương tiện và tước giấy phép lái xe hơn 1.000 trường hợp. Trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó có sự chống đối, trốn tránh của các lái xe.

Có mặt tại Km11+135 Quốc lộ 5, địa phận thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi thấy tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng CSGT, Công an tỉnh Hưng Yên yêu cầu nhiều phương tiện có dấu hiệu quá tải dừng xe để kiểm tra. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều phương tiện do cơi nới, chở quá tải trọng nên trong quá trình di chuyển đã để các vật liệu rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn cho người đi đường. Các phương tiện vi phạm chủ yếu là xe tải chở vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, sỏi. Tuy nhiên, nhiều lái xe sau khi lực lượng chức năng dừng phương tiện kiểm tra đã cố thủ trong cabin và liên tiếp gọi điện thoại cho ai đó; có lái xe còn bất chấp nguy hiểm cho phương tiện đi lùi để chạy vào một cung đường khác.

Xử lý xe quá khổ, quá tải còn nhiều khó khăn
 Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra xe vượt quá tải trọng, cơi nới thành, thùng xe.

Trung tá Nguyễn Văn Tỉnh, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1 cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, trong thời gian qua, cán bộ đơn vị chúng tôi đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho các chủ xe và lái xe về những quy định trong việc chở hàng hóa, lưu thông trên đường. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, việc tuần tra kiểm soát, xử lý xe quá tải của đội còn gặp nhiều khó khăn. Khi chúng tôi kiểm tra, xử phạt được một lái xe vi phạm, họ sẽ gọi điện, liên hệ thông tin với những xe chạy phía sau để thay đổi giờ chạy hoặc chạy tuyến đường khác”.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát, xử lý nhưng tình trạng nhiều xe chở hàng quá khổ, quá tải vẫn cố tình hoạt động bằng cách lén lút chạy xe ngoài khung giờ tuần tra, thông báo cho nhau để tránh né các chốt trực, kiểm soát của cơ quan chức năng. Phóng viên đã tiến hành khảo sát và thấy diễn ra tình trạng nhiều phương tiện cơi nới thành, thùng, chở vật liệu xây dựng đi từ khu vực Gia Lâm (Hà Nội), qua khu vực cầu Phú Thụy vào Quốc lộ 5. Khi gần đến chốt kiểm soát của Phòng CSGT, các phương tiện rẽ vào đường tránh trước cổng Công ty TNHH Bao bì Việt Hưng, đi vào đường ĐT.179, đoạn qua địa bàn thị trấn Như Quỳnh, rồi vào các dự án trên địa bàn huyện Văn Lâm.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Công Quyền, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Từ ngày 20-6 đến 20-7, lực lượng CSGT Công an tỉnh Hưng Yên đã xử lý 89 trường hợp vi phạm về quy định cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ, phạt tiền hơn 300 triệu đồng, vận động, cưỡng chế 319 trường hợp tháo, cắt thùng xe. Trong quá trình xử lý vi phạm, chúng tôi mở hồ sơ theo dõi phương tiện, những phương tiện tái phạm sẽ áp dụng tình tiết tăng nặng thậm chí là phối hợp với ngành giao thông vận tải để không cấp hoặc thu hồi phù hiệu vận tải đối với phương tiện vi phạm nhiều lần. Không chỉ diễn ra ở thời gian cao điểm mà chúng tôi sẽ tổ chức, bố trí lực lượng tuần tra bảo đảm 24/24 giờ trên tất cả các tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ về vi phạm cơi nới kích thước thành, thùng và chở quá tải”.

Còn tại địa bàn TP Hà Nội, xe quá tải, quá khổ, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành, hoạt động rầm rộ ở một số tuyến đường tập trung nhiều công trường xây dựng, như: Quốc lộ 32, đê Liên Mạc, đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khoái, Trần Quang Khải, Ngọc Hồi. Chỉ tính riêng trong quý I-2022, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với hơn 2.000 trường hợp xe quá tải, vi phạm kích thước thành, thùng, gây mất vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tại tuyến Quốc lộ 1A cũ, đoạn qua các huyện Thường Tín, Thanh Trì đi trung tâm thành phố; tuyến đường vành đai 3 hướng từ cầu Thanh Trì đi vào trung tâm thành phố, qua bến xe Nước Ngầm thường xuyên xuất hiện các phương tiện có trọng tải lớn không che chắn vật liệu làm rơi vãi, gây bụi, ô nhiễm môi trường.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động rầm rộ và có chiều hướng gia tăng là do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp đặt nặng vấn đề lợi nhuận, nếu cơi nới thành, thùng sẽ chở được nhiều và giảm giá thành vận chuyển. Nhận thức về pháp luật và ý thức bảo đảm an toàn giao thông của nhiều chủ xe, lái xe còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý đối với hành vi chở quá tải trong nhiều năm chưa thực sự được chú trọng.

“Để dẹp xe quá khổ, quá tải, rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của toàn xã hội. Các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đơn vị thuê chở hàng, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký cam kết không chở hàng quá khổ, quá tải. Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, đề cao trách nhiệm trong kiểm tra, sử dụng thiết bị ghi hình để có căn cứ xử phạt “nguội” phương tiện vi phạm về trật tự an toàn giao thông”, Thượng tá Trần Công Quyền kiến nghị.